Tin mới

Xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Lực lượng cốt cán, người có uy tín có vai trò quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta, do họ có khả năng tác động và tập hợp quần chúng, nhân dân. Xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận hiện nay.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

 Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chụp ảnh cùng với cán bộ xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh Quang Vinh

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, có 53 dân tộc thiểu số, dân số 13.386.330 người chiếm 14,6% dân số cả nước, phân bố trên 56/63 tỉnh thành, vùng dân tộc thiểu số chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số có truyền thống lịch sử đoàn kết trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, khắc phục thiên tai, xây dựng đất nước. Trong kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là căn cứ địa cách mạng vững chắc, nơi cung cấp sức người, sức của trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Quan điểm của Đảng và kết quả xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong  vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm và phát huy vai của trò lực lượng cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số để kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và tình hình nhân dân các dân tộc thiểu số. Một trong những đóng góp quan trọng cho công tác dân tộc, dân vận của Đảng qua các thời kỳ là vai trò của lực lượng cốt cán trong công tác vận động chính trị quần chúng, nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và thực hiện chính sách “Đại đoàn kết dân tộc” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc xây dựng lực lượng cốt cán, những người có uy tín tiêu biểu và có ảnh hưởng trong vận động chính trị quần chúng, nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thành quy định cụ thể của Đảng; cơ chế, chính sách đối với lực lượng này còn nhiều bất cập, thiếu tiêu chí xác định, phân định cấp độ cụ thể về cốt cán. Chưa phát huy hết được vai trò của cốt cán - là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Việc chưa xây dựng được lực lượng cốt cán “làm nòng cốt trong vận động chính trị quần chúng nhân dân”, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay, giúp cho việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác dân vận; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản quan trọng, như: Nghị quyết Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác dân tộc. Kết luận 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về Công tác dân tộc. Nghị quyết Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết luận số 68-KL/TW, ngày 10/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Xây dựng cốt cán và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Hoa. Nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa I - XII của Đảng. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số. Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg, ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc và xây dựng lực lượng cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2016 các địa phương đã lựa chọn được 29.885 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số. Thực tiễn cho thấy, việc chăm lo, tranh thủ lực lượng cốt cán trong các dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, việc xây dựng lực lượng cốt cán, cơ chế, chính sách đối với cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc triển khai nghiên cứu chính sách về cốt cán và người có uy tín còn chưa đồng bộ. Công tác quản lý, vận động, sử dụng lực lượng cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số triển khai chậm, thiếu thống nhất, như: Việc sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương, chính sách đối với cốt cán, người có uy tín; kinh nghiệm trong công tác vận động chính trị, vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội của cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; Ban Dân vận Trung ương và nhiều Ban Dân vận cấp ủy địa phương chưa xây dựng được lực lượng cốt cán, nòng cốt dân vận trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; việc tranh thủ lực lượng và việc bồi dưỡng, tập huấn chưa thường xuyên.

Những hạn chế, bất cập nêu trên do công tác tham mưu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán chưa kịp thời. Việc nghiên cứu xây dựng tiêu chí, việc quy định phân cấp quản lý, phân công tranh thủ cốt cán, người có uy tín chưa có sự phân định cụ thể về cấp độ. Mặt khác, thiếu cơ chế thu hút vận động cốt cán tham gia xây dựng hệ thống chính trị. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân vận ở cơ sở

Thứ nhất, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu, nòng cốt.

Thứ hai, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

Thứ ba, xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số là nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về cốt cán, người có uy tín, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận và tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số làm nòng cốt chính trị, giúp cho Ban Dân vận Trung ương và các cấp ủy Đảng thường xuyên, kịp thời nắm, cung cấp thông tin về tình hình nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giao trách nhiệm khi có vấn đề phức tạp xảy ra; trao đổi, góp ý kiến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, xây dựng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người có uy tín tiêu biểu về vận động chính trị quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân vận Trung ương.

Một số giải pháp về xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số

1. Tăng cường mối quan hệ giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước. Nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

2. Xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường; quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc, theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng…

3. Nội dung phát huy vai trò của lực lượng cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, cụ thể theo lĩnh vực, như: tư tưởng, tín ngưỡng, kinh tế, văn hóa, truyền thống, luật tục…

4. Xây dựng cơ chế, chính sách đối với lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, như: Cơ chế quản lý, chính sách chăm lo, thăm hỏi, động viên khen thưởng…

5. Tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhằm phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, để từ đó tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng những giải pháp hữu hiệu về công tác vận động chính trị quần chúng, nhân dân, góp phần đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiến tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội.

Trong thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Một là, Ban Dân vận Trung ương cần nghiên cứu đề án trình Ban Bí thư để làm cơ sở nghiên cứu ban hành Kết luận về Xây dựng lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; phối hợp với các ban Đảng, Ban Cán sự Đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện.

Hai là, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương và cấp chính quyền ở địa phương vùng dân tộc thiểu số xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Kết luận; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kết luận.

Ba là, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với tình hình ở từng địa phương để triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư đạt kết quả; hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả gửi về Ban Dân vận Trung ương báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Đào Đoan Hùng

Thạc sĩ, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản