Tin mới

Cùng xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

(Mặt trận) - Ngày 14/7, tại Quảng Bình, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tổ chức Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Dự và chủ trì Hội nghị, về phía Việt Nam có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, cùng đại diện lãnh đạo: Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 10 tỉnh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Về phía Lào có đồng chí Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước; đồng chí Sổm Ốc Kình Sạ Đa, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, cùng đại diện lãnh đạo: Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào Xây dựng đất nước 10 tỉnh có chung đường biên giới với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Khăm Bay Đăm Lắt tại Hội nghị.

Biên giới Việt Nam và Lào có chiều dài khoảng 2.340 km, đi qua địa phận của 10 tỉnh biên giới Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum) tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào (Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt, Sa La Van, Xê Kông, Át Ta Pư). Toàn tuyến biên giới có 8 cửa khẩu quốc tế là: Tây Trang, Na Mèo, Nậm Cắn, Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo, La Lay; có 6 cửa khẩu chính, nhiều cửa khẩu phụ và hàng trăm con đường biên giới đi qua hai nước. Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng, bản cách xa nhau và xa đường biên giới; đời sống vật chất và tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc hai bên biên giới còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Nhân dân hai nước ở khu vực biên giới từ lâu đã có mối quan hệ thân tộc, đồng tộc gần gũi và gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tự hào về truyền thống của Mặt trận hai nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các thế hệ lãnh đạo Mặt trận hai nước xây dựng và dày công vun đắp. Hoạt động của Mặt trận hai nước trong các giai đoạn lịch sử đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng của hai dân tộc. Được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các chương trình phối hợp giữa Mặt trận hai nước ngày càng có hiệu quả thiết thực.

 

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Trong không khí trang trọng và thắm tình đoàn kết hữu nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng khi đón đoàn đại biểu cấp cao UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, do đồng chí Khăm Bay Đăm Lắt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước làm Trưởng đoàn, sang thăm và tham dự Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển năm 2017.

Với thành công của Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam tại thủ đô Hà Nội mới đây, ba bên đã trao đổi thẳng thắn, chân thành về những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Bản Ghi nhớ “Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2013-2016", và thống nhất ký kết Bản ghi nhớ “Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2017-2020", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, Hội nghị lần này là dịp để hai bên cùng nhau trao đổi thẳng thắn, góp ý chân thành, đánh giá khách quan kết quả việc triển khai thực hiện Thông cáo chung tại Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam-Lào năm 2014, qua đó đề ra những nội dung hợp tác mới, thiết thực, hiệu quả hơn trong giai đoạn 2017-2020.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong bối cảnh hiện nay, trước những thuận lợi và thách thức đối với cả hai nước, hơn bao giờ hết, hai nước cần phải thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng đã được đúc kết trong câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

“Trên tinh thần đó, hai tổ chức Mặt trận và nhân dân hai nước chúng ta quyết tâm cùng nhau duy trì và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng - tài sản vô giá của hai dân tộc cho muôn đời con cháu mai sau, như lời Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản từng nói: "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Từ nền tảng hợp tác, hữu nghị của hai nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng Hội nghị chính là một minh chứng sinh động cho những hoạt động thiết thực do Mặt trận 2 nước thực hiện trong thời gian qua, góp phần củng cố hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là giữa chính quyền và nhân dân các tỉnh có đường biên giới giữa 2 nước.

“Nhờ có các hoạt động giao lưu, hợp tác qua biên giới, đời sống của nhân dân và điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng biên giới được cải thiện, an ninh và trật tự được giữ vững. Chúc quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức Mặt trận chúng ta ngày càng được củng cố và phát triển. Chúc tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Lào ngày càng được vun đắp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Khăm Bay Đăm Lắt phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước Khăm Bay Đăm Lắt khẳng định, Hội nghị lần này nhằm mục đích cùng nhau đánh giá lại kết quả tổ chức thực hiện công tác xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị giữa hai nước, nhất là 10 tỉnh của Lào có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam, trong giai đoạn 2 năm 2014-2016.

Theo đồng chí Khăm Bay Đăm Lắt, từ những ý kiến tại Hội nghị, hai bên sẽ cùng nhau thống nhất phương hướng hợp tác trong thời gian tới và sẽ cùng nhau ký Thông cáo chung của Hội nghị và Mặt trận 10 tỉnh của Việt Nam và Lào sẽ ký Bản cam kết Giao ước thi đua thực hiện thành công Thông cáo chung về kết quả Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển giai đoạn 2017-2020. “Tôi tin tưởng đại biểu tham dự Hội nghị sẽ phát huy hết tinh thần trách nhiệm, trí lực của mình để Hội nghị thành công tốt đẹp”, đồng chí Khăm Bay Đăm Lắt cho biết.

 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đọc báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, phát huy truyền thống hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là Mặt trận các tỉnh có chung đường biên giới với Lào đã tổ chức nhiều chương trình, vận động nhân dân các địa phương có chung đường biên giới hợp tác với nhân dân các địa phương của Lào, giúp nhau phát triển kinh tế, chấp hành tốt pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự đường biên giới, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển bền vững mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, thực hiện Thông cáo chung về xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị giai đoạn 2014 - 2016, được ký giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Lào Xây dựng đất nước vào tháng 11/2014 tại tỉnh Khăm Muộn, Lào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung của “Bản Giao ước thi đua xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giai đoạn 2014 - 2016”. Nội dung hợp tác ngày càng thực chất, sâu rộng, hiệu quả hơn và không ngừng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

 “Nhìn lại chặng đường hơn hai năm vừa qua, chúng ta khẳng định rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả bản Thông cáo chung về xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển giai đoạn 2014 - 2016. Thông qua các hoạt động hợp tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Mặt trận Lào, tình đoàn kết đặc biệt thủy chung và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Theo ông Vi Têng Chư May Te, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn, trong thời gian qua, tỉnh Hủa Phăn đã quan tâm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, mở rộng hợp tác toàn diện với các tỉnh của Việt Nam, nhất là 3 tỉnh giáp với biên giới của tỉnh Hủa Phăn (Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An) và một số tỉnh đã giúp đỡ phối hợp, coi nhau như những người bạn, người đồng chí cùng chung lý tưởng. Trong đó có rất nhiều hoạt động nổi bật như: tỉnh Thanh Hoá hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn các dự án công nghệ thử nghiệm giống nấm, trồng nấm, xây nhà cho hộ nghèo bản Sổm Văng, đào tạo sinh viên. Tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng hội trường huyện Xiêng Khọ, trường Moong Nặm, hỗ trợ học sinh nghèo. Tỉnh Nghệ An hỗ trợ công tác đào tạo sinh viên cùng nhiều dự án hỗ trợ khác…

Phần lớn tuyến biên giới giữa Việt Nam và Lào đều đi qua đỉnh hoặc triền núi và qua rừng rậm nhiệt đới. Dân cư sống hai bên biên giới đa phần là nhân dân các dân tộc ít người, sống thưa thớt tại các làng bản rất xa nhau. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân hai nước ở khu vực biên giới từ lâu đã có sẵn mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau và gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Sa La Văn là tỉnh có chung đường biên giới với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Chia sẻ về những khó khăn chung của dân cư vùng biên giới, ông Som Lét Chô La Ma Ny, Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tỉnh Sa La Văn nêu thực tế, hiện nay công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tới được hết các vùng. Do đó còn có một số nhóm người vẫn vi phạm pháp luật như buôn bán hàng cấm qua khu vực biên giới, nhất là ma tuý, trong khi đó ngân sách và vật dụng phục vụ cho công tác Mặt trận tại địa phương chưa đáp ứng được với yêu cầu.

Chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Tuân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình có đường biên giới giáp với hai tỉnh Sa Van Khet và Khăm Muộn của Lào. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tính cực phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, trong đó có các tỉnh có chung đường biên giới. Đặc biệt, hai bên đã đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa, từ đó góp phần cùng các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc cư trú, đi lại, hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước khi vào hoạt động trong khu vực biên giới.

Luân phiên 2 năm một lần, Mặt trận hai tỉnh của hai nước lại tổ chức hội đàm. Theo ông Trần Văn Tuân, đây là những cơ sở để Quảng Bình thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các tỉnh tiếp giáp đường biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện cùng phát triển của hai nước Lào - Việt Nam.

Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản