Tin mới

Việt-Lào thảo luận về vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội

Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội diễn ra tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 100 nữ đại biểu Quốc hội hai nước.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sáng 7/8, tại Thành phố Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội. Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; phía CHDCND Lào có Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sysay Leudedmounsone và đại diện các Ủy ban cùng hơn 100 nữ đại biểu Quốc hội hai nước.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những nữ nghị sỹ có mặt tại hội thảo để tham dự một sự kiện rất ý nghĩa - Cuộc gặp mặt lần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 14 Quốc hội Việt Nam và nhiệm kỳ 8 Quốc hội Lào của hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.

Với chủ đề “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội”, Hội nghị lần này có sự tham gia của các nữ nghị sỹ nước bạn Lào và nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tạo diễn đàn cho việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường của các nữ đại biểu Quốc hội hai nước.

 

Hội thảo Vai trò nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội tại Đà Nẵng

Quốc hội Việt Nam khóa XIV với 132 nữ đại biểu trúng cử đã đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên con số 26,7% (tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước). Đây là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vai trò, uy tín ngày càng cao của phụ nữ trong Quốc hội, trong cử tri.

Tuy vậy, nữ đại biểu trúng cử lần đầu vẫn chiếm hơn một nửa (64,8%) trong tổng số các nữ đại biểu Quốc hội và chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm, nên ngoài việc đảm đương nhiệm vụ, vai trò của người đại biểu nhân dân, nhưng đồng thời phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn của mình, lại vừa phải thực hiện chức năng của người phụ nữ là chăm lo cho gia đình, nên để có thể hoàn thành được mọi nhiệm vụ, mỗi đại biểu nữ phải hết sức nỗ lực phấn đấu trước yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, cũng như của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ này vừa là sự tiếp nối truyền thống của các khóa Quốc hội XII và XIII, vừa để đáp ứng nhu cầu cần có một diễn đàn chung để chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ nhau giữa các nữ đại biểu trong hoạt động của Quốc hội.

 

“Qua hoạt động của Nhóm, các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội giao lưu, thu nhận thông tin, phân tích chính sách, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nhóm nữ nghị sĩ các nước, để qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tại Quốc hội; tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới… Đồng thời hỗ trợ cho các nữ đại biểu thực hiện vai trò đại diện, xây dựng hình ảnh nữ đại biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, thông qua hoạt động này, hội nghị sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi đại biểu tham dự và đặc biệt góp phần quan trọng vun đắp tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai quốc gia, hai Quốc hội nói chung và giữa hai Nhóm nữ đại biểu Quốc hội nói riêng.

 

 Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong phần phát biểu khai mạc của mình, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đánh giá cao ý tưởng của Quốc hội Việt Nam về việc tổ chức hội thảo này; đồng thời cho rằng, đây là sự kiện lịch sử mà đại biểu nữ hai nước tham gia đông đảo nhằm cùng trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện. 

“Hội thảo về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức chức năng, vai trò các quyết định cũng như công tác giám sát thực hiện hiến pháp của cơ quan lập pháp hai nước. Đặc biệt là thể chế hóa các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và quyền của trẻ em thành luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Thời gian qua, cơ quan lập pháp hai nước đều đã thực hiện chức năng của mình một cách có trách nhiệm, hiệu quả cao, góp phần tích cực, quan trọng trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước của mỗi nước”, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cũng cho rằng, để làm tròn chức trách và nhiệm vụ đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, mỗi đại biểu nói chung, nữ đại biểu Quốc hội nói riêng, cần phải nâng cao năng lực, trí tuệ của mình, có quan điểm và phong cách làm việc gắn bó thực tế với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

 

Hai nữ Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam và Lào

Điều quan trọng, qua hội thảo này, các nữ đại biểu Quốc hội hai nước sẽ xây dựng được tinh thần đoàn kết, gần gũi, gắn bó, hợp tác trong giai đoạn tiếp theo; cùng trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chung tay trao đổi và tìm kiếm được phương pháp, cách thức hoạt động hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, đoàn kết, văn minh.

Hội thảo Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động Quốc hội tập trung thảo luận ba chủ đề chính: Tổng quan về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động Quốc hội; kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật; kinh nghiệm của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát thực hiện pháp luật.

Bên cạnh đó, các nữ đại biểu Quốc hội hai nước sẽ cùng tham gia hoạt động tham quan thực địa tại tỉnh Quảng Nam và kết hợp thăm các danh lam thắng cảnh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản