Tin mới

Cần nhiều đột phá trong đầu tư để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(Mặt trận) - Chiều ngày 5/4, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhân dịp Thủ tướng về dự Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào Khmer.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cùng dự buổi làm việc có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực.  

Những lực cản đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH cho vùng ĐBSCL và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, khu vực này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún nền đất ven sông, ven biển, suy giảm nguồn nước, nguồn cát, nguồn lợi thuỷ sản, các quy hoạch thiếu tính đồng bộ, liên kết…

“Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ hơn, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xác định rõ các thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt; xác định quan điểm chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp, quy hoạch lại không gian cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái nước mặn, nước ngọt, nước lợ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối nội vùng và kết nối với TPHCM - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, tài nguyên nước, thuế… tạo sự đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực và thị trường, khuyến khích hỗ trợ, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế điều phối, tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra.

Báo cáo về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với tuyến cao tốc phía đông từ TPHCM đi Cần Thơ - Cà Mau, đoạn TPHCM - Trung Lương đã hoàn thành năm 2010; còn đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thi công. Bộ trưởng khẳng định, sẽ phấn đấu thông tuyến sớm nhất, cố gắng vào cuối năm 2020 và sau đó triển khai tuyến Cần Thơ - Cà Mau. Về cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, phấn đấu khởi công xây dựng trong quý III/2019, hoàn thành năm 2023. Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 TPHCM, kết nối TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đến nay đã có kế hoạch bố trí vốn khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Các bộ, ngành, địa phương trong vùng đã bước đầu đề xuất, xây dựng, triển khai các dự án ưu tiên, có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng có nhiều cuộc làm việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong vùng, có địa phương Thủ tướng làm việc tới 3 lần.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các tỉnh tập trung mạnh mẽ cải cách hành chính, khi hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về vấn đề này ở các địa phương. “Chúng ta có 15 cảng biển và 35 cảng sông, tư nhân muốn vào đầu tư nhưng rất vướng thủ tục. Nhiều tỉnh rất năng động nhưng lại vướng về cơ chế”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.

Điểm nghẽn hạ tầng trong phát triển kinh tế vùng

Xuất phát từ thực tế hiện nay, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, một điểm nghẽn lớn trong phát triển ĐBSCL là hạ tầng, trong đó có kết nối đường bộ giữa các tỉnh ĐBSCL với TPHCM, khi mà cứ dịp lễ, tết, các tuyến đường nối với TPHCM đều tắc nghẽn. Các tỉnh rất trông mong dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ; tạo điều kiện để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển đời sống văn hoá tinh thần với việc phát triển du lịch, tạo thế phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL… 

Chia sẻ với những trở ngại mà vùng ĐBSCL đang gặp phải, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, vấn đề phát triển vùng ĐBSCL luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và ban hành đầy đủ các văn bản liên quan, chính vì vậy các tỉnh cần tập trung nguồn lực và đề ra kế hoạch triển khai thực hiện nhằm đảm bảo điều kiện trong phát triển kinh tế.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, ngoài việc phát huy thế mạnh vựa trái cây, vựa thủy sản lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực thì phải trú trọng đến thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách của địa phương. Cùng với đó cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phải xác định trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị xuất khẩu và đảm bảo số lượng lớn; quan tâm tới y tế, giáo dục và chăm lo cho hộ nghèo trên địa bàn, đặc biệt là giúp đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng để kết nối ĐBSCL với các thành phố lớn, phải quyết liệt, quyết tâm nâng cấp cảng, nâng cấp sân bay, khuyến khích nhiều hãng bay về với ĐBSCL. Chỉ khi giao thông thuận lợi thì kinh tế mới phát triển”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Cam kết của Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

Đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn của đại biểu tham dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bộ mặt ĐBSCL có sự thay đổi lớn. Nhiều công trình giao thông được xây dựng. Nhiều địa phương trong vùng năng động, sáng tạo, quyết liệt trong phát triển với nhiều mô hình. Xuất khẩu nông sản, lương thực, thực phẩm của Việt Nam là phần lớn từ ĐBSCL.

“Vấn đề quan trọng là không được chủ quan, phải có ý chí mạnh mẽ hơn, có tầm nhìn, giải pháp tốt hơn để đưa vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nề này phát triển, phải đưa vùng đất phương Nam và đời sống của 20 triệu dân ĐBSCL thay đổi mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ một trong những đột phá quan trọng là đột phá về hạ tầng, trong đó bao gồm hạ tầng về cầu cống, đường sá, sân bay, hạ tầng xã hội với trường học, y tế, thiết chế văn hóa cho người dân. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông minh như hạ tầng số.

Nhấn mạnh việc ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng cho biết nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Israel, Hà Lan nhưng kinh tế - xã hội vẫn phát triển, đời sống người dân được cải thiện do họ thích ứng trong mô hình phát triển. Vì vậy, cần nghiên cứu các mô hình phát triển, thích ứng để phát triển ĐBSCL.

“Một câu hỏi đặt ra cho từng cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp là chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, làm gì hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều rất quan trong là cần nâng cao giá trị sản phẩm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng cứng đối với ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã công bố chương trình phát triển GTVT ở ĐBSCL, đây chính là một cam kết của Chính phủ, của Bộ GTVT trước 20 triệu người dân ĐBSCL về vấn đề hạ tầng và cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, phải được thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021.

“Cần có quy hoạch tốt với tầm nhìn xa trong phát triển, đồng thời có hình thức huy động xã hội hóa mạnh mẽ “15 cảng biển và 35 cảng sông này" để phát triển”, Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh liên kết vùng và tiểu vùng ĐBSCL, Thủ tướng nêu rõ không có nơi nào có điều kiện liên kết vùng tốt như ĐBSCL. Chính vì vậy phải tổ chức lại để phát huy sức mạnh của từng địa phương. Cần kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM theo tinh thần “ĐBSCL phát triển thì TPHCM phát triển, ngược lại, TPHCM phát triển có đóng góp của các tỉnh ĐBSCL”.

Cùng với đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để ĐBSCL không còn là vùng trũng về giáo dục và tiếp tục quan tâm đến đời sống đồng bào Khmer, hiện tỉ lệ đói nghèo còn cao.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản