Tin mới

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam

(Mặt trận) - Tối 28/12, tại thành phố Tam Kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và có bài phát biểu.

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Thế Phong  

Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tướng lĩnh, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 550 danh xưng Quảng Nam với bao thăng trầm lịch sử, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường khẳng định đây là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người xứ Quảng anh hùng; nhằm tiếp thêm động lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới. 

“Trong thời khắc trang nghiêm, xúc động và đặc biệt đầy ý nghĩa này; chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công khai mở tạo lập nên vùng đất và danh xưng Quảng Nam; đời đời khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng liệt sĩ, lớp lớp đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Phan Việt Cường phát biểu.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh những thành tựu đạt được trong 550 năm qua là hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Quảng Nam cùng với các địa phương Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định viết tiếp trang sử hào hùng, tạo nên những kỳ tích của danh xưng Quảng Nam trong giai đoạn mới.

Lễ kỷ niệm 550 danh xưng Quảng Nam (1471-2021). Ảnh: VGP/Thế Phong  

Phát biểu tại buổi lễ trang trọng này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta đang đứng chân trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt" mà 550 trước vị Vua anh minh Lê Thánh Tông đã đặt tên. Vùng đất Quảng Nam là vùng đất phía nam rộng lớn từ đỉnh đèo Hải Vân cho tới đèo Cù Mông, bao gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Do đó sự kiện hôm nay không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Nam mà còn đối với cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và cả khu vực miền Trung thân yêu".

Theo Chủ tịch nước, Quảng Nam, tên gọi đầy ý nghĩa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng về non sông đất nước Việt ta cũng như khát vọng dân tộc hùng cường. Và trong hành trình mở cõi, các thế hệ người Việt mãi mãi ghi nhớ công ơn của Huyền Trân công chúa, của các vị vua anh hùng thời nhà Trần như Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và của biết bao các bậc tiền nhân… Trong hơn 550 năm qua, từng viên đá hòn sỏi nơi đây đã được khắc lên bao dấu chân của cha ông từ thửa mang gươm đi mở cõi cho đến thời đại Hồ Chí Minh - những người đã lao động và sản xuất, xây dựng và cống hiến, chiến đấu và hy sinh để cho chúng ta có được tiếng Tổ quốc trọn vẹn như ngày nay.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Quảng Nam đã vẹn tròn sứ mệnh thiêng liêng là đất “phên dậu”, là nơi đầu sóng, ngọn gió đúng như Chúa tiên Nguyễn Hoàng đã nhận định Quảng Nam là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “đất dụng võ của người anh hùng”. Trên mảnh đất thiêng liêng này luôn sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, chí sĩ, đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương. Lịch sử mãi khắc ghi hình ảnh, tên tuổi của Hoàng Diệu, Thái Phiên, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Võ Chí Công,… và tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm quyết thắng ngoại xâm của người dân xứ Quảng. Quảng Nam còn là cái nôi "chữ quốc ngữ" và đi đầu trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh Quảng Nam ngày này được vinh dự kế thừa cái danh xưng đã từng làm rạng rỡ dân tộc trên tiến trình "mở cõi".

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cũng trên chính mảnh đất “cửa biển có ba, ngã nguồn có sáu” với vị trí vươn ra biển Đông đã định hình cho người dân xứ Quảng khát vọng giao tiếp hướng đến cái mới, tố chất mạnh mẽ, can trường, sáng tạo, chịu đựng gian khổ, anh hùng, quả cảm, khẳng khái, cao thượng, nhân văn để rồi ở những thời điểm mang tính lịch sử, họ luôn hiện hữu nổi trội, tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình khai cơ lập nghiệp, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa cũng đã bồi đắp, lắng đọng trong Quảng Nam những giá trị văn hóa đặc trưng, độc đáo, có sức sống lâu bền như ngày hôm nay”.

Chủ tịch nước khẳng định: “Trải qua 550 năm với bao thăng trầm, thay đổi, tỉnh quảng Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng. Tự hào về vùng đất và con người xứ Quảng, chúng ta càng trân trọng và biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu của các thế hệ tiền nhân, của lớp lớp người con xứ Quảng gan dạ bất khuất và chiến sĩ, đồng bào cả nước ngã xuống để gìn giữ mảnh đất Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay - một Quảng Nam tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước với những công trình, dự án mới hối hả dựng xây; nhà máy, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp đang từng ngày phát triển mạnh mẽ, khởi sắc”.

Tự hào thành quả quá khứ nhưng không quên trách nhiệm với tương lai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII. Khó khăn hiện nay đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động.

Tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh nhà, đồng thời cùng đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa như tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng: “Khi mô vật đổi sao dời/Đất Quảng Nam hết nước mới hết người tài hoa”.

“Trong giai đoạn trước mắt, Quảng Nam cần tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế sau những tác động do dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa, nối lại các chuỗi cung ứng và thị trường lao động, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu KT-XH trong năm nay, đồng thời tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm vừa qua, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu cho cả giai đoạn 2020-2025.

Với quy mô, vai trò và vị trí chiến lược, quan trọng của Quảng Nam, Đảng và Nhà nước kỳ vọng sự đóng góp tích cực và lớn hơn nữa của Quảng Nam vào những kết quả chung của cả nước. Thúc đẩy nhanh các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ cùng nhau mở cửa kinh tế, thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng và phòng chống thiên tai”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Với niềm tự hào về vùng đất thân yêu, tôi mong rằng mỗi người con xứ Quảng trong và ngoài tỉnh sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với niềm tự hào và truyền thống của vùng "đất Quảng anh hùng" như câu ca: “Qua Trao thì đến Bến Giằng/Phải chăng đất Quảng anh hùng là đây! Tôi hy vọng niềm tự hào về danh xưng Quảng Nam 550 năm tuổi sẽ là nguồn xung lực cho vùng đất xứ Quảng và các tỉnh miền Trung thân yêu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản