Tin mới

COVID-19 ngày 5/11: Thêm 7.504 ca F0, nhiều địa phương đã nâng cảnh cáo cấp độ dịch; Hà Nội ghi nhận 133 ca dương tính

(Mặt trận) - Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó); Hà Nội ghi nhận 133 ca dương tính tại 20 quận, huyện, trong đó có 62 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin; nhiều địa phương đã nâng cảnh cáo cấp độ dịch; ... đó là những thông tin đáng lưu ý về tình hình dịch bệnh trên cả nước trong ngày 5/11.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). 

Thêm 7.504 ca F0 trong ngày 5/11

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Cà Mau (tăng 190 ca), Bình Thuận (tăng 104 ca), Đồng Tháp (tăng 69 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Tiền Giang (giảm 100 ca), Đắk Lắk (giảm 75 ca), thành phố Hồ Chí Minh (giảm 69 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.027 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 4-11 đến 16h ngày 5-11, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.504 ca nhiễm mới, trong đó có 17 ca nhập cảnh và 7.487 ca ghi nhận trong nước (tăng 911 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố: Đồng Nai (953), Bình Dương (917), thành phố Hồ Chí Minh (912), Kiên Giang (477), Bạc Liêu (468), An Giang (411), Tây Ninh (305), Bình Thuận (298), Cà Mau (241), Cần Thơ (199), Sóc Trăng (193), Đồng Tháp (166), Tiền Giang (163), Long An (140), Hà Giang (138), Đắk Lắk (135), Bình Phước (107), Gia Lai (94), Vĩnh Long (92), Hà Nội (91), Bến Tre (90), Trà Vinh (86), Đắk Nông (76), Bà Rịa - Vũng Tàu (74), Ninh Thuận (55), Nghệ An (51), Hậu Giang (49), Thanh Hóa (49), Bắc Ninh (46), Khánh Hòa (44), Bắc Giang (43), Phú Thọ (39), Nam Định (37), Lâm Đồng (30), Quảng Ngãi (26), Quảng Nam (23), Hưng Yên (22), Bình Định (18), Quảng Ninh (16), Đà Nẵng (14), Hà Nam (13), Hà Tĩnh (13), Điện Biên (13), Kon Tum (7), Thừa Thiên - Huế (7), Lai Châu (6), Thái Nguyên (5), Ninh Bình (5), Quảng Trị (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (4), Hải Phòng (3), Phú Yên (3), Lạng Sơn (3), Thái Bình (2), Sơn La (2), Tuyên Quang (2), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1), Cao Bằng (1); trong đó có 3.207 ca tại cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 953.547 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.680 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 948.646 ca, trong đó có 834.530 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 10 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (436.629), Bình Dương (237.158), Đồng Nai (70.091), Long An (35.500), Tiền Giang (17.642).

Về tình hình điều trị, có 1.941 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 5-11, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 837.347. Ngoài ra, hiện có 3.093 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng theo Bộ Y tế, tính từ 17h30 ngày 4-11 đến 17h30 ngày 5-11, nước ta ghi nhận 70 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (33), An Giang (9), Bình Dương (6), Long An (5), Kiên Giang (3), Sóc Trăng (3), Hậu Giang (2), Bạc Liêu (2), Hưng Yên (1), Đắk Lắk (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Ninh Thuận (1), Bến Tre (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 64 ca/ngày.

Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.412 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hà Nội ghi nhận 133 ca dương tính tại 20 quận, huyện, trong đó có 62 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin

Các chốt cứng được thiết lập để kiểm soát dịch ở địa bàn xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm). 

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 4-11 đến 18h ngày 5-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 133 ca dương tính, trong đó có 61 ca cộng đồng, 33 ca tại khu cách ly và 39 ca tại khu phong tỏa.

Các bệnh nhân này phân bố tại 20/30 quận, huyện: Gia Lâm (33 ca); Mê Linh (21 ca); Hà Đông (17 ca); Bắc Từ Liêm (11 ca); Chương Mỹ (8 ca); Thanh Xuân (7 ca); Hoàng Mai, Long Biên mỗi quận có 6 ca; Ba Đình, Đống Đa, Đông Anh và Thường Tín mỗi quận, huyện có 3 ca; Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đan Phượng mỗi quận, huyện có 2 ca; Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Quốc Oai mỗi quận, huyện có 1 ca.

133 ca bệnh được phân bố theo 11 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (46); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (31); chùm liên quan ổ dịch Phú La, Hà Đông (18); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (13); chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (7); chùm sàng lọc ho, sốt (4); chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (3); chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (3); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình (1); chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (1).

Riêng 61 ca cộng đồng được phân bố theo 8 chùm ca bệnh: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (22); chùm liên quan ổ dịch Phú La, quận Hà Đông (14); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (6); chùm liên quan các tỉnh có dịch (5); chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (5); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (4); chùm sàng lọc ho, sốt (4); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (1).

61 ca cộng đồng cũng được phân bố tại 16 quận, huyện: Gia Lâm (9); Chương Mỹ, Hà Đông (8); Thanh Xuân (7); Bắc Từ Liêm, Long Biên (5); Đông Anh, Hoàng Mai, Thường Tín (3); Đan Phượng, Đống Đa, Hai Bà Trưng (2); Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Mỹ Đức (1).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 133 bệnh nhân có 62 người đã tiêm đủ 2 mũi, 37 người đã tiêm 1 mũi và số còn lại chưa đến tuổi tiêm chủng.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 4.825 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.862 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.963 ca.

Nhìn nhận mầm bệnh vẫn luôn tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca dương tính còn lẩn khuất mà chưa được phát hiện, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt "5K" (đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin), đa số hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái bình thường mới...

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, cách ly nhanh nhất các chùm ca bệnh, ổ dịch, Hà Nội liên tục phát đi khuyến cáo quan trọng về ý thức của mỗi người dân trong việc tuân thủ nguyên tắc "5K". Điều này vừa bảo vệ bản thân họ, vừa bảo vệ những đối tượng chưa được tiêm chủng, trong đó có một số người mắc bệnh nền nặng, trẻ em và người mới được tiêm phòng 1 mũi.

Ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, cùng với nguyên tắc "5K", người dân vẫn nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở..., người dân cần thực hiện quét mã QR theo đúng khuyến cáo, thực hiện khai báo y tế để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu người về từ các địa phương khác, đặc biệt có yếu tố dịch tễ liên quan và từ các tỉnh có dịch trở về. Những người này cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, tự giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà...

Đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch, các địa phương đã đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, ngay khi có vaccine về, Viện sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo về việc phân bổ cho các địa phương trên cơ sở kế hoạch dự trù các tỉnh, thành đã gửi về. Do đó, các địa phương cần tiêm chủng cho người trên 18 tuổi ngay số vaccine đã được phân bổ. Vaccine tiêm cho trẻ em của các địa phương sẽ phân bổ theo đợt riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...).

Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3 - 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19…

"Các tỉnh, thành phố được thực hiện theo cơ chế mở căn cứ trên thực tiễn rà soát người về từ vùng dịch của địa phương mình", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân đi từ vùng dịch về chủ động khai báo y tế, phát huy tinh thần trách nhiệm chống dịch; hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới…

Các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát…

Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng, tăng tốc nhập dữ liệu tiêm chủng. Triển khai tiêm mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian; triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. "Đặc biệt, trong tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh để lẫn các loại vaccine, phải tuân thủ "3 tra, 5 chiếu", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu.

UBND tỉnh Bắc Ninh lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến, sẽ có 341.489 trẻ từ 3 đến 17 tuổi được tiêm phòng; trong đó có hơn 47.000 trẻ thuộc nhóm từ 16 đến 17 tuổi, 80.941 trẻ thuộc nhóm từ 12 đến 15 tuổi, 213.327 trẻ thuộc nhóm từ 3 đến 11 tuổi.

Các đợt tiêm chủng dự kiến từ cuối năm 2021 đến hết quý II/2022, tiêm lần lượt từ nhóm tuổi cao đến thấp. Việc triển khai tiêm chủng tùy thuộc tiến độ cung ứng vaccine tiêm cho trẻ em và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trước mắt, UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố thống kê số lượng trẻ trong các độ tuổi từ 3 đến 17 tuổi đang đi học và không đi học hiện sinh sống trên địa bàn. Tỉnh căn cứ vào các điều kiện thực tế về số lượng trẻ em trên địa bàn để triển khai các điểm tiêm chủng tại trường học, cơ sở y tế hoặc các điểm tiêm chủng lưu động phù hợp tại địa phương. Dự kiến sẽ tiêm cho học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục và học sinh mầm non tại trường học. Trẻ em không đi học sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế và điểm tiêm lưu động.

Diễn biến về sự cố tiêm chủng vaccine tại Quốc Oai, Hà Nội, chiều 5/11, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thăm hỏi, động viên gia đình 18 trẻ bị tiêm nhầm vaccine tại Trạm Y tế xã Yên Sơn. Bà Nguyễn Lan Hương đã trao hỗ trợ cho gia đình mỗi cháu 5 triệu đồng từ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19, riêng gia đình có hai cháu sinh đôi và cháu hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm (mỗi gia đình 5 triệu đồng).

Lãnh đạo huyện Quốc Oai đã thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình mỗi cháu 5 triệu đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Nguyễn Văn Tuấn, liên quan đến vụ tiêm nhầm vaccine phòng COVID-19 cho 18 trẻ từ 2-6 tháng tuổi, cơ quan chức năng của xã và huyện đang phối hợp xác minh, đồng thời cử cán bộ thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình.

Các địa phương đề cao công tác phòng chống dịch

Sau khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là các bệnh nhân và người nhà đi chăm sóc người bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 xảy ra tại bệnh viện, Sở Y tế tỉnh đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo bệnh viện, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.  

Hiện Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã tiến hành phong tỏa 8 khoa, trung tâm nằm trong bệnh viện. Các khoa còn lại thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, đến ngày 5/11, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.040 ca mắc COVID-19, trong đó, các ca bệnh mới phát hiện chủ yếu liên quan đến trường hợp trở về từ vùng dịch (gần 160 người). Các địa phương ghi nhận nhiều F0 trở về từ vùng dịch: Tuyên Hóa (42 ca), Bố Trạch (39 ca), Quảng Trạch (23 ca)…

Tỉnh Quảng Bình chủ động, linh hoạt triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn và theo quy định. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, trong số hơn 2.040 trường hợp mắc COVID-19, đến nay có 1.936 người đã điều trị khỏi.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, từ ngày 1- 4/11, thành phố Phan Thiết có 392 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 337 ca mắc trong cộng đồng. Riêng trong ngày 5/11, thành phố ghi nhận 209 trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó có tới 170 ca nghi mắc trong cộng đồng.  

Nguyên nhân số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao tại thành phố Phan Thiết là do việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch đã có biểu hiện lơ là, chủ quan từ các cấp chính quyền và cả trong nhân dân. Nhiều hộ dân khu vực "vùng đỏ" không thực hiện nghiêm 5K, thường xuyên tập trung đông người.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất y tế phục vụ điều trị các ca mắc, tỷ lệ tiêm vaccine còn hạn chế cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch COVID-19 gia tăng mạnh.  

Để nhanh chóng kiểm soát và chặn nguồn lây dịch bệnh, UBND thành phố Phan Thiết ban hành quy định tất cả hoạt động kinh tế - xã hội trong toàn thành phố áp dụng theo cấp độ 3 (vùng cam) từ ngày 4/11. Công an thành phố phối hợp với các phường, xã tổ chức thành lập các chốt tại các "vùng đỏ, vùng cam" trên địa bàn để quản lý người ra, vào theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các chốt kiểm soát đảm bảo linh hoạt, thuận tiện trong công tác quản lý và phù hợp với thực tế địa phương.  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản