Toàn cảnh Hội nghị.
Ông Đỗ Long phản ánh, hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong điều hành kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội cũng như thủ tục hành chính. Theo ông Long, để xử lý khó khăn về ngân sách, đang có tình trạng tìm cách tận thu với tất cả các doanh nghiệp hơn là có những giải pháp, như là: thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, với hơn 5.000 điều kiện. Ông Long đề nghị, cần phải có cơ quan giải quyết “nóng” các bức bách của người dân, doanh nghiệp. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần lập bộ phận để ghi nhận đóng góp ý kiến từ mọi tầng lớp nhân dân thông qua những địa điểm, địa chỉ rõ ràng, có thái độ niềm nở và trân trọng những ý kiến đóng góp, tránh chỉ làm công tác chuyển hoặc ghi nhận rồi chuyển mà không có ý kiến hỗ trợ.
Ông Trương Ty cho rằng, chi tiêu công, nợ công cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta chia nhỏ các tỉnh, huyện, cơ quan, ban, ngành. “Tôi nghĩ điều này không phù hợp bởi khi “đẻ” ra nhiều đơn vị hành chính thì đi theo nó phải thành lập thêm bộ máy quản lý, xây thêm cơ sở vật chất, như vậy sẽ rất tốn kém. Trong khi đó nhiều nước đông dân, có diện rộng lớn họ chia ra các tỉnh/thành ít hơn, họ tạo bộ máy chất lượng, tinh gọn, do vậy giảm được rất nhiều chi phí cho ngân sách”. Ông Ty nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Hoàng phản ánh, hiện thu nhập đầu người của ta còn quá thấp, chỉ hơn một vài quốc gia, chúng ta đã tụt hậu quá xa so với thế giới. Dù vậy, chúng ta không tìm được giải pháp đột phá. Chúng ta cứ “tà tà” thế này thì chỉ đủ cơm ăn; chứ người dân ấm no, hạnh phục thì còn có vẻ xa vời quá. Trong khi đó lại bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển. Chúng ta đã có chủ trương, có nghị quyết rồi mà không tận dụng được, ví dụ vấn đề tăng hạn điền được rất nhiều ý kiến ủng hộ, kể cả lãnh đạo Trung ương, nhưng ai được làm, làm như thế thì luật chưa nêu rõ. Ông Hoàng đề nghị, cần có giải pháp tiết kiệm, tinh giảm bộ máy, chống tham nhũng; cải cách hành chính, doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hiền cho hay, tình hình sạt lở, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống nhân dân các tỉnh miền Tây. Tình trạng phòng khám chữa bệnh quá tải, bác sĩ chạy show, làm thêm khá phổ biến… ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, đến việc phục vụ nhân dân. Đặc biệt, tình trạng đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vụ việc anh em thân tộc cấu xé nhau, gia đình ly tán, tội phạm ngày càng nhiều, tiêu cực xã hội phát sinh. Ông Hiền đề nghị, Mặt trận cần quan tâm hơn đến các vấn đề trên bằng những cuộc vận động ý nghĩa thiết thực, đi vào lòng người, nhằm tôn vinh đạo đức, hiếu nghĩa của người dân.
Một số hình ảnh các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Theo bà Lương Bạch Vân, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện mới chỉ dừng lại ở việc vận động người Việt mua hàng Việt; mà chưa chú trọng thực sự đến chất lượng sản phẩm. Bà Vân mong muốn sản phẩm của các doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường trên thế giới, đồng thời sẽ đáp ứng nhu cầu hội nhập và khi đáp ứng được yêu cầu đó thì Cuộc vận động mới phát huy được hiệu quả lớn. Bà Vân đề nghị, những vấn đề nóng, bức xúc, thì Mặt trận Trung ương cần phải lên tiếng, bởi nếu Trung ương không nói thì địa phương cũng chẳng dám nói, dám làm.
Ông Trần Hoàng Thám đề nghị, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần sớm xây dựng chương trình cho Đại hội Mặt trận sắp tới, trong đó nêu rõ chương trình hành động nhiệm kỳ mới như thế nào, điều lệ cần phải sửa, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, ông Thám cũng đề nghị, chúng ta cần nghiên cứu Chủ nghĩa tư bản hiện đại xem điều gì họ tốt, hay cần áp dụng để nền kinh tế, xã hội của ta được phát triển đầy đủ, phù hợp hơn.
ThS. Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, đóng thuế ngày một tăng lên; người dân đóng thuế vừa là nghĩa vụ và tất nhiên người dân phải được kiểm soát, nhưng việc kiểm soát của họ chưa được nhiều, do vậy những vụ tham nhũng, những vụ đại án hàng trăm, hàng ngàn tỷ diễn ra ngày càng nhiều. Đề cập đến trào lưu khởi nghiệp hiện nay, ông Dũng đánh giá: “Chúng ta đã hơi sa đà, vì rất nhiều người mới lớn, kinh nghiệm, tư tưởng, vốn… còn hạn chế; hay nói một cách khác là số người chưa biết gì về kinh doanh mà làm liều còn nhiều, nên tỷ lệ thành công sẽ rất ít, như vậy dễ gây tốn kém, lãng phí cho xã hội”.
Đề cập đến việc giáo dục đại học hiện nay, ông Dũng cho hay, học quá nhiều, số người thất nghiệp ngày càng cao, những nhà quản lý, hiệu trưởng các trường cứ nói ra những “lời hay, ý đẹp” nhằm thu tiền, nhưng không chịu trách nhiệm gì cả. Đề nghị cần có kiểm soát từ đầu đến cuối, không để tình trạng “đem con bỏ chợ”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những phản ánh, đóng góp của các đại biểu, những ý kiến sát thực, đều có cơ sở thực tiễn, có cơ sở khoa học cao, điều đó có sự nghiên cứu, thực tế có trách nhiệm của các đại biểu, trong đó có nhiều ý kiến bức xúc, chẳng hạn có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế chính sách phù hợp cho các doanh nghiệp phát triển, có ý kiến đề cập đến nạn kẹt xe và tai nạn giao thông, có ý kiến phản ánh về mất an toàn thực phẩm đang diễn ra tràn lan…
Trao đổi về các ý kiến liên quan đến cơ chế giám sát, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện Mặt trận Trung ương đã đề nghị các cơ quan liên quan có thẩm quyền ban hành cụ thể hơn, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế giám sát, để làm sao công tác giám sát phải mang tính thiết thực, không hình thức. Về Đại hội Mặt trận sắp tới, ngay từ đầu năm, Ban Thường trực chỉ đạo các ban, bộ phận liên quan thực hiện các công việc cần thiết. Về công tác đối ngoại, những năm vừa qua, Mặt trận đã, đang và tiếp tục phát huy các mối quan hệ với các tổ chức Mặt trận của nhiều quốc gia trên thế giới, tổ chức các hội nghị liên quan đến Mặt trận các nước.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, những ý kiến này sẽ được tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới cũng như gửi đến các cơ quan, ban ngành liên quan, với mục tiêu làm sao để hạn chế những tiêu cực, giảm bớt những bức xúc nhằm nâng cao đời sống của nhân dân…
Quốc Định