Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Hậu Giang.
Công tác giám sát, phản biện được quan tâm
Theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, năm 5 qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các luôn cấp chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp... Từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai hoạt động giám sát và phản biện theo nhu cầu của địa phương, có sự kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện công tác giám sát, cấp tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chủ trì giám sát được 64 nội dung, vụ việc. Trong đó Mặt trận tỉnh chủ trì giám sát 25 nội dung, vụ việc và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh giám sát 39 nội dung, vụ việc. Cấp huyện, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ trì 330 nội dung, vụ việc. Cấp xã cũng phối hợp giám sát 435 nội dung.
Công tác phản biện cũng được MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên, tổ chức được 2 nội dung phản biện với hình thức tổ chức hội nghị phản biện. Qua đó góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân, các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các cấp trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đoàn công tác làm việc tại Tỉnh uỷ Hậu Giang.
Hoạt động giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, có nơi xem là đột phá của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội để thực hiện tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cụ thể hóa vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Công tác giám sát, phản biện xã, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động này đã góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Có thể khẳng định rằng, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có những hoạt động thiết thực trong công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hậu Giang Huỳnh Thanh Tạo phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết: Xác định việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp, thời gian qua, Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn Mặt trận các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm, lựa chọn những nội dung giám sát theo lĩnh vực mà nhân dân và xã hội quan tâm, như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư… Công tác phản biện xã hội cũng được Thường trực Tỉnh uỷ có ý kiến về đối tượng, nội dung phản biện. Mới đây, Tỉnh uỷ cho chủ trương Mặt trận phản biện dự án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035”…
Quan tâm xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện hàng năm
Trước đó sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cùng đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra tại huyện Châu Thành. Tại đây, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, công tác giám sát, phản biện của huyện Châu Thành và các xã đạt được một số kết quả bước đầu. Vai trò của người đứng đầu được thể hiện tương đối rõ.
Đoàn công tác làm việc tại huyện Châu Thành.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng nhìn nhận: Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như, tính tích cực của chủ thể và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thể hiện rõ. Nhận thức về giám sát, phản biện, góp ý ở cơ sở hiện nay vẫn chưa đầy đủ. Cần phải bám sát nguyên tắc, mục đích và nội dung. Việc xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm cần phải được chú ý; phát huy vai trò của các lực lượng, vai trò chủ đạo của các thành viên. Lựa chọn kế hoạch, nội dung giám sát tránh trùng lắp với các đơn vị khác. Phải phân định rõ ràng giữa nhiệm vụ phản biện và góp ý.
Tại Tỉnh uỷ Hậu Giang, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị một số nhiệm vụ cho thời gian tới: Hậu Giang cần hoàn thiện báo cáo chuẩn bị cho tổng kết toàn quốc 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khoá XI) tại Hà Nội. Tiếp tục quan tâm việc hàng năm xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện, phân rõ trách nhiệm Mặt trận và các đoàn thể các cấp. Phối hợp hành động, tránh trùng lặp nội dung, nhiệm vụ; phát huy 3 hình thức phản biện. Lựa chọn các vụ việc trọng tâm để thực hiện giám sát, phản biện cho có hiệu quả. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát cơ sở. Cấp xã cần phát huy tốt vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Quốc Trung