Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Hữu Thỉnh khẳng định, thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Liên hiệp đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, gắn bó máu thịt với cuộc sống nhân dân, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình và quảng bá tác phẩm, giao lưu hội nhập văn hoá, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một trình độ mới, đáp ứng quyền, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá ngày càng cao của công chúng, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thảo luận tại buổi làm việc, các ý kiến trong Liên hiệp Hội cũng cùng quan điểm, khẳng định bản chất chính trị là một yếu tố không thể tách rời đối với Liên hiệp Hội. Điều này cần được thể hiện rõ trong dự thảo Luật về Hội đang được xây dựng. Trước sự quan tâm của Thủ tướng đối với các khó khăn, vướng mắc của Liên hiệp Hội, các ý kiến cũng nêu một số kiến nghị, tập trung vào vấn đề kinh phí hoạt động, hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, đời sống của văn nghệ sĩ.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, hiện nay, nhiều văn nghệ sĩ có công, có thành tựu nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nhà ở, chính vì vậy mỗi văn nghệ sĩ đều mong muốn Thủ tướng cho lập dự án làng nghệ sĩ để giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, tình hình sân khấu, đặc biệt là sân khấu dân tộc hiện rất khó khăn; kiến nghị cho Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam làm đề án riêng nhằm phục hưng nền sân khấu nước nhà. Liên hiệp Hội cũng mong muốn được tham gia đóng góp ý kiến cho xây dựng chương trình sách giáo khoa môn văn học.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã hoạt động hết sức sôi nổi, các hoạt động sáng tạo có thu được nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào thành công chung của phát triển đất nước, nhất là trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
“Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thực sự trở thành đầu mối của các Hội chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để quảng bá tác phẩm, tổ chức hội thảo bồi dưỡng tài năng trẻ. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm, công trình có quy mô lớn, tạo nên những sự kiện văn hóa nổi bất của đất nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận.
Chia sẻ những khó khăn của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trong quá trình hoạt động, đó là khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí hỗ trợ hạn chế, chế độ chính sách chậm được cải tiến, chế độ nhuận bút cho tác giả, nghệ sĩ còn quá thấp so với sức lao động, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết những kiến nghị của Liên hiệp Hội để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; từ đó hỗ trợ Liên hiệp Hội tiếp tục phát triển, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Cuộc làm việc nhằm giải quyết các kiến nghị của Liên hiệp Hội để làm sao Liên hiệp Hội có điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ của mình, sáng tạo những tác phẩm lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật. Trong các Nghị quyết của Đảng, giới văn học nghệ thuật Việt Nam thể hiện rõ tinh thần đồng hành, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, giữ vững bản chất cách mạng, đấu tranh với cái xấu, cái ác, cổ vũ khát vọng vươn lên của dân tộc, xây dựng lối sống của người Việt Nam.
Các đại biểu trình bày ý kiến tại buổi làm việc.
Biểu dương các kết quả Liên hiệp Hội đã đạt được, Thủ tướng mong muốn, Liên hiệp Hội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm của xứng tầm hơn nữa, để chiếm lĩnh trận địa văn hóa tư tưởng thông qua văn học nghệ thuật. “Nhân dân mong muốn có nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam xứng tầm hơn nữa, để chiếm lĩnh trận địa văn hóa tư tưởng thông qua văn học nghệ thuật, còn nhiều vấn đề trong kinh tế thị trường”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị Liên hiệp Hội tiếp tục phát huy truyền thống và kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, khó khăn, bám sát tôn chỉ, mục đích và tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu. Đó là chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 của Trung ương và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng và chất lượng, trong đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Tăng cường kết nối, trao đổi nghề nghiệp giữa các thế hệ. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Liên hiệp Hội để nâng cao khả năng tập hợp, tạo môi trường phát huy tiềm năng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ. Chủ động, tăng cường và có giải pháp cụ thể để phòng chống sự thâm nhập của các sản phẩm phi văn hóa và âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua văn hóa tư tưởng. Tiếp tục nghiên cứu công tác xã hội hóa, thu hút, vận động tài trợ cho hoạt động văn học nghệ thuật.
Đặc biệt, Liên hiệp Hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về văn học nghệ thuật, qua việc đề xuất, phản biện, trao đổi trong từng chính sách. “Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ văn nghệ sĩ nào có những ý tưởng xây dựng đất nước”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến, giải quyết cơ bản các kiến nghị của Liên hiệp Hội như khẳng định quan điểm đây là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, giải quyết vấn đề kinh phí. Về nhà ở cho văn nghệ sĩ gặp khó khăn, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội giải quyết vấn đề đất đai, Trung ương hỗ trợ vốn một phần để làm hạ tầng quan trọng, từ đó, xã hội hóa một bước để xử lý vấn đề này.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh