Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.
PV: Thưa ông, sự nhức nhối từ tục dâng sao giải hạn bị biến thành “dịch vụ tâm linh” rằm tháng Giêng, hay pháp thỉnh “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nhiều chùa chiền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Cần phải có căn cứ mới khẳng định được các hiện tượng mê tín, dị đoan hiện nay là nhiều hay ít, tăng hay giảm. Đảng và Nhà nước khẳng định: Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo và tự do không theo tôn giáo của nhân dân; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và vai trò tích cực, tiến bộ khác của các tôn giáo.
Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc, trục lợi và làm tổn hại đến lợi ích chung của dân tộc, của cộng đồng và của nhân dân.
Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời đã đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân, phát huy vai trò tích cực yêu nước, yêu đạo của đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là kết quả của đường lối tư tưởng đúng đắn “lấy dân làm gốc”, nhất quán “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân”.
Tuy nhiên, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới. Việc vi phạm các quy định về sinh hoạt tôn giáo ở chùa Ba Vàng đang được dư luận quan tâm gần đây đã được các cơ quan nhà nước vào cuộc, cần phải chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, qua các kênh thông tin cho thấy, việc thu tiền của các tín đồ phật tử là có dấu hiệu trục lợi, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc này. Nếu các hoạt động liên quan đến “thỉnh vong”,“oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng đúng như báo chí phản ánh thì phải đối chiếu với Điều 5, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định về các hành vi bị nghiêm cấm để xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Vấn đề “trục lợi tâm linh” không phải chỉ bây giờ mới xuất hiện. Chỉ khi người dân lên tiếng, truyền thông phản ánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản để chấn chỉnh và các cơ quan chức năng vào cuộc, nếu không có cách để “giải quyết” một cách căn bản thì tình hình này có lẽ vẫn chưa dừng lại. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề này và Mặt trận có vai trò như thế nào?
- Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Do đó, với trách nhiệm của Mặt trận trong việc giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng cũng như Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh tham gia làm rõ và sẽ có thông tin thêm về các hoạt động tôn giáo tại chùa Ba Vàng.
Qua việc này cũng cần tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân của các vấn đề nảy sinh trên đây là do đâu, trách nhiệm của từng cơ quan; phải chăng công tác tuyên truyền về chính sách mới đối với tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo cũng như trong các tầng lớp nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế; công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều mặt yếu kém; hay chưa có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo. Việc thiếu các biện pháp, chế tài là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho pháp luật về tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua vấp phải sự lúng túng nhất định khi đứng trước các vi phạm pháp luật của các chủ thể hoạt động tôn giáo.
Vừa qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã bày tỏ thái độ rõ ràng, nhiều học giả, nhà khoa học đã lên tiếng. Vấn đề quan trọng hiện nay là không để từ một hiện tượng không tốt làm ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; không đánh đồng một hiện tượng tín ngưỡng để hiểu sai về một tôn giáo; không để lợi dụng việc làm của một vài cá nhân làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân. Vì thế các cơ quan chức năng cần phải thông tin rõ phải trái của vấn đề, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Na - Trung Hiếu (thực hiện)