Tin mới

Ngày 1/11: Cả nước thêm 5.598 ca nhiễm COVID-19, xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng

(Mặt trận) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 31/10 đến 16h ngày 1/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 5.595 ca trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.321 ca trong cộng đồng).

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Hình ảnh bên trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, thành phố Thủ Đức). Ảnh: Báo Tin tức
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (927), Bình Dương (682), Đồng Nai (657), Kiên Giang (469), Bạc Liêu (382), An Giang (215), Sóc Trăng (194), Bình Thuận (167), Đắk Lắk (164), Tiền Giang (163), Tây Ninh (157), Cần Thơ (149), Bà Rịa - Vũng Tàu (109), Long An (100), Hà Giang (98), Đồng Tháp (89), Trà Vinh (72), Bình Phước (72), Phú Thọ (70), Cà Mau (68), Ninh Thuận (62), Hà Nội (57), Vĩnh Long (50), Bắc Ninh (50), Hậu Giang (47), Bến Tre (37), Thanh Hóa (34), Kon Tum (29), Lâm Đồng (25), Hà Nam (23), Thừa Thiên Huế (22), Nghệ An (22), Khánh Hòa (21), Gia Lai (18), Quảng Ngãi (14), Quảng Nam (14), Quảng Bình (13), Nam Định (10), Bình Định (9), Bắc Giang (9), Phú Yên (5), Thái Nguyên (4), Lào Cai (4), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Quảng Trị (2), Tuyên Quang (2), Thái Bình (1), Hòa Bình (1). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-127), TP. Hồ Chí Minh (-114), Tiền Giang (-59). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Kiên Giang (+174), Tây Ninh (+47), Bà Rịa - Vũng Tàu (+45). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.871 ca/ngày.
 Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (433.069), Bình Dương (233.740), Đồng Nai (66.436), Long An (34.947), Tiền Giang (16.807).Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.731; số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca.

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 31/10 đến 17h30 ngày 01/11 ghi nhận 52 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (25), Bình Dương (11), Hòa Bình (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Cần Thơ (2), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Ninh Thuận (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1).Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.135 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những hoạt động của ngành y tế trong ngày

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang; cùng với lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều (Công văn số 9292/BYT-DP ngày 01/11/2021 của Bộ Y tế).

Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Tiền Giang.

Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Dự thảo "Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới" theo các góp ý của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia.

TP. Hà Nội: Ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021-2022. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 12-17 (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Với mục tiêu trên 95% trẻ từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn được tiêm chủng đủ mũi vắc xin COVID-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, thời gian triển khai dự kiến diễn ra trong quý IV/2021 đến hết quý I/2022.

TP. Đà Nẵng: Xây dựng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn. Theo đó, căn cứ vào khả năng cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch bệnh tại địa phương, dự kiến trong tháng 11-12/2021, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn; trong đó, ưu tiên theo thứ tự lứa tuổi cao đến thấp hiện đang theo học, nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm, các trẻ béo phì, thừa cân, bị bệnh nền.

Tỉnh Bắc Ninh: Trong những ngày qua, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều chùm ca dương tính liên quan các công nhân công ty thuộc khu công nghiệp trên địa bàn huyện Quế Võ, thành phố Bắc Ninh và người nhà của ca bệnh. Địa phương đang nâng cao tinh thần cảnh giác, tập trung cao và quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly theo quy định; tính toán triển khai biện pháp phù hợp với tình hình thực tế như: 2 điểm đến 1 cung đường, 3 tại chỗ... trong một thời gian nhất định. Đối với các doanh nghiệp, cần phối hợp chặt chẽ và cùng tham gia phòng, chống dịch với chính quyền địa phương, đặc biệt là khi phát hiện F0; đồng thời chủ động tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo mức độ nguy cơ.

Bạc Liêu nâng cấp độ dịch COVID-19 từ cấp độ 2 lên cấp độ 4

 

Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ra quyết định số 451/QĐ-UBND về việc cập nhật và công bố cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với cấp xã ở cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ) có 20/64 đơn vị cấp xã gồm: xã Vĩnh Trạch Đông, Phường 2, Phường 3, Phường 7 (thành phố Bạc Liêu); xã Phong Tân, xã Phong Thạnh Đông, Phường 1, Phường Láng Tròn, Phường Hộ Phòng, xã Phong Thạnh A, xã Tân Phong (thị xã Giá Rai); thị trấn Gành Hào, xã Long Điền, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải); xã Phước Long, xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long); các xã Ninh Quới, Ninh Quới A (huyện Hồng Dân); hai xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) và Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình).

Các xã ở cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) có 8/64 đơn vị cấp xã gồm: Phường 8, Phường 1, Phường 5 (thành phố Bạc Liêu); xã Phong Thạnh (thị xã Giá Rai); xã Long Điền Đông A (huyện Đông Hải); thị trấn Phước Long (huyện Phước Long); xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) và xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi).

Các xã ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) có 36/64 đơn vị gồm các xã, phường, thị trấn còn lại.

Đối với cấp huyện, có thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu ở cấp độ  4; cấp độ 3 có 3 huyện là Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân; cấp độ 2 có 2 huyện là Vĩnh Lợi, Hòa Bình.

Đối với cấp tỉnh, Bạc Liêu ở cấp độ 4.

Thời gian áp dụng từ 12 giờ ngày 2/11.

Việc thiết lập, vận hành các chốt kiểm soát dịch được thực hiện ngay sau khi Quyết định này được công bố.

Trước đó, khi Bộ Y tế công bố đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bạc Liêu thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cấp độ 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn căn cứ vào cấp độ dịch COVID-19 tại Quyết định này để áp dụng biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVD-19” trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 18/10/2021, được bổ sung một phần tại Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 25/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, trong đó tuân thủ nguyên tắc “Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh”. Do đó, việc áp dụng các biện pháp hành chính thực hiện tương ứng theo cấp độ dịch là cấp độ 4 trên phạm vi toàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Thiều lưu ý, hoạt động của các cơ quan, công sở thực hiện theo quy định. Riêng tuyến đầu phòng, chống dịch tập trung 100% lực lượng để thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, đồng thời phối hợp chặt chẽ, tuân thủ sự hướng dẫn của Tổ Công tác đặc biệt do Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện. Các khu vực phong tỏa thực hiện theo Quyết định phong tỏa do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) ký ban hành.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo, Sở Y tế có trách nhiệm hàng tuần chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19, điều kiện thực tế, khả năng phòng, chống dịch của tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định, cập nhật cấp độ dịch đối với từng xã, phường, thị trấn (trừ khu vực phong tỏa) trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công bố chuyển đổi để làm cơ sở thực hiện.

Trường hợp đột xuất khi có diễn biến dịch phức tạp, Sở Y tế đánh giá khẩn cấp và báo cáo trực tiếp thông qua Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; đồng thời trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công bố chuyển đổi để làm cơ sở thực hiện.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, tính đến 6 giờ ngày 1/11, lũy kế trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3.624 ca dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có 52 ca nhập cảnh); đang cách ly điều trị 2.415 ca; số ca đã bình phục 1.180 ca; tử vong 26 ca. Trong 24 giờ qua, trên địa bàn ghi nhận 382 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Hà Nội: Học sinh đầu cấp, cuối cấp ở 18 huyện ngoại thành đi học từ 8/11

 Học sinh đầu cấp, cuối cấp ở 18 huyện ngoại thành Hà Nội sẽ đi học từ ngày 8/11 

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho học sinh đầu cấp và cuối cấp (trừ khối 1) gồm: khối 5,6,9,10,12 trở lại trường ở những địa bàn thuộc 18 huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.

Theo văn bản hỏa tốc ngày 31/10/2021, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với chủ trương của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh Hà Nội trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thời gian triển khai thực hiện cho học sinh Hà Nội trở lại trường từ thứ Hai ngày 8/11/2021.
Các đối tượng học sinh được ưu tiên quay lại trường học trực tiếp là các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp (học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12). Học sinh những khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến. Riêng cấp mầm non vẫn nghỉ học.
Những địa bàn mà học sinh được đến trường học trực tiếp là các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã, có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Như vậy, sẽ chỉ có học sinh lớp 5, lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 khu vực ngoại thành có thể trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/11. Với học sinh ở các quận nội thành, vẫn chưa có phương án đi học trực tiếp cụ thể.
Văn bản nêu rõ: Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của GD&ĐT và Sở Y tế.
Khi đi học, các trường phải có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy, giáo viên chưa tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.  Các địa phương, trường học cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh trước, trong, sau khi đến trường theo đúng Hướng dẫn Liên ngành. Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: “Một cung đường, hai điểm đến”; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất 01 mũi đạt trên 90%. 
Các trường được phép mở cửa lưu ý không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày, tổ chức dạy học luân phiên đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất. 
Việc cho học sinh trở lại trường học cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp huyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc. 
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, tại địa phương (xã/phường/thị trấn) nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận được hơn 8.794 tỷ đồng
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: NLĐ 

Đến 17h ngày 1-11, tổng số tiền huy động vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là 8.794,5 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 55 tỷ đồng). Thông tin trên vừa được Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19 công bố. Số tiền trên do 562.290 lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ.

Như vậy, so với thời điểm 17h ngày 29-10, số tiền được huy động vào Quỹ đã tăng đáng kể. Vào thời điểm trên, tổng số tiền huy động vào Quỹ là 8.791,9 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 47,7 tỷ đồng).

Cũng tính đến thời điểm trên, chi từ Quỹ là 7.134,1 tỷ đồng. Trong đó, chi mua vắc xin 7.125,3 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 8,8 tỷ đồng. Số dư Quỹ ở mức 1.660,4 tỷ đồng.

Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị chi của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2-6-2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ. 

Hằng ngày, Ban Quản lý Quỹ cập nhật số dư Quỹ để kịp thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước.

Đến nay, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã mở tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại cổ phần: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Công Thương Việt Nam, Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Tiên Phong và Quân đội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản