Tin mới

Ngày 27/11: Thêm 13.063 ca mắc mới COVID-19; Hà Nội phát hiện 272 ca F0, quận Đống Đa nhiều nhất với 71 ca

(Mặt trận) - Tính từ 16 giờ ngày 26/11 đến 16 giờ ngày 27/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.063 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, công bố 148 ca tử vong; Hà Nội phát hiện 272 ca F0, quận Đống Đa nhiều nhất với 71 ca; Số ca mắc COVID-19 tăng, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở; Sóc Trăng cấp bách phòng, chống dịch COVID-19;..

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

 

Trong các ca nhiễm mới có 15 ca nhập cảnh và 13.048 ca ghi nhận trong nước (giảm 46 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.160 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.773 ca), Cần Thơ (954 ca), Bình Dương (716 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (697 ca), Tây Ninh (672 ca), Đồng Tháp (604 ca), Bạc Liêu (574 ca), Đồng Nai (567 ca), Bình Thuận (562 ca), Vĩnh Long (539 ca), Sóc Trăng (449 ca), Kiên Giang (427 ca), Cà Mau (422 ca), Trà Vinh (328 ca), An Giang (324 ca), Hà Nội (310 ca), Hậu Giang (287 ca), Bến Tre (265), Khánh Hòa (239 ca), Bình Định (197 ca), Hà Giang (165 ca), Lâm Đồng (159 ca), Bình Phước (139 ca), Bắc Ninh (137 ca), Nghệ An (124 ca), Tiền Giang (121 ca), Long An (109 ca), Gia Lai (109 ca), Thừa Thiên Huế (106 ca), Vĩnh Phúc (104 ca), Đắk Nông (85 ca), Đà Nẵng (66 ca), Hòa Bình (60 ca), Quảng Nam (59 ca), Quảng Ngãi (56 ca), Thanh Hóa (55 ca), Thái Nguyên (54 ca), Ninh Thuận (46 ca), Hải Dương (39 ca), Phú Yên (36 ca), Phú Thọ (33 ca), Thái Bình (32 ca), Tuyên Quang (29 ca), Nam Định (29 ca), Lạng Sơn (28 ca), Quảng Bình (27 ca), Quảng Trị (24 ca), Hưng Yên (22 ca), Hải Phòng (22 ca), Quảng Ninh (15 ca), Cao Bằng (10 ca), Điện Biên (9 ca), Bắc Giang (9 ca), Hà Tĩnh (8 ca), Sơn La (4 ca), Bắc Kạn (4 ca), Yên Bái (3 ca), Kon Tum (2 ca), Hà Nam (2 ca), Lào Cai (1 ca).

Ngày 27/11, Sở Y tế Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho 3.004 ca nhiễm tại Tây Ninh đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó sau khi rà soát đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (giảm 236 ca), Bình Phước (giảm 132 ca), An Giang (giảm 63 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (tăng 88 ca), Bình Thuận (tăng 66 ca), Bình Định (tăng 65 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.667 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.197.404 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.151 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.192.200 ca, trong đó có 954.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (465.953 ca), Bình Dương (280.203 ca), Đồng Nai (85.631 ca), Long An (37.938 ca), Tiền Giang (24.483 ca).

Trong ngày 27/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.668 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 956.924 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.383 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 26/11 đến 17 giờ 30 ngày 27/11 ghi nhận 148 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (65 ca - trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến từ Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An), Tây Ninh (11 ca), Bình Dương (11 ca), An Giang (9 ca), Long An (8 ca), Tiền Giang (8 ca), Bạc Liêu (7 ca), Bình Thuận (5 ca), Cần Thơ (5 ca), Sóc Trăng (4 ca), Khánh Hoà (3 ca), Đồng Nai (3 ca), Đồng Tháp (3 ca), Bình Phước (2 ca), Hà Giang (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Hậu Giang (1 ca).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 144 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%. Tổng số ca tử vong xếp thứ 34/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 10/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.318 xét nghiệm cho 263.253 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 25.680.080 mẫu cho 67.526.948 lượt người.

Trong ngày 26/11 có 1.359.412 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.

Ngày 27/11, Việt Nam tiếp nhận hơn 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer do Mỹ tài trợ. Đến nay Mỹ đã trao tặng hơn 18 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021 - 2022, Bộ Y tế chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (gọi chung là cơ sở lao động) trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Ủy ban nhân dân, CDC và trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người về từ địa phương khác.

UBND TP. Hà Nội ban hành Công điện số 25/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cho học sinh, giáo viên; xét nghiệm thường quy, sàng lọc theo chỉ định chuyên môn, định kỳ tại các khu vực nguy cơ mắc COVID cao.

Hà Nội phát hiện 272 ca F0, quận Đống Đa nhiều nhất với 71 ca

 

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26-11 đến 18h ngày 27-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 272 ca dương tính với vi rút SARS-Cov-2, trong đó có 146 ca tại cộng đồng, 88 ca tại khu cách ly và 38 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, liên tiếp trong 11 ngày qua (tính từ ngày 17-11 đến nay), Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca/ngày. 272 ca bệnh này phân bố tại 27/30 quận, huyện: Đống Đa (71); Đông Anh (26); Bắc Từ Liêm (19); Chương Mỹ (14), Cầu Giấy (14); Tây Hồ (12); Quốc Oai (10), Thanh Xuân (10); Sóc Sơn (9), Hà Đông (9); Nam Từ Liêm (8); Long Biên (8); Thanh Trì (8); Thanh Oai (7); Gia Lâm (6); Mê Linh (5); Thường Tín (5); Hoàn Kiếm (5); Hoài Đức (4); Ba Đình (4); Hai Bà Trưng (4); Hoàng Mai (4); Thạch Thất (3); Phú Xuyên (3); Mỹ Đức (2); Đan Phượng (1); Đống Đa (1).

272 ca bệnh được phân bố theo 10 chùm ca bệnh, ổ dịch: Ho sốt thứ phát (195); sàng lọc ho sốt (51); ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (8); liên quan các tỉnh có dịch (8); ổ dịch kho hàng Shopee - Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên (3); ổ dịch Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (2); liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (2); ổ dịch La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (1); ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (1) và ổ dịch thôn Mới, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (1).

Riêng 146 ca cộng đồng được phân bố theo các chùm ca bệnh: Ho sốt thứ phát (95); sàng lọc ho sốt (48); liên quan các tỉnh có dịch (2); liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (1) và phân bố theo các quận, huyện: Đống Đa (29); Đông Anh (25); Bắc Từ Liêm (15); Thanh Xuân (9); Sóc Sơn (8); Tây Hồ (7); Thanh Trì (6); Cầu Giấy (6); Gia Lâm (5); Hoàn Kiếm (5); Quốc Oai (4); Long Biên (3); Hà Đông (3); Thạch Thất (3); Mê Linh (3); Hoài Đức (2); Mỹ Đức (2); Chương Mỹ (2); Thường Tín (2); Ba Đình (1); Thanh Oai (1); Phú Xuyên (1); Đống Đa (1); Hai Bà Trưng (1); Đan Phượng (1); Hoàng Mai (1).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 9.368 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.602 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.766 ca.

Thành phố hiện có 13 chùm ca bệnh sau:

Chùm ca bệnh tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận 358 ca mắc, (trong ngày 27/11 ghi nhận 8 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên đã ghi nhận 176 ca mắc, (trong ngày 27/11 ghi nhận 3 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 177 ca mắc, (trong ngày 27/11 không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh mới tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã ghi nhận 314 ca mắc, (trong ngày 27/11 ghi nhận 1 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại đường Bưởi, Cống Vị, quận Ba Đình ghi nhận 48 ca mắc, (2 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 276 ca mắc, (trong ngày 27/11 không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại Phú La, quận Hà Đông ghi nhận 93 ca mắc, (2 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại huyện Quốc Oai đã ghi nhận 168 ca mắc, (6 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã ghi nhận 42 ca mắc, (6 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Chùm ca bệnh tại La Thành, Giảng Võ đã ghi nhận 212 ca mắc, (trong ngày 27/11 ghi nhận 1 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh mới tại Yên Nội, Đồng Quang, Quốc Oai đã ghi nhận 144 ca mắc (trong ngày 27/11 ghi nhận 2 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh mới tại thôn Mới, Tốt Động, Chương Mỹ đã ghi nhận 62 ca mắc mới (trong ngày 27/11 ghi nhận 1 ca mắc mới).

Chùm ca bệnh mới tại tổ 6, Mộ Lao, Hà Đông ghi nhận 15 ca mắc mới (5 ngày không ghi nhận ca mắc mới).

Số ca mắc COVID-19 tăng, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 716 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày 26/11.

Các địa phương có số ca mắc tăng là huyện Dầu Tiếng, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên. Các ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (64,8%) và qua sàng lọc cộng đồng (12,4%).

Theo đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh có 22 xã, phường ở cấp độ 3; trong đó riêng tại thành phố Thủ Dầu Một có 12/14 phường là cấp độ 3.

Tính từ đợt dịch thứ 4,  đến nay tỉnh Bình Dương ghi nhận 280.203 ca mắc COVID-19. Hiện còn 11.855 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 2.770 ca nhập viện, có 9.085 F0 đang điều trị tại nhà.

Đáng quan tâm, hiện có 434 bệnh nhân đang điều trị ở tầng 3; trong đó 32 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 168 bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ và oxy mũi. Trong ngày, ghi nhận thêm 11 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số lên 2.676 người tử vong do COVID-19.

Trước tình hình các ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, công bố công khai cho người dân tiếp cận thông tin đường dây nóng của các trung tâm y tế, trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ những F0 điều trị tại nhà, tránh chuyển nặng, tử vong.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có 162 trạm y tế lưu động. Trong đó, 99 trạm ở xã, phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết tới đây, ngành y tế tiếp tục xây dựng kế hoạch thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động mới kèm theo chế độ ưu đãi để thu hút nhân sự là y, bác sỹ đảm trách các trạm y tế này. Theo kế hoạch, cứ 15.000 dân thì cần một trạm y tế lưu động để đáp ứng nhu cầu trong tình hình bình thường mới. Ngành y tế cũng đang lên kế hoạch lập đoàn giám sát hoạt động của các trạm y tế lưu động để kiện toàn tổ chức hiệu quả hơn; đồng thời đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở, gần người dân hơn.

Sóc Trăng cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

 

Trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại trên khắp địa bàn Sóc Trăng, chỉ trong 3 ngày gần đây, toàn tỉnh có trên 1.800 ca mắc mới, riêng ngày 27/11 có tới 714 ca mới với 486 ca là F0 sàng lọc trong cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có Công văn hỏa tốc về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Công văn, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng phát sinh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, khả năng sẽ còn nhiều ca nhiễm chưa được phát hiện trong cộng đồng hoặc các trường hợp F1 nguy cơ cao chưa được cách ly kịp thời. Để kiểm soát tốt tình hình, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo và triển khai một số công tác trọng tâm.

Cụ thể, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền, người già, trẻ em, người chưa tiêm đủ liều vaccine hạn chế đến những nơi công cộng để phòng ngừa bị lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế (có hồ sơ bệnh án, phát thuốc và hướng dẫn sử dụng, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, căng dây, gắn bảng,...); các Trạm y tế bố trí trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp F0, F1, đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ y tế của nhân dân.

Tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, việc tuân thủ thông điệp 5K; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để nhắc nhở mọi người.

Sở Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung: ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý các trường hợp F0, F1 tại nhà với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ; mời chuyên gia, tổ chức tọa đàm hỏi - đáp trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng về kiến thức phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho người dân; cung cấp đầy đủ các túi thuốc, sinh phẩm xét nghiệm cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Sở Y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những địa phương thực hiện chưa đúng các quy định, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng tập trung quá đông người ở các điểm tiêm chủng.

Các sở, ban ngành, mặt trận, hội, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hạn chế số lượng người làm việc tại cơ quan, không tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo chưa thật sự cần thiết để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tùy theo đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng đơn vị quyết định tổ chức chia nhóm làm việc cho phù hợp (chia theo tuần làm việc) đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Lưu ý, Ban lãnh đạo các đơn vị hạn chế cùng tham dự chung một cuộc họp; thực hiện xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm…

Theo Sở Y tế Sóc Trăng, đến hết ngày 27/11, toàn tỉnh ghi nhận 15.656 ca mắc COVID-19, có trên 10.200 ca khỏi bệnh, 98 người tử vong. Tỉnh Sóc Trăng có gần 95% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 78% được tiêm mũi 2.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản