Tin mới

Ngày 7/11: Việt Nam thêm 7.646 ca mắc mới COVID-19 tại 56 địa phương, TP.HCM nhiều nhất với 1.009 ca

(Mặt trận) - Bản tin dịch COVID-19 ngày 7/11 của Bộ Y tế cho biết có 7.646 ca mắc COVID-19 tại 56 địa phương, trong đó TP HCM nhiều nhất với 1.009 ca; trong ngày có 1.301 bệnh nhân khỏi; các địa phương trên cả nước khẩn trương khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng;... đó là những thông tin nổi bật về tình hình dịch bệnh trên cả nước ngày 7/11.

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0. 

Tính từ 16 giờ ngày 6/11 đến 16 giờ ngày 7/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 (tăng 151 ca so với ngày trước đó).

Trong số các ca nhiễm mới, có 15 ca nhập cảnh và 7.631 ca ghi nhận trong nước (tăng 151 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.332 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.009 ca), Đồng Nai (997 ca), Bình Dương (826 ca), An Giang (427 ca), Kiên Giang (398 ca), Tây Ninh (393 ca), Bạc Liêu (298 ca), Đồng Tháp (289 ca), Bình Thuận (279 ca), Sóc Trăng (238 ca), Tiền Giang (233 ca), Cần Thơ (210 ca), Cà Mau (184 ca), Đắk Lắk (151 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (150 ca), Vĩnh Long (128 ca), Long An (119 ca), Hà Giang (116 ca), Bình Phước (114 ca), Trà Vinh (75 ca), Hà Nội (72 ca), Bắc Giang (70 ca), Bến Tre (64 ca), Khánh Hòa (60 ca), Hậu Giang (56 ca), Phú Thọ (51 ca), Bắc Ninh (51 ca), Nghệ An (50 ca), Ninh Thuận (48 ca), Bình Định (46 ca), Nam Định (46 ca), Thanh Hóa (45 ca), Đắk Nông (44 ca), Quảng Ngãi (41 ca), Gia Lai (29 ca), Thừa Thiên Huế (29 ca), Hà Tĩnh (21 ca), Quảng Ninh (21 ca), Lâm Đồng (20 ca), Đà Nẵng (18 ca), Điện Biên (14 ca), Quảng Bình (13 ca), Hà Nam (13 ca), Hải Dương (13 ca), Kon Tum (13 ca), Phú Yên (13 ca), Hưng Yên (11 ca), Quảng Nam (8 ca), Quảng Trị (5 ca), Vĩnh Phúc (3 ca), Thái Nguyên (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Thái Bình (1 ca), Sơn La (1 ca), Cao Bằng (1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (giảm 134 ca), Bình Dương (giảm 95 ca), Đồng Nai (giảm 88 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (tăng 126 ca), Bình Phước (tăng 114 ca), Đồng Tháp (tăng 91 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.651 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 968.684 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.833 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 963.757 ca, trong đó có 837.585 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (438.624 ca), Bình Dương (238.905 ca), Đồng Nai (72.173 ca), Long An (35.761 ca), Tiền Giang (18.104 ca).

Trong ngày 7/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.301 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 840.402 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.280 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 6/11 đến 17 giờ 30 ngày 7/11, cả nước ghi nhận 61 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (31 ca), Bạc Liêu (7 ca), Bình Dương (5 ca), An Giang (5 ca), Tiền Giang (4 ca), Đồng Nai (2ca), Kiên Giang (2 ca), Đắk Nông (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Quảng Ngãi (1 ca), Sóc Trăng (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 64 ca mỗi ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.531 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 100.461 xét nghiệm cho 314.755 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người.

Trong ngày 6/11, cả nước có 1.214.737 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.

Trong ngày 7/11, Bộ Y tế chỉ đạo ngành Y tế địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Cũng trong ngày 7/11, lô vaccine Pfizer với hơn 1,2 triệu liều đã về đến TP Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 6/11, lô vaccine Pfizer với 1,3 triệu liều đã về đến TP Hà Nội. Với 2 lô vaccine này đã nâng tổng số vắc xin mà Mỹ tặng Việt Nam đến nay lên hơn 14,6 triệu liều.

TP Hồ Chí Minh lập các đội phản ứng nhanh, kích hoạt 40 trạm y tế lưu động với y bác sĩ do các Trung tâm Y tế quận huyện và bệnh viện đảm trách. Các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị tham gia trạm y tế lưu động trước ngày 8/11, sẵn sàng hỗ trợ quận, huyện chăm sóc và quản lý F0 tại nhà khi được điều động.

Tỉnh Bắc Giang thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế để thực hiện các biện pháp cần thiết phòng, chống dịch COVID-19 từ 18 giờ ngày 6/11.

Hà Nội có thêm 81 ca dương tính tại 13 chùm ca bệnh, ổ dịch

Huyện Chương Mỹ lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào Công ty TNHH GSK tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, nơi phát hiện 4 ca dương tính Covid-19. 

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 6-11 đến 18h ngày 7-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 81 ca dương tính, trong đó có 45 ca tại cộng đồng, 30 ca tại khu cách ly và  6 ca tại khu phong tỏa.

Các bệnh nhân này phân bố tại 21/30 quận, huyện: Thanh Xuân (11), Hà Đông (11), Long Biên (8), Ba Đình (7), Đông Anh (5), Mê Linh (5), Nam Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Gia Lâm (4), Hoàng Mai (3), Quốc Oai (3), Tây Hồ (2), Đan Phượng (2), Bắc Từ Liêm (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (2), Phúc Thọ (1), Thanh Trì (1), Mỹ Đức (1), Chương Mỹ (1).

81 bệnh nhân được phân bố tại 13 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (17); chùm sàng lọc ho, sốt (14); chùm liên quan ổ dịch kho hàng Shoppe - Khu công nghiệp Đài Tư (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (7); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (7); chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (7); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (6); chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (4); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (3); chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (2); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình (2); chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy (2); chùm liên quan ổ dịch Phú La, quận Hà Đông (1).

Riêng 45 ca cộng đồng được phân bố tại 10 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm sàng lọc ho, sốt (14); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe - Khu công nghiệp Đài Tư (4); chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (4); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (2); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (2); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc khánh (2); chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (1); chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (1) và phân bố tại 17 quận, huyện: Thanh Xuân (8), Đông Anh (5), Nam Từ Liêm (4), Gia Lâm (4), Ba Đình (3), Hà Đông (3), Đống Đa (2), Đan Phượng (2), Long Biên (2), Cầu Giấy (2), Tây Hồ (2), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (2), Chương Mỹ (1), Thanh Trì (1), Bắc Từ Liêm (1), Hoàng Mai (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 4.998 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.961 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.037 ca.

Danh sách bệnh nhân dương tính ghi nhận ngày 7-11: Xem tại đây

Bắc Ninh không còn địa phương ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao)

 Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh không còn địa phương ở cấp độ 4, tương đương với màu đỏ (nguy cơ rất cao).

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh hiện có 82/126 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1, tương đương với màu xanh (nguy cơ thấp - bình thường mới); 35 xã, phường ở cấp độ 2 tương đương với màu vàng (nguy cơ trung bình); 9 xã, phường, ở cấp độ 3, tương đương màu cam (nguy cơ cao) gồm: phường Vân Dương, Vạn An, Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); xã Bằng An, Mộ Đạo, Phương Liễu, Yên Giả (huyện Quế Võ) và các xã Giang Sơn, Lãng Ngâm (huyện Gia Bình).

Hiện, Sở Y tế tỉnh đang phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát người đến, về từ vùng dịch, thực hiện khai báo y tế, cách ly và làm xét nghiệm theo quy định, đặc biệt là người đi, về từ chợ vải Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và Công ty Luxshare ICT – Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang.

Tính đến ngày 7/11, tỉnh Bắc Ninh đã tiêm được trên 1,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi, công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 95,3%.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thừa Thiên Huế thêm 29 ca mắc mới, sẵn sàng kích hoạt 2 khu điều trị 800 giường bệnh

Tối 7/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày đã ghi nhận thêm 29 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 3 ca phát hiện tại khu cách ly tập trung, 8 ca phát hiện tại khu phong toả, 17 ca phát hiện tại cộng đồng và 1 ca phát hiện khi đang giám sát y tế tại nhà.

Trong 17 ca cộng đồng, huyện Phong Điền có 3 ca, TP Huế 7 ca, TX Hương Thủy 1 ca, huyện Phú Vang 6 ca. Như vậy, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 1345 ca F0 (trong đó, từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7). Hiện đang điều trị 345 ca, đã được điều trị khỏi 996 ca, tử vong 4 ca.

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi kiểm tra, khảo sát thực địa tại cơ sở của Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam nằm trong Khu công nghiệp Tứ Hạ và cơ sở Công ty TNHH Tân Bảo Thành, tại phường Tứ Hạ (TX Hương Trà) để sẵn sàng kích hoạt thành khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Theo báo cáo của đơn vị liên quan, tại hai cơ sở trên hiện rất phù hợp để kích hoạt thành khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; trong đó tại cơ sở Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam có thể triển khai xây dựng khu thu dung và điều trị khoảng 500 giường bệnh và tại Công ty TNHH Tân Bảo Thành khoảng 300 giường.

Ông Nguyễn Văn Phương thống nhất phương án trưng dụng cơ sở của hai công ty để kích hoạt thành khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Yêu cầu các đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục tại hai cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tốt về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị vật tư để sẵn sàng đưa hai cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, quá trình đưa vào hoạt động các khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ phải bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thanh Hóa: Triển khai xét nghiệm diện rộng

Từ đầu đợt dịch lần 4 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 1.300 bệnh nhân COVID-19, với nhiều ổ dịch lớn lây lan trong cộng đồng như ổ dịch BVĐK Hợp Lực lan ra 12 huyện trên địa bàn tỉnh.  Hiện tại là ổ dịch tại TX Nghi Sơn, đến nay đã ghi nhận 71 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca bệnh là học sinh và giáo viên. Do vậy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TX này phải dừng việc học trực tiếp.

Từ 6/11, tỉnh Thanh Hóa triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng những khu vực có nguy cơ cao để sàng lọc, sớm phát hiện, truy vết nhanh các trường hợp F0 nhằm khoanh vùng, dập dịch, đồng thời đánh giá đúng tình hình dịch bệnh của từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án xử trí thích hợp, kịp thời.

Đồng Nai: Ngày 7/11, tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi trong 3 ngày

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hôm nay, 7/11, tỉnh đã triển khai đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ em và dự kiến hoàn thành sau 3 ngày.

Địa điểm tiêm vắc xin cho trẻ tại các trường học, trung tâm đào tạo nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên.

Tỉnh Đồng Nai đã dành hơn 97,6 nghìn liều vaccine Pfizer để tiêm mũi 1 cho các nhóm đối tượng: Tất cả học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tại các cơ sở giáo dục do Sở GD-ĐT quản lý, học sinh từ 16-17 tuổi tại Trung tâm đào tạo nghề, trẻ tại cơ sở bảo trợ xã hội do Sở LĐ-TBXH quản lý và khoảng 50% trẻ học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên do UBND các huyện, thành phố quản lý, chọn theo tiêu chí độ tuổi từ cao xuống thấp.

Cà Mau: Thành lập thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và trạm y tế lưu động

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 2.688 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó riêng ngày 6/11 ghi nhận 140 ca mắc mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lâm Văn Bi yêu cầu ngành y tế tỉnh này nhanh chóng bổ sung, đầu tư trang thiết bị để đảm bảo 200 giường bệnh điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế Phú Tân. Đồng thời bắt tay thực hiện ngay trạm y tế lưu động.

Toàn tỉnh khẩn trương làm cuộc thống kê nhanh điều kiện về nhà ở để tiến hành cách ly F0 tại gia đình ở những khu vực có đông F0. Vệc điều trị F0 tại nhà phải trên tinh thần tự nguyện của bệnh nhân.

Ông Lâm Văn Bi cũng chỉ đạo, các huyện, thành phố khẩn trương xét nghiệm toàn dân, bố trí mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Lâm Đồng: Tạm dừng một số dịch vụ do số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao

Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 27C, hướng từ thành phố Đà Lạt đi xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương). Ảnh tư liệu: Nguyễn Dũng/TTXVN 

Ngày 7/11, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 7952/UBND-VX3 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Nội dung văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạm dừng một số hoạt động dịch vụ, các biện pháp phòng, chống dịch được yêu cầu tăng cường ở mức cao hơn trên địa bàn.

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 9/11/2021, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ như: Vũ trường, quán bar, chợ đêm, karaoke, massage, rạp chiếu phim, internet, trò chơi điện tử. Các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ nghiêm 5K và các quy định của tỉnh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 2/7/2021 đến ngày 15/10/2021, toàn tỉnh ghi nhận 403 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trung bình mỗi tháng ghi nhận khoảng 115 trường hợp. Tuy nhiên, đến ngày 5/11, sau 20 ngày triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh đã ghi nhận 639 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng thêm 236 trường hợp. Tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực nguy cơ trung bình (vùng vàng) với COVID-19 và đã có 10/12 huyện, thành phố thuộc khu vực nguy cơ trung bình; tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng nếu không có những biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả và kiên quyết.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Từ ngày 6- 7/11, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 29 ca mắc COVID-19 mới gồm: Đà Lạt 7 ca, Đức Trọng 8 ca, Đơn Dương 4 ca, Lâm Hà 4 ca, Di Linh 3 ca, Bảo Lộc 1 ca, Bảo Lâm 1 ca, Đam Rông 1 ca. Hiện, toàn tỉnh đang cách ly 8.668 trường hợp, trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 240 người, cách ly tập trung 2.021 người và cách ly tại nhà 6.407 người. Đến nay, Lâm Đồng có 688 ca mắc COVID-19, trong đó, đang cách ly điều trị 235 ca, ra viện 449 ca, tử vong 3 ca, về địa phương khác 1 ca.

Ngày 7/11, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng có bệnh nhân thứ 3 tử vong do COVID-19. Bệnh nhân 71 tuổi, có tiền sử tai biến mạch máu não, liệt nửa người phải, nằm một chỗ nhiều năm, đái tháo đường type II điều trị không liên tục, suy kiệt nặng, ăn uống kém…

Bà Rịa-Vũng Tàu: Thêm nhiều công ty, doanh nghiệp xuất hiện ca nhiễm

Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt tại huyện Châu Đức 

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ 18 giờ ngày 6/11 đến 18 giờ ngày 7/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 154 ca mắc mới, trong đó có tới 105 ca ghi nhận ngoài cộng đồng.

Điều đáng nói, trong ngày đã ghi nhận số ca mắc tại nhiều công ty, doanh nghiệp, với số lượng công nhân khá nhiều.

Cụ thể, trong ngày, đã có kết quả PCR khẳng định số ca mắc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Uy Việt cơ sở tại thành phố Vũng Tàu là 27 ca. Tại huyện Châu Đức, ngoài việc ghi nhận 23 ca mắc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày Uy Việt cơ sở tại huyện Châu Đức, thì một số công ty có lượng công nhân đông đóng trên địa bàn huyện cũng đã ghi nhận các ca mắc mới như: 2 ca là nhân viên tại Công ty Meisheng; 3 ca là nhân viên tại Công ty Zictech. Thị xã Phú Mỹ cũng ghi nhận 25 công nhân của Công ty Gỗ Thịnh Hoàng và 2 ca là công nhân của Công ty Allwells Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị các doanh nghiệp tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nơi làm việc, sản xuất, kinh doanh; tổ chức xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số ca mắc trong ngày 7/11 được ghi nhận cao nhất trong gần 2 tháng qua, từ sau khi địa phương nới lỏng nhiều hoạt động trong tỉnh; nâng tổng số ca mắc từ ngày 28/6 đến nay là 5.205 ca.

Trong số 154 ca ghi nhận ngày 7/11, chỉ có 42 ca trong các khu cách ly tập trung, 7 ca trong khu vực phong tỏa, số còn lại (105 ca) ghi nhận trong cộng đồng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến ngày 1/11, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ cho tỉnh hơn 1,7 triệu liều vaccine (đạt 112,25%) kế hoạch phân bổ trong năm 2021. Qua rà soát, tỉnh có gần 965.000 người từ 18 tuổi trở lên, đến nay gần 932.000 người được tiêm mũi 1 (đạt 97,46%), số người tiêm mũi 2 hơn 374.000 người (đạt 39,14%). Tỉnh đang tiếp tục kêu gọi những người chưa được tiêm vaccine hoặc bị hoãn tiêm đưa giấy tờ hợp lệ để được tiêm phòng theo quy định.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng nhận định, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, số lượng ca mắc COVID-19 ghi nhận ngoài cộng đồng có chiều hướng gia tăng, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như: Lái xe, phụ xe; người đến và trở về từ các tỉnh, thành phố vùng dịch; công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại nếu không tăng cường các biện pháp kiểm soát và khống chế dịch bệnh hiệu quả.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh; sẵn sàng các tình huống xảy ra. Tăng cường giám sát các đối tượng nguy cơ, khu vực nguy cơ để phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch kịp thời. Tiếp tục nắm bắt tình hình nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và 5K để đồng thuận và chung tay cùng chính quyền thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo tỉnh trong triển khai thực hiện phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế, an dân.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh kêu gọi nhân dân không được chủ quan, lơ là, tiếp tục hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K; thường xuyên nhắc nhở người thân và những người xung quanh nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; người dân di chuyển từ các tỉnh, thành khác vào Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm người dân trong tỉnh di chuyển qua các tỉnh, thành khác và trở lại phải thực hiện khai báo di chuyển nội địa, khai báo y tế và quét mã QR code qua các ứng dụng công nghệ thông tin (PC-COVID, sổ sức khỏe điện tử, VNIED...) và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo y tế không trung thực.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản