Tin mới

Ngày 8/11: Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới; Tiến hành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người dân vào cuối năm nay và đầu năm sau

(Mặt trận) - Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 8/11 thu hút dư luận là Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 67 ca tử vong; Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng; chủ trương tiêm vaccine mũi 3 cho người dân được các đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên

Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Lực lượng chức năng phường Láng Thượng tổ chức phong toả tạm thời khu vực Vincom 54A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội 

Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng

Tính từ 16 giờ ngày 7/11 đến 16 giờ ngày 8/11, Việt Nam ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh có số mắc tăng cao nhất trong ngày. Trong số các ca nhiễm mới, có 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.237 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là thành phố Hồ Chí Minh (tăng 307 ca), Tiền Giang (tăng 159 ca), An Giang (tăng 104 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bạc Liêu (giảm 69 ca), Tây Ninh (giảm 39 ca), Kiên Giang (giảm 35 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.988 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 7-11 đến 16h ngày 8-11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, trong đó có 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước tại 55 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (1.316), Đồng Nai (969), Bình Dương (823), An Giang (531), Tiền Giang (392), Kiên Giang (363), Tây Ninh (354), Đồng Tháp (351), Bình Thuận (267), Bạc Liêu (229), Cà Mau (222), Cần Thơ (178), Bà Rịa - Vũng Tàu (149), Vĩnh Long (149), Long An (136), Hà Giang (133), Đắk Lắk (133), Hà Nội (111), Khánh Hòa (80), Bình Phước (79), Bến Tre (69), Bắc Ninh (68), Nam Định (67), Đắk Nông (60), Gia Lai (59), Nghệ An (58), Phú Thọ (57), Bắc Giang (56), Hậu Giang (54), Ninh Thuận (52), Trà Vinh (51), Bình Định (50), Quảng Bình (30), Lâm Đồng (29), Thanh Hóa (27), Đà Nẵng (21), Hưng Yên (18), Hà Tĩnh (17), Hải Phòng (16), Thái Nguyên (16), Thừa Thiên - Huế (14), Quảng Ngãi (14), Quảng Nam (14), Sơn La (11), Hải Dương (11), Quảng Ninh (10), Hà Nam (9), Vĩnh Phúc (9), Phú Yên (7), Kon Tum (4), Điện Biên (4), Ninh Bình (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Thái Bình (1); trong đó có 2.237 ca tại cộng đồng.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 976.672 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có  9.915 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (439.940), Bình Dương (239.728), Đồng Nai (73.142), Long An (35.897), Tiền Giang (18.496).

Về tình hình điều trị, có thêm 1.073 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 8-11, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 841.475. Ngoài ra, hiện nước ta còn 3.390 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng theo Bộ Y tế, tính từ 17h30 ngày 7-11 đến 17h30 ngày 8-11, cả nước ghi nhận 67  ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (35), Đồng Nai (11), Bình Dương (8), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), An Giang (2), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1), Đắk Lắk (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca/ngày.

Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, ngày 8/11, Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng, khuyến cáo 5K chưa được thực hiện tốt. Các chuyên gia cho rằng, dịch lây lan rộng trong cộng đồng có phần nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân khi không thực hiện nghiêm 5K; ý thức của người dân lúc này rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cảnh báo: “Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2". Thực tế, tỷ lệ dân số của Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 lớn, nhiều người sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, các chuyên gia đề xuất Hà Nội nên tính đến phương án cách ly tại nhà.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cùng với việc siết chặt phòng dịch, quản lý người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội nên cho những ca F0 không có triệu chứng tự điều trị tại nhà, để giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế. Có thể để người dân tự khai báo và cách ly tại nhà; tránh việc nhiều trường hợp trở thành F0, nhưng không có triệu chứng, không khai báo y tế, vì họ sợ phải đi cách ly.

Tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người dân vào cuối năm nay và đầu năm sau

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN. 

Phát biểu trước Quốc hội chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Thời gian qua, toàn ngành Y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để sớm khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.  

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, từ khi phát hiện ca COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và đang trong đợt thứ 4. Có một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó. Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị.

"Chúng ta đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội... Đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Y tế, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch. Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phải liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp.  

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, việc triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng... Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.

"Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ ban hành Quyết định 2348/QĐ-CP ngày 5/12/2016 xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47 và 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.  

Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc triển khai chủ trương này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh: Chưa cho Grabbike, karaoke, quán bar hoạt động trở lại

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh phát biểu trong họp báo chiều 8/11.

Chiều 8/11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Thành phố chưa đủ cơ sở, điều kiện để cho phép những hoạt động dịch vụ kinh doanh vận tải, dịch vụ như Grabbike, quán bar, karaoke... được hoạt động trở lại. Nguyên nhân là do số ca F0 nhập viện vẫn cao hơn số ca F0 xuất viện. 

“Chúng ta phải thống nhất với nhau là mở cửa phải an toàn. Chúng ta phải thực hiện từng bước, chắc chắn, đảm bảo mới mở cửa. Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số F0 gần đây, số ca mắc mới có giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức 900 - 1.000 ca. Tuần trước đó, Thành phố không có quận, huyện nào ở cấp độ 3, tuần này đã có 2 huyện chuyển sang cấp độ nguy cơ cao”, ông Phạm Đức Hải lý giải.

Theo ông Phạm Đức Hải, số người nhập viện luôn cao hơn số người xuất viện cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây rất phức tạp. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5K.

"Ghi nhận thực tế, sau khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình mới, người dân đã tụ tập đông và la cà nhiều. Điều đó cho thấy chúng ta chưa thay đổi hành vi hàng ngày để đảm bảo an toàn trong phòng dịch", ông Phạm Đức Hải đánh giá. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 7/11, TP Hồ Chí Minh có trên 439.000 ca mắc COVID-19 và đang điều trị cho 11.527 bệnh nhân, trong đó có 656 trẻ em dưới 16 tuổi, 255 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Riêng ngày 7/11, Thành phố có 953 bệnh nhân nhập viện, 533 bệnh nhân xuất viện, 35 trường hợp tử vong.

Hà Nội thêm 56 ca cộng đồng tại 13 quận, huyện, các ổ dịch tăng không ngừng ca nhiễm

Lực lượng chức năng phường Láng Hạ tổ chức phong toả tạm thời khu vực Chung cư 88 Láng Hạ.

Tối 8/11, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong 24 giờ qua TP ghi nhận 106 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 56 ca cộng đồng. Ngoài ra, có thêm 38 ca ở khu cách ly và 12 ca khu phong tỏa.

Trong số 106 ca mắc COVID-19 mới phát hiện có 58 ca đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 16 ca mới tiêm 1 mũi. Số còn lại chưa tiêm chủ yếu do chưa đến tuổi.

106 ca mới phân bố tại 18/30 quận, huyện: Gia Lâm (29), Ba Đình (18), Hoàng Mai (16), Mê Linh (13), Long Biên (8), Thanh Xuân (4), Đống Đa (3), Cầu Giấy (3), Chương Mỹ (2), Nam Từ Liêm (2); Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa (1).

Hôm nay, không ghi nhận ổ dịch mới, tuy nhiên các ổ dịch (tính từ 24/10) vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng các ca mắc.

Các chùm ca bệnh, ổ dịch, gồm: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (29); Chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư - Long Biên (11); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng - Mê Linh (10); Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, TT Quốc Oai (1); Chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc khánh - Ba Đình (6); Chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam - Hoàng Mai (8); Chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, Mỹ Đình - Nam Từ Liêm (1); Chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng - Cầu Giấy (4); Chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (1);

Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (18); Chùm sàng lọc ho sốt (5); Chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); Chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (4);

Trong 56 ca cộng đồng, có 5 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt; Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (13); Chùm liên quan các tỉnh có dịch (2); Chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư (9); Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (21); Chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (1); Chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng (4); Chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (1);

Phân bố 56 ca cộng đồng theo 13 quận, huyện: Gia Lâm (19), Ba Đình (9), Hoàng Mai (7), Long Biên (5),Thanh Xuân (4), Cầu Giấy (3), Đống Đa (3); Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Ứng Hòa (1).

Từ ngày 10/11, TP Sóc Trăng điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 lên cấp 3

Từ ngày 1/11, học sinh THPT tỉnh Sóc Trăng bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: TTXVN phát 

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng vừa có Quyết định số 3150/QĐ-UBND về việc điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 đối với thành phố Sóc Trăng.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 10/11/2021, thành phố Sóc Trăng sẽ điều chỉnh cấp độ dịch từ cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) sang cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam).

Chủ tịch UBND tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị có liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo quy định của UBND tỉnh đã ban hành.

Trước đó, trong ngày 7/11, ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư Thành ủy, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Sóc Trăng đã có công văn đề nghị nâng cấp độ phòng, chống dịch.

Theo Bí thư Thành ủy Sóc Trăng, thành phố đã có nhiều cố gắng nỗ lực hết sức, thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn đại dịch COVID-19 và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm ngày càng tăng cao, chủ yếu ngoài cộng đồng dân cư. Do đó, việc nâng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3 là cần thiết.

Số liệu từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho thấy, đến hết ngày 7/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 7.279 ca mắc COVID-19, trong đó, thành phố Sóc Trăng có 392 ca. Riêng ngày 7/11, thành phố Sóc Trăng có thêm 30 ca mắc mới. Số ca mắc mới chủ yếu tăng nhanh trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản