Quang cảnh buổi tọa đàm.
Ủy viên Ủy ban là người có đủ tiêu chuẩn được MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử vào Ủy ban MTTQ Việt Nam, là người đại diện cho các tổ chức thành viên của Mặt trận. Ủy viên Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tổ chức và quyết định việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội MTTQ ở mỗi cấp.
Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi MTTQ Việt Nam phải đổi mới để nội dung hoạt động thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, nhằm phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, dựa vào nhân dân để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Mặt trận. Việc phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng phải dựa vào phương thức trên.
Thảo luận tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, việc tham gia các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, phát động cần sự tích cực, nêu gương của các cá nhân tiêu biểu. Bên cạnh đó, các mô hình tổ chức của Mặt trận cần đổi mới, hoàn thiện để lôi cuốn các thành viên tham gia một cách thiết thực, có tổ chức; có chế độ chính sách phù hợp đối với Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp nói chung, nâng cao nhận thức, năng lực giám sát cho các thành viên Mặt trận. Cần lựa chọn những cá nhân đủ đức, đủ tài tham gia công tác Mặt trận, tránh tình trạng kết nạp do nể nang, cơ cấu, dẫn đến tình trạng họ không phát huy được vai trò của mình...
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm.
Đề cập đến những đổi mới của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay, ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, một trong những phương hướng đổi mới là đổi mới hoạt động thực tiễn để nội dung hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, chung chung, hành chính hóa. Mọi hoạt động của Mặt trận phải nhằm phát huy dân chủ, sức mạnh của nhân dân, xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Việc phát huy vai trò Ủy viên Ủy ban cũng phải theo phương hướng trên.
Ông Thường chỉ ra, thực tế Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam mỗi cấp còn lúng túng, bất cập trong tạo điều kiện, đảm bảo điều kiện để mỗi cá nhân thực hiện quyền, trách nhiệm của mình. Nhiều cán bộ Mặt trận các cấp vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng và vai trò của Ủy viên Ủy ban Mặt trận trong cơ cấu tổ chức MTTQ Việt Nam.
Để phát huy tối đa vai trò Ủy viên Ủy ban đối với hoạt động của MTTQ trong tình hình hình mới, ông Thường đề nghị cần phát huy mạnh mẽ tính đại diện, tính tiêu biểu, tính thiết thực của các Ủy viên Ủy ban trong các hoạt động của Mặt trận. Thông qua các Ủy viên Ủy ban, Mặt trận có thể tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Thế Khanh - Chủ nhiệm HĐTV Kinh tế, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định bày tỏ, tại cơ sở, các Ủy viên Ủy ban đều trong sáng, tâm huyết, ông Khanh khẳng định, không nhiệt tình thì không thể làm tốt công tác Mặt trận.
Ông Khanh cho rằng, về thành phần Ủy viên Ủy ban cần chống hình thức. Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam các cấp phải phát huy vai trò của từng Ủy viên Ủy ban thông qua các hội đồng tư vấn, nhất là trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam tại các tỉnh phải là nơi quy tụ, phát huy vai trò của các Ủy viên Ủy ban, phối hợp với các sở, ngành chuyên môn để thực hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa và Xã hội - UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ, Ủy viên Ủy ban MTTQ cần phải đảm bảo hình thức về cơ cấu, nhưng nhất thiết phải thiết thực, qua việc nhân ra được những giá trị thực, uy tín thực của họ trong các hoạt động của Mặt trận. Ông Chức đề nghị cần khéo léo vận động, động viên tính tích cực của các Ủy viên Ủy ban, các Ủy viên cần chia theo nhóm để hoạt động thiết thực hơn.
Ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị, các Ủy viên Ủy ban phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình, làm tốt 12 chữ của Bác Hồ về công tác dân vận, đó là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Bên cạnh đó, ông Lù Văn Que cho rằng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố phải là đầu mối, cầu nối, sử dụng đúng người, đúng việc, có “đặt hàng” với các Ủy viên Ủy ban để phát huy vai trò trực tiếp của họ.
“Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phải là người thực sự có tâm, có tầm, tiêu biểu cho các vùng miền, các lĩnh vực công tác, các dân tộc, tôn giáo, có sức thu hút các tầng lớp nhân dân, biết nghe dân, hiểu dân, làm dân tin, dân tín nhiệm.”, ông Que đề nghị.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu kết luận buổi tọa đàm.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới thì một trong những nhiệm vụ cần đặt ra để nâng cao được năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp là phải phát huy tốt vai trò Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc Tọa đàm, Hội thảo và các diễn đàn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các giải pháp nhằm phát huy tốt nhất vai trò của các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam.
“MTTQ sẽ tổ chức các Hội thảo về phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, các Ủy viên Ủy ban tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua các hội thảo, tọa đàm để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các giải pháp nhằm phát huy tốt nhất vai trò của các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thông tin.
Trân trọng những ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, sẽ tổng hợp để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh