Lần đầu tiên, Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định được ban hành rất kịp thời cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc chấn chỉnh công tác đánh giá cán bộ, khi mà trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập.
Lượng hóa tiêu chuẩn, tiêu chí
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, những nội dung được Bộ Chính trị xác định trong Quy định số 89 và 90 không phải đến bây giờ mới được nhắc đến và sử dụng trong xác định tiêu chuẩn chức danh, xác định tiêu chí đánh giá cán bộ.
Tuy nhiên, khi vận dụng và triển khai thực hiện trong thực tế ở từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị vẫn có những điểm khác biệt, nên chưa tạo được tính thống nhất.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
Do đó, lần này Bộ Chính trị ban hành văn bản với những tiêu chuẩn, tiêu chí có tính chất lượng hóa hơn, có thể nói là bước tiến quan trọng của công tác cán bộ nói chung, đặc biệt là công tác cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Đây cũng cơ sở thúc đẩy tốt hơn, hiệu quả hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Công tác đánh giá cán bộ vốn được coi là khó và nhạy cảm vì nó là tiền đề cho việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ. Đánh giá đúng sẽ chọn được cán bộ tốt, giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục nhược điểm. Ngược lại, nếu đánh giá sai hoặc thiếu khách quan, sẽ chọn “nhầm” cán bộ, làm cho cán bộ giảm nhiệt huyết trong công việc, gây lãng phí nhân tài.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, việc khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua không thể làm trong một sớm, một chiều. Nhưng việc đề ra những quy định được ví như văn bản pháp lý là rất cần thiết, nó sẽ là cơ sở để đánh giá cán bộ một cách khách quan, minh bạch, gắn với nhiệm vụ chính trị.
“Việc soi chiếu theo các tiêu chí gắn với việc thường xuyên, định kỳ đánh giá cán bộ sẽ giúp phát hiện những cán bộ làm tốt, xứng đáng để tiếp tục bồi dưỡng được xếp sắp ở những vị trí cao hơn. Ngược lại, người nào còn hạn chế, thậm chí mắc khuyết điểm, suy thoái, tham nhũng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực… thì cần phải thay thế, loại bỏ ra khỏi đội ngũ” – ông Phúc nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, quy định mới vừa là cơ sở để người dân giám sát, vừa trở thành định hướng để mỗi cán bộ tự tu dưỡng rèn luyện, tự hoàn thiện mình để mỗi người thấy rõ trách nhiệm của mình khi thực thi công vụ.
Chấm dứt tình trạng "vàng thau lẫn lộn"
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, công tác cán bộ luôn giữ vị trí trọng yếu, then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ đang có những tồn tại khiến dư luận bức xúc như tình trạng chạy chức, chạy quyền; bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo quản lý; nhất là tình trạng tham vọng quyền lực, tham nhũng, suy thoái.... ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của nhân dân.
Ông Lê Văn Cuông thời ở nghị trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII, những tồn tại, bất cập trong công tác cán bộ đã và đang được Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo quyết liệt, bài bản.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao, đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ sự đồng tình. Nhiều ý kiến coi đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy lãnh đạo; từng bước đào thải những cán bộ, đảng viên yếu kém về năng lực, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, suy thoái, không còn được nhân dân tín nhiệm.
“Các quy định này rất thiết thực, cụ thể để phân loại "vàng thau lẫn lộn”, tránh việc cảm tính trong đánh giá cán bộ” – ông Lê Văn Cuông chia sẻ.
Để quy định của Bộ Chính trị được thực hiện một cách hiệu quả cần phải nêu cao vai trò của tổ chức Đảng nơi trực tiếp quản lý cán bộ đảng viên, phải thường xuyên bám sát tình hình thực tế để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của cán bộ.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người làm công tác tổ chức cán bộ phải công tâm, khách quan, không ưu tiên người nhà mà bỏ qua người tài. Ðồng thời, không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, của các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân để sớm phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình làm sai các quy định của Ðảng về công tác cán bộ.
Theo nguyên đại biểu Quốc hội, không phải có quy định thì những hạn chế, yếu kém bỗng nhiên biến mất đi mà quan trọng nhất vẫn là ý thức tu dưỡng, rèn luyện của từng cán bộ, đảng viên. Từ những tiêu chuẩn, tiêu chí này, mỗi người tự đánh giá, soi xét lại mình, tự khắc phục những hạn chế để làm tròn trách nhiệm, bổn phận là “công bộc” của nhân dân.
“Hai quy định này còn là cơ sở để những người xung quanh đánh giá một cách cụ thể, chính xác, không còn chung chung, mơ hồ, lẫn lộn như trước đây. Các cán bộ cũng không thể bao biện cho bản thân, cho lợi ích nhóm nhằm lọt lưới sai phạm. Tôi tin, từ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể này sẽ phán xét, đánh giá một cách chính xác chân dung các vị cán bộ, kể cả những mặt mạnh, hạn chế, không còn “hòa cả làng” như lâu nay” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.
Theo Kim Anh/VOV.VN