Chiều nay 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
“Thông tin nói ở vỉa hè lại trúng!"
Đại biểu Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hồi xưa nói chuyện liên quan gián điệp, bây giờ vấn đề thấy rất rõ. Vấn đề lộ bí mật nhà nước và bị hạn chế thông tin bí mật nhà nước là 2 giác độ hiện nay phải hết sức lưu ý.
“Tôi công tác ở Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bất cứ một tài liệu nào liên quan đến tài chính ngân sách đưa ra đều cộp dấu “Mật”, cứ theo dấu mật mà 10 năm sau mới giải thì cái mật đó giữ đến bao giờ trong khi các quốc gia khác liên quan tài chính ngân sách là công khai trên mạng, mọi người dân vào mạng đều biết là quá trình xây dựng như thế nào, ngân sách năm nay, lĩnh vực bao nhiêu tiền...” – ông Dũng chia sẻ và cho rằng vấn đề đặt ra là đang có tình trạng lạm dụng mật để hạn chế thông tin.
Đại biểu Bùi Đặng Dũng phát biểu tại tổ
Mặt khác, thực tế có hiện tượng xem nhẹ, chủ quan nên dẫn đến phát biểu tại hội nghị, trong bài viết, trao đổi tại hội thảo, chuyện trò... làm lộ bí mật Nhà nước.
“Một chi tiết sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước của chúng ta có phải là bí mật nhà nước không? Nếu như là bí mật nhà nước thì chúng ta phải thực hiện theo đúng tính chất của bí mật nhà nước, còn không phải thì chúng ta hoàn toàn công khai” – ông Dũng đặt vấn đề, nếu không cho người dân biết thì trên mạng lại lan truyền nhiều thứ lại không tốt.
“Nếu chúng ta cứ cái gì cũng quy chụp vào bí mật là cũng “kẹt”, không cảnh giác được chuyện đấy. Mỗi kỳ đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói, có những ông phán kinh lắm, người này sẽ làm vị trí này, người kia sẽ làm vị trí kia, khổ là nói lại trúng! Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước. Lộ ở đâu ra? Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra. Luật này có điều chỉnh những cái đó hay không?” – đại biểu Đặng Bùi Dũng nói.
“Mật hoá” văn bản gây phiền hà, bưng bít
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá) cho rằng thực tiễn lộ lọt bí mật Nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết.
Về phạm vi điều chỉnh, theo đại biểu, trên thực tế danh mục bí mật ở một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả tài liệu nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam. Do đó, nên mở rộng phạm vi sang tài liệu bí mật mà tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hoá)
Liên quan hành vi bị cấm, đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, hiện nay do hạn chế nhận thức về bảo vệ bí mật nhà nước và do nhiều lý do khác nhau nên có tình trạng cá nhân, tổ chức tuỳ tiện mang tài liệu bí mật ra ngoài.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin.
Ông Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tuỳ thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” gây nên sự không thống nhất.
“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn” – đại biểu Hùng kiến nghị.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN