Tin mới

Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân

(Mặt trận) - Chiều 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tổ chức Hội nghị Sơ kết việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung thực hiện dân chủ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng có nhiều đổi mới. Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân vì nhân dân phục vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, chậm đổi mới, chưa có chiều sâu.

“Vẫn còn 57% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, 66% doanh nghiệp FDI chưa tổ chức hội nghị người lao động. Với doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, gần như không thực hiện các quy định pháp luật về nội dung này”, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy thông tin.

Cũng theo bà Thủy, công tác tiếp công dân ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn việc tiếp dân với công tác chỉ đạo, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng phần lớn liên quan đến đất đai làm cho tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp, kéo dài, phức tạp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn. Nhiều doanh nghiệp dân doanh chưa xây dựng quy chế dân chủ, quy chế hội nghị người lao động, quy chế đối thoại. Vẫn còn 19% Ban Thanh tra nhân dân hoạt động chưa hiệu quả. Một số Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa xây dựng được chương trình công tác, còn lúng túng về nội dung và hình thức tổ chức giám sát.

 Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cần phát huy vai trò dân chủ qua việc công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cùng với đó cần phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.

Để phát huy dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên để thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. “Cần phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đi vào những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

 Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng cần tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội qua việc đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm triển khai và thực hiện nền nếp, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng cuối năm 2017, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp các ngành tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế chính sách. Tăng cường đối thoại và giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng đề nghị cần tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội qua việc đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở qua việc công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy mạnh dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, chống những biểu hiện mất dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân…

Trung Hiếu - Ảnh Văn Dân

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản