Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 2/7. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhận định: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, toàn diện, bao quát trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật là GDP tăng 7,08%, cao nhất từ 2011 đến nay. Cả 3 khu vực tăng, trong đó nổi bật là nông nghiệp tăng trưởng khá cao.
Cùng với đó, các vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt - điều này đã góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân trong xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã đề ra nhiều nghị quyết tập trung vào các chương trình giám sát cụ thể, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cũng đã thể hiện sự vào cuộc theo hướng năng động, sáng tạo, đổi mới, quyết liệt. Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực hết mình trong thực hiện các chương trình giám sát của mình tại mỗi địa phương.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã nêu 6 vấn đề, kiến nghị với Chính phủ.
Theo đó, thứ nhất, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, hiện nay nhân dân rất quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nhưng phải đảm bảo môi trường sống. Thực tế đề ra trong giai đoạn hiện nay, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ra đời nhưng ở nhiều nơi, quá trình sản xuất không đảm bảo về môi trường, xả thải, xả khói bụi đã ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
“Nhân dân mong muốn phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo môi trường. Điều này sẽ đảm bảo cho việc phát triển kinh tế vĩ mô bền vững hơn nữa.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn kiến nghị.
Thứ hai, cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,61%, đây là chỉ số tăng cao so với 7 năm trở lại đây, tuy nhiên, nếu chủ quan thì khả năng lạm phát sẽ quay trở lại. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải quan tâm, quản lý chặt chẽ về giá, nhất là các lĩnh vực xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng.
Thứ ba, đề cập đến sự biến đổi của khí hậu, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ câu chuyện đáng lo ngại về lũ quét vừa xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua đã gây ra những tổn thất nặng nề, làm 33 người chết và mất tích, 47 người bị thương, 15 ngàn ngôi nhà hư hỏng. MTTQ Việt Nam đã kịp thời cứu trợ, cử đoàn công tác đi Lai Châu, Hà Giang.
Tuy nhiên, điều Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trăn trở là vấn đề thời tiết và biến đổi khí hậu đang diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và hiện tưởng sạt lở tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với 562 vị trí ở bờ sông và chiều dài là hơn 786 km có nguy cơ sạt lở.
“Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành chức năng đi sâu tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan về tình hình biến đối khí hậu, nhất là tình hình sạt lở bờ sông để tìm ra hướng khắc phục, tạo môi trường sống an toàn cho nhân dân.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Thứ tư, liên quan đến một số vấn đề nổi cộm trong dư luận nhân dân, người đứng đầu Mặt trận đề nghị, các bộ, ngành địa phương cần tham mưu với Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, từ đó ngăn chặn những thông tin sai sự thật lan truyền trong nhân dân.
“Đừng để kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân, làm xảy ra một số sự việc đáng tiếc ở một số địa phương thời gian qua. Chúng ta đã rút kinh nghiệm, nhưng trong thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp cần đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Để làm được điều này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại với nhân dân, để chính quyền thực sự do dân, vì dân, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhất là năm 2018 là năm “Dân vận với chính quyền”.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong đó tập trung vào vấn đề an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Thứ năm, đối với tình hình tội phạm gây hoang mang trong nhân dân, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải tăng cường quản lý an ninh trật tự, vũ khí, đừng để tội phạm lộng hành, không để tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây nhiều lo lắng, bất an trong nhân dân.
Thứ sáu, trong thực hiện quy chế phối hợp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị: Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành Trung ương triển khai sớm 4 nội dung đã được thông qua tại Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp năm 2017 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ. Trong đó có 9 kiến nghị của MTTQ Việt Nam đã được Thủ tướng thống nhất. Đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan quan tâm thực hiện. Đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần đảm bảo định kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết, sơ kết Quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp nhằm phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai giữa các bên.
Hương Diệp