(Mặt trận) - Chiều 5/2 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của mô hình điểm tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ươngMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn của khu vực, của toàn cầu và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới, trong đó có các tôn giáo. Tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức từ ngày 01-03/12/2015 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp.
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình phối hợp, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành ký kết chương trình hoặc kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, ngành tài nguyên và môi trường với các tổ chức tôn giáo ở địa phương. Đến nay, trên cả nước đã xây dựng được 322 mô hình điểm các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tôn giáo đã triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của mình.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa những nội dung của Chương trình phối hợp vào chương trình hoạt động Phật sự hàng năm của các ban, ngành, viện Trung ương và hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương; lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các trường đào tạo Phật học; đẩy mạnh việc tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội Thánh Tin lành đã triển khai Chương trình phối hợp đến từng chi hội Tin lành, đồng thời vận động tín hữu tích cực tham gia thực hiện chương trình, giữ cảnh quan khuôn viên nhà thờ luôn xanh, sạch, đẹp.
Ban Đại diện Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện chương trình phối hợp như: Xây dựng các bể chứa nước mưa với tổng trị giá 100.000USD tại Bến Tre, Long An, Vĩnh Long; tham gia cứu trợ khẩn cấp do hạn hán tại Quảng Ngãi với số tiền 30.000USD...
Ngoài các hoạt động tích cực, chủ động của các tôn giáo, Ban Chỉ đạo Chương trình phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã tiến hành xây dựng được 03 mô hình điểm ở cấp Trung ương của Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm mô hình Trung tâm hỗ trợ cộng đồng chùa Pháp Bảo (Thành phố Hồ Chí Minh); mô hình chùa Pháp Vân ( Hà Nội); mô hình tại Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Hải Đức (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, Hội nghị là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay của các mô hình điểm Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả các mô hình này một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của truyền thông cùng sự đồng hành của chính quyền đối với việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều Mặt trận địa phương có cuộc vận động các khu dân cư hình thành tổ tự quản về môi trường để xử lý rác thải, nước thải. Đây là việc làm có ý nghĩa, kêu gọi cả xã hội cùng cung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, ông Eivind Archer, nguyên Giám đốc NCA Việt Nam cho rằng, việc các tổ chức tôn giáo cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi lẫn nhau.
Từ nhiều năm nay, tổ chức NCA Việt Nam đã có nhiều kết quả tốt đẹp trong việc xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cũng đã có kiến thức về lĩnh vực này nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi triển khai cũng có nhiều thách thức vì đây là lĩnh vực mới, người dân ở cộng đồng dân cư chưa nắm hết được. Năm 2018, NCA sẽ tích cực phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ để khắc phục tình trạng này nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Eivind Archer, nguyên Giám đốc NCA Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Qua Hội nghị, đại diện các mô hình điểm đã chia sẻ kết quả hoạt động của mình trong năm 2017, từ đó rút ra những mặt đã làm tốt và những điểm cần rút kinh nghiệm để tiếp tục có những định hướng và chiến lược trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý tưởng với những hoạt động thiết thực trong thời gian tới để phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm căn cứ xây dựng nội dung của Ban Chỉ đạo trong năm 2018 và hướng tới Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm việc thực hiện Chương trình phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực và các đại biểu trao đổi bền lề Hội nghị.
Phương Hà - Ảnh Quang Vinh