(Mặt trận) -Xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có 7 ấp, 3.207 hộ dân với 10.155 nhân khẩu, sinh hoạt tại 116 tổ nhân dân tự quản. Là một xã thuần nông với đời sống chính của bà con chủ yếu làm vườn kết hợp với chăn nuôi và mua bán nhỏ. Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của địa phương được ghi nhận có nhiều nổi bật với Cụm công nghiệp Phong Nẫm được lấp đầy và đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
|
Mô hình nuôi bò sinh sản của hộ anh Nguyễn Văn Biết, ấp Giồng Sậy, xã Phong Nẫm. |
Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả
Từ tháng 7-2020, khi Phong Nẫm và Phong Mỹ sáp nhập, địa bàn của xã khá rộng, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao. Việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng các mô hình đa dạng sinh kế cho người nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Trong năm 2022, Phong Nẫm đã tập trung kéo giảm được 26 hộ nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,3%.
Theo ông Võ Văn Khanh - cán bộ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo và trẻ em xã Phong Nẫm cho biết: Trong năm 2022, sau cuộc đối thoại với người nghèo, người cận nghèo, người lao động trong độ tuổi lao động mà chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, UBND xã Phong Nẫm đã xây dựng Kế hoạch số 507 về việc thực hiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn xã. Theo đó, căn cứ vào kết quả rà soát, bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND xã đã tham mưu với cấp ủy Đảng chỉ đạo, phân công cụ thể cho các hội, đoàn thể của địa phương theo dõi, hỗ trợ với phương châm “cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm” với người nghèo. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn xã có 196 hộ nghèo với 538 nhân khẩu, chiếm 6,11%; hộ cận nghèo còn 94 hộ với 280 nhân khẩu, chiếm 2,93%. Trong đó, có 104 hộ nghèo và 44 hộ cận nghèo do nữ làm chủ.
Thực hiện kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia xã chỉ đạo cho các hội, đoàn thể phụ trách theo dõi, hướng dẫn, tư vấn, nắm chắc nguyện vọng của người nghèo, từ đó, xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả. Cụ thể, Hội Nông dân xã xây dựng và triển khai Dự án nuôi bò, thỏ sinh sản và nuôi dê vỗ béo cho 37 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai Dự án dệt may cho 8 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã triển khai thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo bền vững” với dự án nuôi bò và dê sinh sản cho 24 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Hội Cựu chiến binh xây dựng và triển khai dự án nuôi bò sinh sản cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đoàn Thanh niên triển khai mô hình nuôi dê sinh sản cho 7 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, xã đang lập hồ sơ đăng ký 2 dự án nuôi dê sinh sản và dự án nuôi bò sinh sản với kinh phí 595 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã.
Ý chí vươn lên thoát nghèo
Theo ông Võ Văn Khanh - cán bộ quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo và trẻ em xã Phong Nẫm, với tinh thần cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên trong cuộc sống của các hộ nghèo và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các hội, đoàn thể xã, các mô hình đa dạng sinh kế đều đạt hiệu quả; năm 2022 giảm được 26 hộ nghèo.
Một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả trên địa bàn xã là hộ anh Nguyễn Văn Biết, ấp Giồng Sậy. Năm 2019, anh là hộ nghèo của ấp do ít đất canh tác, thiếu vốn, nuôi con ăn học. Được sự hỗ trợ từ Dự án nuôi bò sinh sản của Hội Nông dân xã Phong Nẫm, hộ anh Nguyễn Văn Biết đã thoát nghèo bền vững. Khi chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Biết, trong chuồng bò hiện có 8 con bò lớn nhỏ, có 2 con bò nái chừng tháng nữa là tới ngày sinh sản. Không những thế, từ sau khi thoát nghèo vào đầu năm 2020, đến nay, ngoài việc giữ vững và mở rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, anh Biết còn gom góp vốn để nuôi dê sinh sản. Hiện trong chuồng dê của anh có gần 40 con dê lớn nhỏ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Nẫm Phan Thành Hải cho biết: Trong lần khảo sát mới đây của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, mô hình và tấm gương vượt khó thoát nghèo của hộ anh Nguyễn Văn Biết được đánh giá rất cao. Hiện nay, hai con của anh đã ăn học thành tài. Đứa con lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đứa con nhỏ vừa đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
T.L