Tin mới

Tiếng gọi miền Trung

(Mặt trận) -Những ngày này, tiếng gọi miền Trung lại vang lên tha thiết và đầy day dứt. Trong khi vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế tê liệt, người miền Trung gần như kiệt quệ thì liên tiếp bão, lũ lại giáng xuống mảnh đất vốn còn quá nhiều khốn khó này.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Người dân xóm Gióng (phường An Tây, thành phố  Huế) phải dùng thuyền sơ tán ra khỏi vùng ngập lụt. 

“Ông tha mà bà không tha/ Làm nên lũ lụt hai ba tháng mười”, đó là câu nói dân gian để nhắc nhở, cảnh báo cho các tỉnh miền Trung thường xảy ra mưa bão, lũ từ đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Ở miền Trung, một bên là biển, một bên là núi chỉ thấy ngút ngàn trong tầm mắt là giang sơn cẩm tú. Nhưng “ông tha mà bà chẳng tha”, chỉ qua một đêm thôi, lũ lụt lại nhấn chìm bức họa tươi đẹp ấy.  

Trong mưa lũ, ai cũng là nạn nhân. Vẫn biết trước thiên nhiên con người nhỏ bé, đáng thương và tội nghiệp, chỉ biết gồng mình gánh chịu. Nhưng cảnh tượng người chồng quỳ xuống gào khóc ngay chỗ vợ và đứa con sắp chào đời bị lũ cuốn trôi ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế thì ai cũng xót xa.

Chẳng có phép màu nào xảy ra, chỉ biết cầu mong cho mưa gió bớt cuồng nộ, nước mau rút và cầu nguyện cho những ai vì thiên tai mà vĩnh viễn không về.

Có lũ lụt mới thấy bà con mình khổ cực chừng nào. Trong khi chúng ta đang hưởng không khí mát lành của những cuối thu Hà Nội thì hàng trăm  nghìn đồng bào miền Trung đang cheo leo giữa bốn bề sóng nước, hiểm nguy bủa vây.

Trong khi chúng ta vẫn đi làm, đi học, thảnh thơi đăng những bức hình đẹp đẽ lên Facebook thì đâu đó, ngoài kia là sự khắc nghiệt, khổ đau của biết bao người khi của nả dành dụm, vun đắp, từ căn nhà cho đến đàn lợn, đàn gà đang độ lớn để bán lấy tiền nuôi con ăn học… bỗng chốc bị nhấn chìm theo nước lũ.

Những ngày này, tiếng gọi miền Trung lại vang lên tha thiết và đầy day dứt. Nhưng cũng chính những ngày này, chúng ta lại càng cảm nhận sâu sắc tình nghĩa đồng bào ấm áp, càng thêm quý, thêm thương miền Trung, khúc ruột của Tổ quốc.

Bởi vì đó là một phần của đất nước, một phần máu thịt mà chúng ta vẫn thường gọi bằng hai tiếng thiêng liêng- đồng bào. Cho nên miền Trung không bao giờ đơn độc.

Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nơi vừa phát động đợt quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua lũ lụt, cho rằng, trong lúc này những việc làm như chia sẻ, cứu trợ hướng tới người dân miền Trung là rất cần thiết và đúng với đạo lý “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào còn được chắt chiu trong những cân gạo, thùng mì, và quần áo ấm đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đến miền Trung. Mặt  trận một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu gửi thư kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Và đôi khi chỉ là một lời động viên, một cái nắm tay thật chặt, tưởng chừng nhỏ bé cũng đủ giúp chúng ta đứng dậy, vượt lên nghịch cảnh.

Như bức thư gửi về miền Trung và một số tỉnh ở Tây Nguyên của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam không chỉ mang theo lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc với những gia đình có người bị thiệt mạng mà mang cả tấm lòng của những người bạn, những đứa con xa quê đang mong mỏi được trở về, chia sớt những nỗi buồn, lau đi giọt nước mắt và xoa dịu những nỗi đau.

Thực tế cho thấy, miền Trung luôn là điểm đến của nhiều cơn bão, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của. Phân tích của các nhà khoa học đã chỉ ra, đa phần các cơn bão lớn thường bắt nguồn từ nguyên nhân địa lý.

Theo đó, bão hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m.

Hầu hết các cơn bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi.

Khi bão đổ bộ vào miền Trung lại thường gây ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng. Điều này phần lớn do địa hình các tỉnh miền Trung, các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn, nên nước đổ xuống rất nhanh.

Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chủ yếu ở khu vực miền Trung, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người.

Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai. Thiết nghĩ, cần lắm một quy hoạch dài hơi và thiết thực hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai cho cộng đồng ở những khu vực thường xuyên bị bão lũ.

LÊ NA

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản