Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số tổ chức đảng và đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ cao cấp có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Sau khi UBKT Trung ương thông báo kết luận kiểm tra, giải quyết tố cáo đến tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, bị tố cáo và các tổ chức đảng có liên quan để chấp hành, trong đó có việc triển khai kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và đề nghị thi hành kỷ luật đối với tập thể tổ chức đảng và cá nhân đảng viên có khuyết điểm, vi phạm. Tuy nhiên qua theo dõi và thực tế tiến hành kiểm điểm ở các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra hoặc tổ chức đảng có đảng viên sinh hoạt, được kiểm tra, hoặc có liên quan theo Kết luận của UBKT Trung ương cho thấy nổi lên một số vấn đề đáng lo ngại sau đây:
Thứ nhất, chi bộ nơi đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không thấy được trách nhiệm của chi bộ trong việc góp ý, phê bình đảng viên để giúp đảng viên thấy được khuyết điểm, vi phạm, quyết tâm sửa chữa, khắc phục, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm; mà có biểu hiện bao che cho đảng viên, chỉ nêu ưu điểm, thành tích, không chỉ rõ khuyết điểm, vi phạm hoặc cho rằng kết luận của UBKT Trung ương chưa thật khách quan, chưa chính xác. Thậm chí biểu thị qua việc bỏ phiếu đề nghị không thi hành kỷ luật hoặc bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật với kết quả phiếu không tập trung (không có hình thức kỷ luật nào có tỷ lệ số phiếu quá bán theo quy định) đối với đảng viên vi phạm.
Thứ hai, đảng bộ nơi đảng viên có khuyết điểm, vi phạm sinh hoạt có biểu hiện phát biểu góp ý xuôi chiều, chỉ nêu ưu điểm, kết quả, không nêu và phân tích kỹ trách nhiệm về thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của đảng viên và chưa thấy được trách nhiệm của cấp ủy trong việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; rút ra bài học chung để khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới. Từ đó, một số đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cũng phát biểu cho rằng kết luận đối với đảng viên có khuyết điểm, vi phạm là quá nặng, cho rằng vi phạm của đảng viên chưa đến mức phải thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, không thi hành kỷ luật hoặc nếu có thi hành kỷ luật thì kỷ luật bằng hình thức thấp nhất. Một số đồng chí cấp ủy viên khác thì lại cho rằng, mặc dù đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, nhưng đề nghị cho "kiểm điểm, rút kinh nghiêm sâu sắc" hoặc "phê bình nghiêm khắc" đều không phải là hình thức kỷ luật. Một số đồng chí cấp ủy viên hoặc ủy viên ban thường vụ không biểu thị rõ chính kiến của mình, chỉ phát biểu chung chung hoặc nhất trí với ý kiến của các đồng chí đã phát biểu trước đó, và đề nghị cho bỏ phiếu biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
Thứ ba, đối với tập thể ban cán sự đảng thì hầu hết phát biểu ý kiến cũng chỉ nêu thành tích kết quả đạt được là chủ yếu, ít đề cập đến khuyết điểm, vi phạm của tập thể ban cán sự đảng và cá nhân đảng viên có vi phạm. Có đồng chí thành viên ban cán sự phát biểu cho rằng khuyết điểm, vi phạm của tập thể không phải cố ý, chưa có hệ thống, chủ yếu do khách quan hoặc mong muốn cơ quan, đơn vị phát triển vì sự nghiệp chung; chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của tập thể trong việc buông lỏng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là đối với người đứng đầu. Việc góp ý kiến đối với đồng chí có khuyết điểm, vi phạm cũng chưa đi sâu phân tích, chỉ rõ khuyết điểm, vi phạm, trách nhiệm của cá nhân gắn với trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của tập thể ban cán sự đảng với trách nhiệm của cá nhân thành viên ban cán sự đảng. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân một cách rõ ràng, mạch lạc, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của tập thể và cá nhân phù hợp với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm; bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật của tập thể và cá nhân tương xứng.
Thứ tư, đối với cá nhân đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong quá trình kiểm tra và kiểm điểm theo kết luận của UBKT Trung ương chưa thấy hết được thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của mình, vẫn quanh co, chối tội, thường đỗ lỗi cho khách quan, cho tập thể; chưa tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm; thường chỉ đề nghị nhận hình thức kiểm điểm sâu sắc rút kinh nghiệm hoặc kiểm điểm phê bình nghiêm túc, hoặc có đồng chí nếu có nhận thì cũng chỉ nhận hình thức kỷ luật thấp nhất là khiển trách. Chỉ khi đến cấp xem xét, quyết định thi hành kỷ luật là UBKT Trung ương, qua góp ý thẳng thắn, chân tình, và qua đấu tranh phê bình cùng với những bằng chứng đưa ra thì đảng viên mới chuyển biến về nhận thức, tự nhận hình hình kỷ luật cao hơn hoặc chỉ nói chung chung là sẵn sàng nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào của UBKT Trung ương hoặc của cấp trên.
Qua thực tế thực hiện quy trình xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật và thi hành kỷ luật nêu trên của một số vụ việc UBKT Trung ương đã tiến hành thời gian qua cho thấy các tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp vẫn còn nhận thức và hành động lệch lạc nêu trên. Nguyên nhân chủ yếu trước hết là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên còn nhận thức chưa đúng về kỷ luật và việc thi hành kỷ luật trong Đảng nên thực hiện chưa đúng, chưa hết trách nhiệm và quyền dân chủ trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, góp ý với đồng chí, tổ chức đảng mình có khuyết điểm, vi phạm. Một số đảng viên, cấp ủy viên, ủy viên ban cán sự còn nhận thức đơn giản, cho là cấp mình (chi bộ, đảng bộ, ban cán sự đảng) chỉ là cấp đề nghị thi hành kỷ luật nên chưa nêu cao hết vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của đảng viên, tổ chức đảng trong đề nghị thi hành kỷ luật. Mặt khác, còn cho rằng nếu đề nghị thi hành kỷ luật đúng mức đối với đồng chí mình, tập thể mình thì sợ liên lụy đến trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, đến thành tích của tập thể. Một số đảng viên, cấp ủy viên còn có biểu hiện nể nang, nể tình vì đảng viên bị đề nghị thi hành kỷ luật đã từng công tác, từng là cấp trên của mình nên nể nang, né tránh, thường đề nghị cho kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm, không đề nghị thi hành kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật mức thấp nhất.
Tập thể tổ chức đảng, một số cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên chưa thấy hết được trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân về khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, nhất là đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chưa thấy hết mức độ, tính chất nghiêm trọng của khuyết điểm, vi phạm đang làm mất niềm tin của nhân dân. Điều đó cũng thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần sớm được chỉ rõ để có biện pháp chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục kịp thời để việc đề nghị thi hành kỷ luật và thi hành kỷ luật trong Đảng bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền.
Để khắc phục nhận thức và hành động lệch lạc nêu trên, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đề nghị thi hành kỷ luật và quyết định thi hành kỷ luật trong Đảng theo tinh thần Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nói chung, công tác đề nghị thi hành kỷ luật và quyết định thi hành kỷ luật trong Đảng nói riêng bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, ủy viên ban cán sự đảng có nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của kỷ luật đảng (việc đề nghị thi hành kỷ luật, việc thi hành kỷ luật và việc chấp hành kỷ luật đảng). Từ đó thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn và chấp hành nghiêm túc khi có kết luận của UBKT hoặc của cấp ủy cấp trên về kiểm điểm xem xét trách nhiệm đề nghị thi hành kỷ luật đối với khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cấp dưới.
Hai là, chi ủy, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nắm vững quy trình, quy định của Đảng, của cấp mình về xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật để thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân mình, nhằm giúp việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và đề nghị thi hành kỷ luật của tập thể, cá nhân đảng viên, cán bộ có khuyết điểm, vi phạm đúng tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm.
Ba là, người đứng đầu chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể tổ chức đảng (kể cả của tổ chức mình) để điều hành, gợi mở cho cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên, thành viên ban cán sự điểm điểm, đấu tranh phê bình, góp ý đối với tập thể tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm một cách công tâm, khách quan, thận trọng, dân chủ, đúng mức. Đồng thời, khắc phục tình trạng nhận thức và hành động lệch lạc nêu trên để việc kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật tập thể tổ chức đảng và đảng viên đúng quy định của Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Bốn là, UBKT Trung ương, UBKT cấp trên phải tăng cường giám sát, đôn đốc tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên là thành viên của từng tổ chức đảng thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm vi phạm để đề nghị hình thức kỷ luật thích hợp, đúng quy trình, quy định. Những tổ chức đảng, đảng viên có nhận thức hoặc thực hiện không đúng phải kịp thời nhắc nhở, phê bình, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để tái diễn.
Cao Văn Thống
Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng