Tin mới

Kinh nghiệm bước đầu vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở Hải Phòng

(Mặt trận) - Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước và quốc tế. TP. Hải Phòng có tổng diện tích là 1.519 km2, dân số hơn 2 triệu người (tính đến tháng 12/2015), gồm 7 quận, 8 huyện, 223 xã, phường và thị trấn.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Năm 2016, toàn thành phố có 49 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã trên địa bàn thành phố đạt 15,5 tiêu chí. Các khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, ven sông Lạch Tray, Vincom Shophouse, Khu đô thị Xi măng Hải Phòng… được quy hoạch khang trang, hiện đại dần thay thế các chung cư cũ; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi, cầu vượt Lê Hồng Phong, dải trung tâm thành phố… đã tạo nên diện mạo mới của đô thị Hải Phòng; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị ổn định. Đạt được thành quả đó, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền còn có sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng ký kết chương trình phối hợp với Sở TN&MT và các tổ chức tôn giáo trong chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ động, sâu sát trong chỉ đạo, triển khai

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố lồng ghép trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong nhiều năm qua. Chương trình được chú trọng triển khai thực hiện một cách bài bản, cụ thể hơn khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chủ động ban hành Kế hoạch số 59/KH-MT ngày 21/7/2016 triển khai xây dựng 2 mô hình điểm “Tổ dân phố an toàn - văn minh” tại tổ dân phố 5.3, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng và “Thôn nông thôn kiểu mẫu” tại thôn Chợ Giá, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên.

Sau 2 mô hình điểm, Mặt trận Tổ quốc thành phố hướng dẫn các huyện, quận chủ động triển khai xây dựng mô hình điểm của đơn vị hướng tới nhân rộng trong toàn thành phố. Đến nay, 100% quận huyện, xã phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch hướng dẫn; 100% các thôn, tổ dân phố đã phát động ký giao ước thi đua thực hiện Cuộc vận động trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Một số huyện, quận đã tổ chức hội nghị triển khai và xây dựng mô hình điểm toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh gắn với xây dựng chính quyền như: mô hình “Tổ dân số văn minh tự quản”; Đô thị 4 bền vững; Tổ dân phố đoàn kết, văn minh; Tổ dân phố văn minh trong đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; Góc phố bờ sông văn minh đô thị; Tổ dân phố giảm nghèo bền vững; Tuyến đường xanh văn minh của quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân; mô hình “Vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn” ở huyện Tiên Lãng.

Hiệu quả trong thực hiện

Xác định công tác thông tin tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố để người dân thấy mình là chủ thể thực hiện và hưởng thụ thành quả của Cuộc vận động, từ đó đoàn kết, hăng hái thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bám sát 5 nội dung của Cuộc vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Các hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, phát triển công nghệ sinh học trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Nhiều mô hình, câu lạc bộ phát triển kinh tế truyền thống, như: mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa, cây rau màu tại xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo), xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên)… cho năng suất cao hơn 8 - 15% so với sản xuất đại trà; mô hình “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển”; Câu lạc bộ “Đánh bắt cá xa bờ” ở phường Ngọc Hải (Đồ Sơn); mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới ở huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo. Ngoài ra, người dân còn phát triển hàng loạt mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả cao như các làng vườn, nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái ở Thủy Nguyên, An Dương; làng trang trại ở Kiến Thụy, An Lão; các mô hình nuôi cá cảnh, cá sấu, dế mèn, nhím ở Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương, An Lão, Khu du lịch Cát Bà. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hoạt động khởi nghiệp trong các tầng lóp nhân dân ngày càng phát triển. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.472,6 USD/2.850 USD (năm 2015), tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm (tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều thành phố giảm 1% so với năm 2015, còn 2,86%), nhiều hộ gia đình đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, tiện nghi đầy đủ, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2016, nhân dân thành phố đã tự nguyện hiến quyền sử dụng 2,5 triệu m2 đất, hàng triệu ngày công lao động, đóng góp trên 2.393 triệu đồng xây dựng đường làng, ngõ phố và các công trình phúc lợi công cộng (80% đường phố, ngõ xóm được bê tông hóa), làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, đô thị thành phố. Bên cạnh đó, hoạt động vận động giải phóng mặt bằng sạch được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho công tác quy hoạch khu đô thị cũng như các nhà đầu tư đến với Hải Phòng. Thu hút đầu tư FDI của thành phố năm 2016 đứng đầu cả nước với hơn 2,7 tỷ USD.

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, đạo lý đền ơn đáp nghĩa, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” gần 12 tỷ đồng, quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 3 tỷ đồng; vận động xây mới và sửa chữa 203 nhà Đại đoàn kết và nhà ở theo Nghị định 167 với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp là mục tiêu mà Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên hướng mạnh để vận động nhân dân thực hiện. Các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ gia đình thực hiện tốt việc xử lý chất thải, rác thải, trồng và bảo vệ cây xanh, xây dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường” như: “Lòng đường an toàn, trên hè gọn gàng” ở phường Đồng Quốc Bình; “Khu dân cư đoàn kết, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”, “Ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại cộng đồng dân cư vùng ven biển hải đảo” ở huyện Cát Hải; “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Nông dân; “Góc sống xanh”, “Ba sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố... Tổ chức ra quân bảo vệ môi trường tại Đồ Sơn; ra quân hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và quận Ngô Quyền; tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày môi trường thế giới tại thôn Đốc Hậu - Toàn Thắng - Tiên Lãng. Đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò của người cao tuổi, các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng tham gia thực hiện.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thành phố đã tích cực vận động các hộ sản xuất kinh doanh cam kết không sản xuất và bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội hoạt động hiệu quả: “Toàn dân phòng, chống ma túy tại cộng đồng dân cư”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững, đăng ký không có chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư xã, phường ven biển, hải đảo an toàn, lành mạnh”, “Cụm tàu thuyền an toàn”, “Làng chài bình yên”… góp phần ổn định tình hình chính trị ở các địa phương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng triển khai nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo và huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân. Hầu hết ở các địa phương, khi thực hiện một công trình, dự án có liên quan đến người dân, đều có tổ chức bàn bạc dân chủ, công khai để nhân dân biết, tham gia ý kiến và cùng thực hiện. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được đẩy mạnh, giám sát việc: sử dụng các loại quỹ do nhân dân đóng góp, các khoản đầu tư, tài trợ cho cộng đồng; chất lượng các công trình xây dựng; hiệu quả sử dụng vốn, vật tư; giám sát thực hiện chế độ chính sách với người có công, người nghèo. Mặt trận Tổ quốc các huyện, quận đã thực hiện bước đầu có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Tăng cường các giải pháp thiết thực, hiệu quả thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 32-NQ/TW và Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo hướng xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại; đến năm 2020, Hải Phòng hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và 100% số huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo sức lan tỏa hơn nữa trong quần chúng nhân dân thành phố:

Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện Cuộc vận động.

Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc thành phố phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, nội dung phong phú, sâu sát với đời sống nhân dân, gắn với lợi ích thiết thực của người dân (an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...). Nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” ở khu dân cư, thắt chặt tình đoàn kết Quân - Dân - Chính - Đảng tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, tăng cường phối hợp các cấp, ngành, khai thác các nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động ở khu dân cư.

Tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân tham gia thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động, chú trọng triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp thực hiện các chương trình về an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình... Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”; hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”...

Ba là, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình thiết thực hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc các cấp chú trọng phát triển, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của Trưởng ban Công tác Mặt trận, người cao tuổi, các chức sắc, chức việc, người có uy tín của cộng đồng khu dân cư trong việc tổ chức và vận động nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Phát huy tính chủ động, tích cực của mỗi khu dân cư, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, sáng tạo, tính tự quản từ mỗi người dân, mỗi gia đình để tạo thành sức mạnh to lớn, động lực phát triển ở khu dân cư.

Bốn là, định kỳ kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.

Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thành phố tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với Cuộc vận động, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện.

Mặt trận Tổ quốc các cấp của thành phố thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; đồng thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong thực hiện cuộc vận động.

Năm là, kịp thời kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đổi mới tổ chức bộ máy, kiện toàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thành phố đảm bảo số lượng, coi trọng chất lượng; đặt trọng tâm xây dựng Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố vững mạnh về tổ chức, hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc. Củng cố, kiện toàn Ban Công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách đảm bảo tiêu chuẩn, cần chú ý đến những người đã trưởng thành từ phong trào, có kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân, có tinh thần nhiệt tình và tự nguyện cao. Đổi mới, tăng cường công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.

TS. Phạm Văn Mợi

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản