Tin mới

Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Báo chí ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, trong đó vấn đề quy hoạch báo chí nói chung luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng nhằm tạo ra một hệ thống báo chí phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Ninh Thuận: Bàn giao 19 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo năm 2024

Quảng Ngãi: Nâng cao kiến thức và năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận

Thừa Thiên Huế: Hội thảo “Nâng cao chất lượng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“

 Báo chí sẽ được thu gọn số lượng, nâng cao chất lượng - Nguồn: thanhnien.vn

Sự cần thiết xây dựng và thực hiện Quy hoạch hệ thống báo chí

Điều 17 Luật Báo chí năm 1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 quy định việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Ngày 11-10-2006, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 41-TB/TW về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, trong đó yêu cầu Chính phủ thực hiện việc xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí. Ngày 29-10-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí; giao Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, rà soát điều chỉnh hợp lý quy hoạch hệ thống báo chí in và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử; xác định tính hợp pháp, sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, các báo điện tử trên in-tơ-nét, nhất là các phụ san, phụ trương, chuyên đề... để sắp xếp lại theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt.

Hiện nay cả nước có 861 cơ quan báo in, trong đó có 199 báo (Trung ương có 86; địa phương: 113), 662 tạp chí (Trung ương có 525; địa phương: 137); 150 báo điện tử, chủ yếu là báo, tạp chí điện tử của các cơ quan báo in; 66 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, bao gồm 2 đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, 64 đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 2 đài (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Tính đến hết tháng 3-2017, cả nước có 18.380 nhà báo được cấp thẻ (trong đó báo in, báo điện tử có 11.695 nhà báo; phát thanh, truyền hình: 6.685) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo.

Trong những năm qua, báo chí nước ta đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí về cơ bản đã hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng, tuyên truyền kịp thời việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền góp phần củng cố, tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; kịp thời phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước...

Tuy nhiên, có thể nói tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng hoạt động báo chí chưa tương xứng, tình trạng chồng chéo về nội dung, mục đích, đối tượng và tôn chỉ phục vụ còn nhiều và chưa được khắc phục hiệu quả; xu hướng thông tin mang tính giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; vi phạm về bản quyền trên báo chí... vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sắp xếp báo chí phải tính đến xu hướng phát triển báo chí trên thế giới. Công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất, theo đó báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Trật tự thông tin trên thế giới đang có sự bất bình đẳng: Các tập đoàn truyền thông đa phương tiện của một số nước có tiềm lực chiếm ưu thế về phương tiện và hạ tầng kỹ thuật chi phối hầu hết nguồn thông tin trên thế giới. Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình truyền thông xã hội tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thông tin cho hoạt động báo chí.

Căn cứ tình hình thực tế và xu hướng phát triển của báo chí như đã nêu trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, việc xây dựng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là hết sức cần thiết, nhằm phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

Mục tiêu của quy hoạch là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, in-tơ-nét; sắp xếp lại các cơ quan báo chí khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện Quy hoạch thận trọng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP, ngày 1-6-2015, của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25-9-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có đầy đủ đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí ở Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp, quán triệt những nội dung cơ bản về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và hướng dẫn các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 20-10-2015 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với một số cơ quan chủ quản báo chí để triển khai thực hiện Quy hoạch, như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long...

Qua làm việc với một số cơ quan chủ quản báo chí ở Trung ương, địa phương và tổng hợp bản dự kiến quy hoạch của các cơ quan, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong tổng số 205 cơ quan chủ quản báo chí khối trung ương, có 42 cơ quan chủ quản báo chí thuộc diện phải thực hiện quy hoạch; có 24/63 cơ quan chủ quản báo chí khối địa phương phải thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, có không ít khó khăn, hạn chế. Đến hạn theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị ngày 25-9-2015, nhiều cơ quan, địa phương vẫn chưa có báo cáo. Bộ đã có tiếp văn bản, gia hạn đến ngày 30-12-2015 để các cơ quan chủ quản thuộc diện phải thực hiện quy hoạch rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch các cơ quan báo chí trực thuộc theo nội dung của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, song khi đến hạn, vẫn còn nhiều cơ quan, địa phương chưa xây dựng quy hoạch, chưa gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Các cơ quan, địa phương chưa xây dựng phương án quy hoạch đều viện lý do là chưa có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch báo chí nên chưa có đủ cơ sở để thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chủ quản báo chí đã đề xuất phương án đặc thù, với quan điểm đưa ra là, đối với những cơ quan báo chí đang hoạt động tốt, là cơ quan ngôn luận của tổ chức, nhóm công chúng đặc thù, có uy tín, có sức lan tỏa thông tin rộng, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền thì nên có phương án tạo điều kiện để cơ quan báo chí đó phát triển hơn nữa, như Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều đề xuất cơ chế đặc thù.

Có không ít băn khoăn về việc có thể nảy sinh một số mâu thuẫn trong quá trình triển khai, như có những cơ quan báo chí thuộc diện đối tượng điều chỉnh nhưng lại có lượng phát hành lớn, tầm ảnh hưởng xã hội rộng hay việc quy hoạch có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đội ngũ những người làm báo khi một số cơ quan báo chí bị sáp nhập...

Đúng là trong quá trình triển khai, chắc chắn không tránh khỏi những mâu thuẫn, vướng mắc. Chẳng hạn, Báo Tuổi trẻ của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có ảnh hưởng trong tuổi trẻ, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là tờ báo về kinh tế - chính trị của toàn Thành phố, của cả nước, song đây lại là báo của cấp sở, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì cấp sở không có báo in. Hoặc Báo điện tử Dân trí cũng là một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn, nhưng lại là báo của Hội Khuyến học Việt Nam, mà theo Đề án Quy hoạch báo chí thì hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí. Hay như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có nhiều cơ quan báo chí, nếu triển khai theo đúng Quy hoạch thì đây là bài toán khó đòi hỏi tất cả các cấp phải cùng chung sức giải quyết.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ triển khai Đề án Quy hoạch thận trọng, tránh gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi tình hình kinh tế - xã hội đất nước cũng đang rất khó khăn và đội ngũ những người làm báo cũng có nhiều cố gắng, để vừa bảo đảm sự ổn định, vừa bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng, tránh chồng chéo, nhất là về chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích.

Thực tế vừa qua, trong quá trình triển khai chúng tôi đánh giá cao việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng, triển khai Đề án Quy hoạch. Như Bộ Giao thông Vận tải đã ngừng xuất bản 1 báo, 5 tạp chí và sắp xếp, tập trung về Báo Giao thông. Một số bộ, như Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... cũng là những đơn vị sớm triển khai Đề án Quy hoạch. Đối với khối báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ đã chủ động chuyển Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, báo VTC News, báo Thể thao 24h về Đài Tiếng nói Việt Nam; sáp nhập hai tạp chí thuộc Cục Báo chí, Cục Xuất bản vào Tạp chí Thông tin và Truyền thông của Bộ.

Những cơ quan báo chí được quy hoạch, sắp xếp, đến nay đã hoạt động ổn định. Ví dụ Báo Giao thông đã thực hiện quy hoạch báo chí hết sức thành công. Sau khi thực hiện quy hoạch, quy mô tờ báo lớn hơn, nhiệm vụ truyền thông cũng tập trung hơn, hiệu quả truyền thông cho ngành cũng tốt hơn. Doanh thu và phát hành của báo tăng khoảng 20% - 25%... Trong khi trước đây, các tạp chí phần lớn chỉ in khoảng 1.000 bản/kỳ, chủ yếu phát hành trong nội bộ nên hiệu quả truyền thông thấp; đồng thời, để duy trì một tạp chí hoạt động, mỗi năm mất chi phí khoảng 1,5 - 3 tỷ đồng.

Đối với việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc một cơ quan chủ quản theo mô hình mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm, chúng tôi cũng tiếp tục rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Quy hoạch, bảo đảm đến năm 2020, về cơ bản, hoàn thành việc sắp xếp cơ quan báo chí theo Quy hoạch.

Những giải pháp bảo đảm triển khai Quy hoạch hiệu quả

Qua nghiên cứu, xem xét và đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung, trong đó có nêu những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là quán triệt thực hiện theo đúng những nội dung Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã quyết định và Bộ thực hiện một cách thận trọng.

Để bảo đảm việc triển khai hiệu quả, song song với việc giám sát thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành các giải pháp đồng bộ đã đề ra tại Đề án. Có 9 giải pháp được đưa ra, đó là giải pháp về thông tin, tuyên truyền; giải pháp xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách; giải pháp về tổ chức bộ máy; giải pháp về chỉ đạo, điều hành; giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật; giải pháp tài chính, nguồn nhân lực; giải pháp khoa học, công nghệ; giải pháp về hợp tác quốc tế, thông tin, đối ngoại. Ở mỗi giải pháp đều có những nội dung cụ thể mà nếu được thực hiện một cách triệt để sẽ bảo đảm hiệu quả. Như giải pháp về thông tin, tuyên truyền yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên nâng cao khả năng tự vệ trước những thông tin tiêu cực, độc hại, lừa đảo trên mạng; trước nguy cơ lộ, lọt thông tin bí mật của tổ chức, cá nhân; tăng cường hướng dẫn kỹ năng, thói quen khai thác, sử dụng mạng, thông tin mạng một cách an toàn, hiệu quả.

Giải pháp về xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về báo chí và viễn thông, công nghệ - thông tin một cách đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển thông tin, truyền thông thế giới và điều kiện nước ta; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, thông tin in-tơ-nét theo hướng tăng cường chế tài xử phạt vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ở giải pháp này, Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, trong đó có nội dung quy định về quy hoạch báo chí và bảo đảm sự thống nhất khi thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT, ngày 26-12-2016, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, trong đó quy định về các nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới thực hiện việc xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành việc sửa đổi Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, bảo đảm các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí đều được xử lý nghiêm minh.

Đối với giải pháp về nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đó là việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí; kiên quyết xử lý người có trách nhiệm và xử phạt, đình bản, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm nghiêm trọng nhiều lần; chú trọng công tác phối hợp, nâng cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo...

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí, có vai trò rất quan trọng của các cơ quan chủ quản báo chí. Trong đó, cơ quan chủ quản báo chí phải nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, làm tốt công tác định hướng, thông tin, tuyên truyền, công tác cán bộ. Đặc biệt, cơ quan chủ quản báo chí chú trọng công tác tư tưởng và các giải pháp cụ thể đối với những người làm báo bị ảnh hưởng khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí làm việc, cống hiến và phát triển.

Trương Minh Tuấn - TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản