Tin mới

Tăng cường vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động môi trường

(Mặt trận) - Ngày 28/9, Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Quang cảnh buổi họp Hội đồng tư vấn góp ý về môi trường.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường cần hướng tới việc đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Dự thảo Nghị định cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về môi trường, phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức đại diện cho nhân dân đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Hồ Ngọc Hải cho rằng, xu thế hiện nay, các bộ, ngành đang rà soát các quy định theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định cần khắc phục được những hạn chế chồng chéo trong quản lý, loại bỏ những quy định, thủ tục không cần thiết, nhất là các giấy phép con để không gây phiền hà, cản trở người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Hải, thời gian qua, việc thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, báo cáo, phương án bảo vệ môi trường đã được coi trọng, tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát thực hiện lại chưa đúng mức. Từ thực tế một số dự án, việc báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa thực sự khách quan, do việc chủ đầu tư thuê giám sát, ông Hải cho rằng việc giám sát đó chỉ có tính chất tham khảo, dự thảo Nghị định cần quan tâm điều chỉnh theo hướng có quy định để cơ quan thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường chủ trì giám sát việc thực hiện.

Theo GS. Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, trên thực tế, Luật Bảo vệ môi trường và kết quả thực hiện đang là vấn đề nhức nhối nhất. Luật chưa đủ và cũng rất cần, nhưng thực thi luật thì vẫn là một trong các vấn đề đáng chú ý vì thực hiện luật phải đảm bảo vai trò của quần chúng nhân dân. Vì vấn đề này, toàn xã hội phải vào cuộc và quần chúng nhân dân là chủ thể của việc thụ hưởng chính sách mang lại từ các tác động can thiệp vào môi trường, và chính họ cũng có trách nhiệm phải nghiêm túc thực hiện các qui định, qui tắc, thông tư, chỉ thị…

 

Các đại biểu thảo luận bên lề cuộc họp Hội đồng tư vấn góp ý về môi trường.

Góp ý kiến vào việc giám sát trong lĩnh vực môi trường, ông Nghiêm Xuân Minh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường đề nghị cần quan tâm đến việc công khai các thông tin về xử lý chất thải để cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể theo dõi giám sát. “Tại các dự án, có thể có bảng điện tử về thông tin, thông số môi trường để huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư theo dõi, giám sát”, ông Minh đề nghị.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường khẳng định, việc thực hiện sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường cần thể hiện đúng tinh thần của Chính phủ là phát triển, nhưng không đánh đổi môi trường và không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Theo GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu, việc bảo vệ môi trường cần được khẳng định rõ nét hơn nữa qua việc quy định trách nhiệm cụ thể của các Hội đồng thẩm định trong lĩnh vực môi trường. Dự thảo Nghị định phải quan tâm đến vai trò giám sát của cơ sở tại chỗ, nhất là của người dân, Mặt trận và các đoàn thể bên cạnh việc tăng cường sự giám sát độc lập của cơ quan quản lý đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Theo Ban Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường, qua những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng sẽ tổng hợp các ý kiến gửi cơ quan soạn thảo để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa đổi hoàn thiện Dự thảo theo hướng phù hợp, đơn giản hoá nhưng đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản