Tin mới

Tin đồn, đám đông và những hệ lụy

Có lẽ chưa bao giờ những tin đồn và hiệu ứng đám đông lại gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và đáng tiếc như hiện nay. Tin đồn thường là những điều mà một số người tung ra vô căn cứ, bịa đặt hoặc thêu dệt phóng đại từ những sự việc có thật nhưng nhỏ nhặt không đáng kể. Đáng nói là những tin đồn này lại được đám đông hưởng ứng và đón nhận, chia sẻ. Những tin đồn xuất hiện trong đời sống, đặc biệt là trên mạng xã hội với sự lan truyền khủng khiếp. Đám đông từ những tin đồn này với nhiều lý do đã có những hành xử thậm chí là vi phạm pháp luật và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Mạng xã hội là công cụ để một số người lợi dụng lan truyền thông tin đồn thổi. Ảnh | Trần Thanh

Đời sống với những diễn biến thường nhật luôn là dòng chảy quy luật và nó chỉ tạo ra những bất thường khi xuất hiện những sự kiện được mọi người chú ý. Nếu đó chỉ là một hiện tượng thông thường không được tiếp sức bởi sự đồn đại thì người ta sẽ lập tức lãng quên bởi cuộc sống còn có bao nhiêu điều khác phải quan tâm, nhưng ngược lại nếu được phóng đại, đồn thổi sẽ như một cơn bão độc khuếch tán và lan truyền. Tin đồn đặc biệt nguy hiểm nếu nó được mạng xã hội và truyền thông quan tâm. Lúc này sự việc không còn là bình thường mà nó được đẩy đến mức nghiêm trọng khiến xã hội rúng động.

Cách đây chục năm ở Hà Nội xảy ra một vụ rạch mặt bằng lưỡi lam. Nạn nhân là một nữ sinh trung học, thủ phạm là một nhóm thanh niên đi xe máy. Có thể đó chỉ là một vụ trả thù theo chiều hướng thanh toán mâu thuẫn cá nhân hoặc chỉ là một trò nghịch ngợm hiếu động ở tuổi mới lớn. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đấy, mà tin đồn về một nhóm thanh niên chuyên chọn những nữ sinh có nhan sắc để rạch mặt với không ít nguyên do được lan truyền. Các ông bố, bà mẹ phải dành thời gian để đưa con cái đến trường và đón về mỗi khi tan lớp. Sự hoảng hốt, lo lắng, bất an là không thể tránh khỏi. Hậu quả để lại thật khó lường. Sự việc cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng bởi đó chỉ là trò nghịch ngợm của một vài thanh niên hư hỏng, nông nổi và bốc đồng.

Cũng tương tự một dạo khi một nhóm thanh niên nghiện ma túy có hành vi trộm cắp bị phát hiện đã dùng kim tiêm chống lại với lời đe dọa là kim tiêm có dính máu HIV. Sau đó cũng có một vài trường hợp kẻ xấu trấn lột, xin đểu bằng thủ đoạn dùng kim tiêm làm hung khí. Sự việc chỉ có thế nhưng lập tức được phóng đại thành phong trào trả thù đời của những người mang án tử của căn bệnh thế kỷ. Rất nhiều tình tiết được thêu dệt lan khắp vỉa hè, đường phố, ngõ xóm, cơ quan, trường học... Người ta kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện về người bị kẻ thủ ác làm cho nhiễm bệnh. Một đôi trai gái đi xem phim đã trúng phải kim tiêm gài ở ghế ngồi đi thử đã dương tính với HIV. Kháng cự lại kẻ trấn lột, một thanh niên dính đòn độc. Tâm lý sợ hãi, bất an khiến người ta tránh đi vào nơi vắng vẻ, tối tăm như công viên, rạp chiếu bóng... Ai mà không biết sự nguy hiểm nếu bị lây nhiễm căn bệnh chết người kia. Từ tin đồn đến phản ứng của đám đông. Những người bị HIV vốn đã bị xã hội e ngại càng thêm bị kỳ thị. Người ta sẵn sàng đánh hội đồng những kẻ phạm pháp nghiện ngập chẳng cần biết họ có dính AIDS hay không. Không có một thống kê nào về những thiệt hại mà dân tình phải gánh chịu từ những đồn đại tưởng như trò đùa đó. Cái rõ nhất nhìn thấy là sự bất ổn xã hội. Người dân không còn cảm thấy an toàn khi rời nhà. Và đương nhiên càng thiệt thòi cho những người đang bị căn bệnh thế kỷ tuyên án.

Tâm lý bất an khiến tin đồn càng có đất sống. Nhất là khi mạng xã hội phát triển. Giờ thì Facebook phủ sóng đến tận cả các bản làng heo hút. Những thông tin không được kiểm chứng được đồn thổi càng có cơ hội hoành hành.

Nạn trộm chó thật sự xảy ra ở khắp mọi miền quê và cả thành phố. Một làng quê yên bình có lý do để nghi ngờ khi có người lạ vào làng. Đồn thổi về những cẩu tặc ám ảnh với những người dân quê. Có những kẻ trộm chó dính đòn khi bị bắt quả tang; có khi trong cơn quẫn bách tháo chạy đã manh động chống cự gây thương vong cho người đuổi bắt. “Một đồn mười, mười đồn trăm”, thế là người dân quê chất phác, hiền lành bị kích động, họ đã trút đòn thù lên những kẻ trộm chó. Đáng tiếc là cả những người không trộm chó chỉ vì nghi vấn mà bị đòn oan. Mạng người đổi lấy sự mất mát mấy con chó thật đau lòng. Tác hại của tin đồn và hiệu ứng đám đông trong câu chuyện trộm chó đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của.

Mới đây ở Quảng Bình có một em bé bị mất tích và sau đó mấy ngày xác em bé được phát hiện ở gần nhà. Công an đang điều tra nguyên nhân vụ án mạng này. Khi chưa phát hiện ra em bị sát hại, mạng xã hội sôi sục về những tiên đoán bắt cóc. Sự căm phẫn của cộng đồng với nạn bắt cóc trẻ em là có thật và chính đáng nhưng cũng chính trong sự việc này xuất hiện nhiều đồn thổi. Một số tài khoản Facebook đưa những hình ảnh giả mạo, kích thích tò mò, câu like... khiến cho việc tìm tung tích em bé bị trở nên phức tạp và đẩy tính chất lên mức nghiêm trọng. Trước đó có không ít vụ bắt cóc trẻ em và cũng không thiếu những kẻ bắt cóc bị bắt giữ và chịu sự trừng trị của pháp luật nhưng đến lần này thì sự hoang đoán đã gây bất an xã hội.

Mạng xã hội là công cụ để một số người lợi dụng lan truyền thông tin đồn thổi. Liên quan đến bắt cóc mới đây lan truyền hình ảnh người dân đập phá đốt chiếc ô-tô và đánh hai người chủ xe khi cho rằng những người này thôi miên bắt cóc ở Thanh Hà, Hải Dương. Sự thật không phải như vậy. Căn nguyên do người dân hiểu lầm và bị kích động vì thông tin về bắt cóc trẻ em. Tương tự ở Sóc Sơn, Hà Nội, hai người đi bán tăm bông bị người dân đuổi đánh vì nghi vấn bắt cóc. Sự nhầm lẫn do tác động về tâm lý của người dân trước sự an toàn của con em mình đã gây họa. Hai người bị đánh oan chưa hiểm nguy đến tính mạng nhưng cũng chính ở sự việc này đã có tài khoản Facebook hoang tin thành sự việc trầm trọng gây ra một làn sóng hoang mang khắp cộng đồng mạng.

Vì sao lại tồn tại những thông tin như vậy trong đời sống và mạng xã hội? Lý giải phần nào điều này khi công an điều tra ra những chủ tài khoản Facebook và trang mạng tung tin giả nhằm mục đích vụ lợi. Đó là những người buôn bán online muốn câu khách, tạo sự chú ý cho cộng đồng về việc kinh doanh của mình. Vụ hoang tin máy bay rơi ở Nội Bài trong đợt mưa lũ vừa rồi là một minh chứng. Chủ tài khoản Facebook Phạm Thị Mùi đã khai, đưa lên mạng xã hội nhằm câu like để bán hàng. Chỉ là tâm lý hiếu kỳ, rỗi chuyện của một số người nhưng trong nhiều trường hợp là có chủ đích. Không thiếu những đồn thổi với dụng ý bôi xấu cá nhân hoặc một tập thể bất kỳ nhằm thỏa mãn ý đồ nào đó. Cũng có những kẻ xấu mong muốn gây bất ổn xã hội, tạo ra tâm lý hoang mang trong nhân dân. Từ những việc rất nhỏ họ đồn thổi thành ra trầm trọng. Câu chuyện chú bé đánh violin ở phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm mới đây cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Những chỉ trích thiếu khách quan của nhiều người nhằm vào nhóm công tác cấm em bé chơi nhạc ở tuyến phố đi bộ đã được chính mẹ chú bé hóa giải bằng lời xin lỗi về hành xử không đúng của chú bé và người cha.

Rõ ràng hệ lụy từ tin đồn và hiệu ứng đám đông là nghiêm trọng. Nó không chỉ gây sự bất an, mất niềm tin mà còn là những thiệt hại khôn lường cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí là tính mạng con người. Trong một xã hội hiện đại với nhiều chiều kích thông tin hiện nay cần thiết phải có một thiết chế quản lý và xử lý những thông tin sai sự thật, mà cụ thể là những tin đồn vô lối.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản