Tin mới

Vai trò của thông tin báo chí trong công tác lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng báo chí đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Thông tin báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.

Thôn Hòa Ngãi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Bình Định: Ngày hội Đại đoàn kết làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đối thoại với đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh

Đồng chí Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam đến thăm và chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

1.Báo chí đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng, với hình thức phong phú, đa dạng về những sự kiện trọng đại của đất nước, nhất là tuyên truyền, phân tích nội dung các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các Hội nghị Trung ương, Hiến pháp, các luật, dự luật, Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, các nghị định, văn bản pháp quy của Chính phủ, các chủ trương và quyết định của các cơ quan Đảng, Nhà nước Trung ương và địa phương liên quan đến đời sống nhân dân. Các cơ quan báo chí phát huy thế mạnh của các loại hình có sáng kiến mở các chuyên mục, đặt bài chuyên gia, mở tọa đàm, phỏng vấn... nên thu hút được lượng lớn công chúng. Đặc biệt, thông tin báo chí (TTBC) tuyên truyền có hiệu quả việc tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân đối với các vấn đề trọng đại của đất nước, đồng thời tích cực tuyên truyền các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khả năng điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Các cơ quan báo chí đã có nhiều hình thức sinh động và phong phú như mở diễn đàn, chuyên mục, thảo luận, tuyên truyền về nội dung và các đơn vị, địa phương điển hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng (như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng; hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tham gia cuộc thi viết về xây dựng Đảng (Giải thưởng Búa liềm vàng); tích cực đăng bài phổ biến Hiến pháp và pháp luật mới, các văn bản pháp lý liên quan đến đông đảo nhân dân.

TTBC cũng đã góp phần xây dựng và điều chỉnh các nghị quyết, chính sách, quyết định để sát hợp với thực tiễn. Những dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp và những bộ luật quan trọng, những chủ trương mới... đều được báo chí thông tin và đăng tải các ý kiến phản hồi từ người dân, nhằm hoàn thiện văn bản, chính sách. Nhiều chính sách trong quá trình thực hiện bộc lộ một số hạn chế hoặc do hoàn cảnh khách quan phát sinh những vấn đề mới, được báo chí phản ánh, cung cấp tư liệu, chứng cứ cho các cơ quan lãnh đạo quản lý (LĐQL) để kịp thời điều chỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống từ nhiều nguồn thông tin, các cơ quan LĐQL đã xây dựng chủ trương, chính sách mới để giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Như vậy, TTBC thực sự là kênh kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với hoạt động của các cơ quan, cá nhân LĐQL. Những hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền, những biểu hiện ”lợi ích nhóm”, làm giàu bất chính, lợi dụng xe công vào việc riêng... của các vị quan chức đều được người dân hoặc nhà báo phản ánh, chụp ảnh, có đầy đủ chứng cứ và nêu trên báo chí để đông đảo công chúng được biết và các cơ quan quản lý cán bộ cấp trên đã tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Nhiều vụ án tham nhũng do báo chí phát hiện được đưa ra xét xử với mức án nghiêm minh, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nhiều ý kiến của người dân trên báo chí đã được các cơ quan chức năng tiếp thu một cách nghiêm túc, cầu thị và trở thành ý tưởng, sáng kiến chính sách. TTBC cũng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống ”tự diễn biến”, ”tự suy thoái” trong đội ngũ cán bộ LĐQL, đấu tranh chống ”diễn biến hòa bình”, các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

2. Theo ý kiến đánh giá của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, TTBC có ưu điểm là nhanh nhạy, kịp thời vì cập nhật hàng ngày, hàng giờ, trong khi thông tin báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thường có độ trễ nhất định. Văn phòng Chính phủ thường xuyên nắm bắt, tổng hợp thông tin, phát hiện những vấn đề, sự việc nổi cộm liên quan đến công tác LĐQL phần lớn từ kênh TTBC, trên cơ sở đó báo cáo, kiến nghị lãnh đạo để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Các cơ quan Đảng và Nhà nước thường thành lập bộ phận tiếp nhận, xử lý TTBC. Việc tổng hợp, phân tích TTBC được thực hiện hàng ngày, cùng với các kênh thông tin khác (báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ và đột xuất), tùy theo tính chất và độ phức tạp của vấn đề, đảm bảo các cơ quan LĐQL có được nguồn thông tin nhanh nhất, chuẩn xác và đầy đủ nhất.

Với vai trò là đơn vị chủ trì tổ chức các cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hàng tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là người phát ngôn của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ là đầu mối quan trọng cung cấp nguồn thông tin chính thức, chuẩn xác, chỉ đạo và định hướng thông tin cho báo chí để ngăn chặn những thông tin rò rỉ, sai lệnh, phát tán trên mạng xã hội. Đây cũng là đầu mối truyền đạt trực tiếp ý kiến chỉ đạo cũng như những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội; trực tiếp giải đáp, trả lời những ý kiến thắc mắc, kiến nghị của cơ quan báo chí và của người dân về các vấn đề nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận.

Qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ còn cung cấp và tiếp nhận TTBC và công chúng về các hoạt động chủ yếu, những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nổi bật mà dư luận quan tâm, qua đó định hướng TTBC.

Ngoài việc tổ chức họp báo thường kỳ để tạo luồng thông tin hai chiều, Chính phủ đã hình thành một số hoạt động mang tính chất tác nghiệp truyền thông qua đầu mối Văn phòng Chính phủ như phối hợp sản xuất một số sản phẩm truyền thông với các cơ quan báo chí lớn như chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, “Đối thoại trực tuyến”, “Chính phủ với người dân”, trong đó các Bộ trưởng trực tiếp trả lời, giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về những vấn đề trong phạm vi bộ, ngành quản lý; chỉ đạo một số cơ quan báo chí lớn gồm TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam cử phóng viên chuyên trách làm việc thường trực tại Văn phòng Chính phủ, đồng thời thiết lập đường truyền nhận, gửi văn bản qua mạng riêng giữa Văn phòng Chính phủ với các cơ quan báo chí này để tạo thuận lợi trong công tác theo dõi, quản lý, chỉ đạo định hướng và trao đổi, tiếp nhận thông tin báo chí.

Đối với TTBC địa phương, các cơ quan báo chí Trung ương cũng đã hỗ trợ đắc lực trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, bám sát thực tiễn địa phương, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, tình hình chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, sản xuất, tấm gương “người tốt việc tốt”, qua đó, giúp các cơ quan LĐQL địa phương chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần cổ vũ nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nội dung TTBC ngày càng đa dạng phong phú với nhiều đổi mới, hấp dẫn sinh động, nhanh chóng và kịp thời hơn; phản ảnh đầy đủ, khách quan đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, mà người dân Việt Nam có thêm hiểu biết về trong nước và thế giới, để tiếp tục hội nhập quốc tế; thông qua TTBC bạn bè thế giới cũng hiểu nhiều và đúng hơn về đất nước và con người Việt Nam để thúc đấy hợp tác, đầu tư, đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là một nội dung quan trọng của công tác LĐQL.

Phương thức đưa tin của TTBC cũng rất phong phú, từ các hình thức báo chí truyền thống cho đến thông tin điện tử hiện đại và đang phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi về thông tin ngày càng cao của công chúng nói chung, công tác LĐQL nói riêng. Trình độ đội ngũ nhà báo và cộng tác viên báo chí cũng được nâng cao(1). Nội dung thông tin trên báo chí với những ưu điểm như nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng công tác LĐQL của Đảng và Nhà nước, giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện mục tiêu ”dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Số lượng TTBC về LĐQL cũng tăng lên mạnh mẽ. Với thị trường hơn 90 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường công chúng báo chí lớn, hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Cùng với sự bùng nổ thông tin mang tính chất quốc tế, với số lượng lớn các tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, có thể nói chưa bao giờ ở Việt Nam lại có sự đa dạng, phong phú về số lượng TTBC như hiện nay. Trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể tìm thấy những TTBC, thậm chí những tạp chí chuyên khảo về vấn đề đó, cung cấp thông tin cần thiết, hữu ích cho nhà LĐQL. Báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận dành riêng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, mà còn là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, bộ, ngành, tổ chức xã hội đều có cơ quan báo chí; hầu hết các hội nghề nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu có tạp chí chuyên ngành. Sự đa dạng của các cơ quan báo chí không chỉ nằm ở số lượng các cơ quan thông tấn báo chí mà còn thể hiện sự chuyên sâu về lĩnh vực, chuyên đề, lứa tuổi và thậm chí là những nhu cầu riêng tư.

3. Kết quả khảo sát thực tiễn cho thấy, ba yếu tố của TTBC được quan tâm nhiều nhất trong công tác LĐQL là (1) Độ tin cậy của thông tin, (2) Mức độ phong phú của nội dung thông tin, (3) Mức độ phản biện xã hội của thông tin. Tỷ lệ lựa chọn của cán bộ, đảng viên lần lượt là 46%, 34,6% và 31,9% (Biều đồ 1)(2).

Như vậy, độ tin cậy của thông tin được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi đó là cơ sở để các nhà LĐQL nắm bắt thực trạng, nhận định tình hình để từ đó rút ra phương hướng, cách thức, giải pháp trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của mình. Thông tin thiếu chính xác vẫn còn nhiều trên báo chí, nhất là báo điện tử, đã gây hậu quả nghiêm trọng đến người dân. Ví dụ, TTBC về ăn bưởi bị ung thư vú, mắm tôm là thủ phạm của bệnh tả, nước tương có hóa chất 3-MCPD; giá, đậu phụ, bún, trứng gà, các loại hoa quả bị ngâm tẩm hóa chất… khiến người tiêu dùng hoang mang, người sản xuất khốn đốn, nhà quản lý lúng túng, bị động.

Biểu đồ trên cho thấy yếu tố quá trình tác nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động báo chí. Trong đó, thể hiện rõ nhất ở đạo đức nghề nghiệp của nhà báo (chiếm 40,6%), trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhà báo (35,3%), trong khi đó tỷ lệ mức độ thương mại hóa của báo chí là thấp nhất (5,9%), gấp 6,8 lần.

Những hình thức, nội dung chịu sự tác động thay đổi bao gồm: thay đổi tư duy, nhận thức về công tác LĐQL; thay đổi phương thức lãnh đạo; và thay đổi về hình ảnh, uy tín của cơ quan. Tỷ lệ lần lượt theo sự ghi nhận của cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, tổ chức mà mình công tác là 51,9%, 30,3% và 20,2% (Biểu đồ 3).

TTBC làm thay đổi tư duy nhận thức, cụ thể là giúp nhận ra khuyết điểm, hạn chế, tạo ra nhận thức mới tích cực về công tác LĐQL. Bên cạnh đó, TTBC giúp kiềm chế tình trạng tiêu cực ở cơ quan (23,8%), thúc đẩy đoàn kết nội bộ (21,9%); tạo ra phương thức phối hợp hiệu quả giữa lãnh đạo và nhân viên (21,5%).

Sau khi cơ quan LĐQL tiếp nhận và xử lý TTBC, sự thay đổi tích cực được đánh giá cao nhất là cơ quan nhận ra khuyết điểm, hạn chế, tạo ra nhận thức mới tích cực hơn; sau đó là kiềm chế tình trạng tiêu cực ở cơ quan. Tư duy, nhận thức là nhân tố quan trọng tác động đến phương cách làm việc của cả cơ quan, và đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến phương thức quản lý của cán bộ LĐQL.

Tóm lại, TTBC trong cả nước đã phản ảnh đầy đủ hiện thực khách quan, chân thật, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nhờ vậy, mà người dân Việt Nam nâng cao nhận thức về mọi mặt, kể cả tình hình thế giới, hiểu được những khó khăn, thách thức của nhà LĐQL để chia sẻ, cảm thông và ủng hộ. TTBC đã không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo cả hình thức và nội dung đến công chúng, nhất là tuyên truyền các chủ trương của Đảng, quyết sách của Quốc hội, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Báo chí cũng đã phản ánh kịp thời những nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo như: phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, tài chính tiền tệ, giá cả thị trường, xuất – nhập khẩu hàng hóa, các chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo... TTBC đã góp phần xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, đã giám sát đội ngũ cán bộ LĐQL, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao vai trò của báo chí, trong đó nhấn mạnh vai trò của TTBC đối với công tác LĐQL: TTBC đã tuyên truyền góp phần quan trọng vào sự thành công của các kỳ Đại hội Đảng và nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; đã phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, tích cực chống tham nhũng, lãng phí, hách dịch cửa quyền để đẩy lùi cái xấu, làm cho xã hội được phát triển tốt đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập3. TTBC đã giúp Chính phủ điều hành công tác hiệu quả hơn, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại đều có những tiến bộ đồng bộ, rõ nét; “Chính phủ luôn mong muốn báo chí tiếp tục không chỉ thông tin về sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự tham gia của nhân dân mà làm sao để tiếng nói góp ý, phê bình, phản biện của báo chí thực sự là tiếng nói của nhân dân”4.

Chú thích:

1. Năm 2011, tỷ lệ nhà báo có trình độ đại học là 88%, trên đại học là 5%. Đến năm 2015, tỷ lệ này tăng lên 94% và 5,5% (Số liệu của Bộ TT-TT).

2. Kết quả khảo sát của đề tài cấp quốc gia: “Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, nghiệm thu năm 2017. (Biểu đồ 1, 2, 3, 4).

3. Bài phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 16/2/2016).

4. Bài phát biểu của đồng chí Vũ Đức Đam, Báo Nhân dân, ngày 15/2/2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Lưu Văn An (Chủ biên): Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị các nước phương Tây, Nxb. LLCT, Hà Nội 2008.

2. Đỗ Quý Doãn: Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. 2014.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X về Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Hà Nội.  2007.

4. Nguyễn Thế Kỷ: Công tác lãnh đạo quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2012.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản