Tin mới

Còn sức khỏe, tôi còn muốn đóng góp

(Mặt trận) - Cũng như bao người làm công tác Mặt trận khác, nghỉ hưu đúng tuổi nhưng công việc ở ngôi nhà chung với ông Hà Văn Núi thì không thể nghỉ. Tại các kỳ cuộc, người ta vẫn thấy ông với  những tiếng nói phản biện sổi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Vẫn là một tinh thần rất Mặt trận - không ngại khó, không ngại khổ càng không ngại va chạm, miễn sao nói được đúng tiếng lòng của dân.

Tổng kết thực hiện Đề án Vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên: 9 tháng thần tốc xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh nhân Đại lễ Phục sinh 2024

Bàn giao 5.000 căn nhà đại đoàn kết: Hiện thực hóa giấc mơ của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 Ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 

Lăn lộn với phong trào

Từ một Bí thư xã đoàn, trải qua các cương vị công tác, năm 1997 ông được cử làm Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Giang và đầu năm 2003 về công tác tại cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngay ngày đầu, ông Hà Văn Núi đã được Ban Thường trực nhận ra tố chất của một người làm phong trào. Đúng với sự tin tưởng ấy, đảm nhận chức Trưởng Ban Phong trào, ông cứ miệng nói tay làm, xông xáo, năng nổ không ngại khó, ngại khổ và càng không ngại đến với dân. Ông bảo, thời gian ấy mình gắn bó với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” như cơm ăn nước uống hàng ngày. Đau đáu với từng nội dung của cuộc vận động xem  đã làm được gì, chưa làm được gì để tự điều chỉnh. 

“Tôi đã đi được hầu khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đi để nắm bắt được đời sống của người dân, xem họ nghĩ gì, cần gì từ đó mình mới tư vấn cho Ban Thường trực chọn nội dung vận động phù hợp. Ví như nơi cuộc sống của đồng bào nghèo khó thì chọn công tác xóa đói giảm nghèo, xây nhà đại đoàn kết. Rồi những nơi tệ nạn xã hội phức tạp, buôn bán ma túy, nghiện hút… thì làm về phòng, chống tệ nạn xã hội. Hay có nơi chọn nội dung xây dựng đời sống văn hóa, chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…” - Ông Núi bảo, những người cán bộ làm công tác phong trào như tôi hoàn thành được nhiệm vụ chỉ đơn giản là nhờ bám sát dân, bám cơ sở.

Lăn lộn với công tác phong trào một thời gian dài, ông tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn nên luôn tâm niệm, người Mặt trận phải là người biết khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Mặt trận chính là sợi dây kết nối những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân với Đảng, chính quyền. “Chỉ có va chạm với thực tế, với đời sống của người dân thì mới phát hiện ra những bất cập trong các chủ trương, chính sách sau đó đề xuất, phản biện với các cơ quan Đảng và Nhà nước bổ sung, chỉnh sửa để những chính sách đó ngày càng sát hợp với đời sống của người dân” - ông chia sẻ.

Theo ông thì khó khăn của đồng bào các dân tộc và miền núi là muôn thủa, bởi điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí của người dân chưa cao... MTTQ thông qua các phong trào, các cuộc vận động để vận động nhân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhưng để làm được việc đó, người Mặt trận phải là người không ngại khó khăn, sẵn sàng đến với những người nghèo, những vùng gian khó để  khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp nhau cùng thoát nghèo. 

Việc nào cũng là vì dân

Xác định, đã làm công tác Mặt trận thì việc nào cũng là vì dân, vì khối đại đoàn kết toàn dân tộc thế nên khi được phân công đảm nhiệm Trưởng ban Kinh tế - Đối ngoại cũng như khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phụ trách công tác dân tộc - tôn giáo, ông không coi đó là sự thăng tiến trong quan trường mà chỉ đơn giản là nhận thêm trách nhiệm với Mặt trận, với dân và để tiếp tục góp phần xây dựng đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện hài hòa việc đạo, việc đời. 

“Việt Nam là đất nước đa tôn giáo. Chúng ta có tới 41 tổ chức, hệ phái tôn giáo. Mỗi tôn giáo lại có giáo lý , giáo luật, có sinh hoạt riêng. Muốn tập hợp đoàn kết đồng bào các dân tộc và các tôn giáo thì trước hết phải hiểu biết về các dân tộc, các tôn giáo đó; phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng dân tộc, từng tôn giáo thì mới có thể vận động họ tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là các phong trào, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động như  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”… 

Thời gian phụ trách công tác Tôn giáo ở Mặt trận Trung ương, bận đến đâu thì bận nhưng người ta vẫn thấy ông luôn có mặt ở các hoạt động, các cuộc sinh hoạt tôn giáo. Đặc biệt là các ngày lễ trọng của mỗi tôn giáo, từ Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo... 

“Tôi luôn có cảm nhận sự có mặt của cán bộ Mặt trận có sức lan tỏa rất tốt, làm ấm áp thêm tinh thần đoàn kết, yêu thương. Ở đó, người cán bộ MTTQ phải  luôn cố gắng để truyền tải được đầy đủ thông tin, chính sách pháp luật về tôn giáo tới đồng bào các tôn giáo. Đặc biệt phải thể hiện được đúng tình cảm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với đồng bào các tôn giáo. Đó chính là cơ sở của việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Núi chia sẻ. 

28 năm tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (từ khóa III đến VIII) và 11 năm công tác ở cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam, trải qua nhiều vị trí công tác, ông luôn tâm niệm tất cả mọi việc nếu chỉ có cá nhân thì không thể làm được mà phải dựa vào sức mạnh, trí tuệ của cả tập thể. 

Chẳng thế ngoài vai Phó Chủ tịch phụ trách công tác dân tộc - tôn giáo, ông còn được phân công kiêm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng khác. Người ở cơ quan 46 Tràng Thi luôn thấy hình ảnh một vị Chủ tịch Công đoàn Cơ quan TƯ MTTQ năng nổ, hoạt bát; một Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Liên doanh Đoàn kết quốc tế (tổ chức kinh tế duy nhất của Mặt trận) năng động và kiên quyết. Ông luôn cho rằng, làm bất cứ việc gì cũng đều trên tinh thần vì tập thể. Đã là một cơ quan, thì không tránh khỏi có việc này, việc khác thế nhưng nếu  được giải quyết hợp tình, hợp lý, bảo vệ quyền lợi chung của tập thể thì ắt sẽ thuyết phục được mọi người thôi. 

Có một điều mà nhiều người luôn cảm nhận được từ ông đó là tính sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Và mặc dù theo lời ông thì cái tính “thẳng như ruột ngựa” ấy đôi lúc khiến không ít người cùng cộng tác với mình phật lòng. “Thế nhưng sau này hiểu ra, anh em lại càng thân thiết hơn, bởi tất cả đều vì lợi ích tập thể chứ không phải tranh giành, bảo vệ quyền lợi của riêng ai”.

Về nghỉ hưu cũng được mấy  năm, thế nhưng cái tên Hà Văn Núi vẫn được nhiều người nhắc đến. Ngoài là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, hiện ông còn đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi. “Tôi nhận làm vì hồi còn công tác ở Mặt trận Trung ương, đi nhiều nên hiểu, đời sống của đồng bào vùng cao còn vô vàn khó khăn. Mình còn sức khỏe lại có kinh nghiệm, có mối quan hệ vậy thì phải tận dụng để giúp cho bà con chứ”. 

Cứ quan niệm như vậy nên chẳng có kỳ cuộc nào của Mặt trận ông không tham gia, kể cả khi trái nắng trở trời. Và đặc biệt những ý kiến tham góp cho công tác Mặt trận vẫn vậy - chân thành, thẳng thắn và tràn đầy nhiệt huyết.    

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản