|
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Toạ đàm |
Phát biểu định hướng một số nội dung trao đổi tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, là nền tảng trụ cột cho sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội. Nhận định này đã được kiểm chứng qua các giai đoạn của lịch sử đất nước, đặc biệt là qua biến cố đại dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân đang là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại đáng sống mà người dân là chủ thể. Xác định được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM), trong những năm qua, với trách nhiệm đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, MTTQ Việt Nam đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó vận động nhân dân tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để có cơ chế thực hiện chương trình xây dựng NTM thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Đảng đoàn, Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 15/12/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. UBTƯ MTTQ Việt Nam ký Nghị quyết Liên tịch với Chính phủ về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
"Trong các văn bản lãnh đạo của Đảng, các Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và trong các kế hoạch, chương trình hành động của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều khẳng định: ngoài nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng NTM thì MTTQ Việt Nam cần tăng cường công tác giám sát thực hiện xây dựng NTM góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu.
|
Đại biểu tham dự Toạ đàm |
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát của MTTQ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về cơ chế cần thiết để MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở hiện nay là gì; các nội dung, lĩnh vực giám sát. Thảo luận về các điều kiện và các nguồn lực đảm bảo gồm nguồn lực về cán bộ, con người; điều kiện kinh phí và các phương tiện hỗ trợ… để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát. Trao đổi về những khó khăn vướng mắc trong giám sát xây dựng nông thôn mới. Trao đổi một số cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức giám sát xây dựng nông thôn mới của địa phương làm cơ sở để các địa phương có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.
“Mục đích của toạ đàm là thông qua các ý kiến trao đổi, tập hợp những vấn đề từ thực tiễn, hiệu quả cách làm từ cơ sở để biên tập lại thành những mô hình, những điển hình hay. Đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị với chính phủ với các bộ ngành để có cơ chế giải quyết những khó khăn vướng mắc cho hệ thống Mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ giám sát trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
|
Chủ trì Toạ đàm |
Theo thống kê, hiện cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 340 xã so với cuối năm 2022 và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 đơn vị so cuối năm 2022; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021 - 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được gần 532.000 cuộc. Về lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Mặt trận các cấp đã tổ chức giám sát được hơn 98.400 cuộc; trong đó cấp tỉnh hơn 2.300 cuộc, cấp huyện gần 12.300 cuộc, cấp xã gần 84.000 cuộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tổ chức lấy được trên 2,6 triệu lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tại buổi tọa đàm, đại diện Mặt trận Tổ quốc các các, tỉnh thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung trao đổi, thảo luận về công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới; chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp yêu cầu của địa phương như: thực hiện các tiêu chí về môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, kết quả thực hiện các tiêu chí về nhà ở, phát triển ngành nghề, làng nghề, cơ sở y tế, trường học, an ninh trật tự... Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Toạ đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã có sự chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những kiến nghị sau giám sát ở một số địa phương có chất lượng tốt, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, nhất là các kiến nghị sau giám sát, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: Việc tổ chức triển khai giám sát ở một số nơi còn lúng túng, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, tiếp thu, phản hồi sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao...
Bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, các ý kiến và trao đổi của các đại biểu tại tọa đàm sẽ giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung, cơ chế trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.
PV