Tin mới

Khung lý thuyết về mô hình liên kết của các tổ chức xã hội ở Việt Nam

(Mặt trận) - Mô hình liên kết của các tổ chức xã hội (TCXH) ở Việt Nam có thể được xem xét ở ba cấp độ vi mô, trung mô và vĩ mô. Liên kết vi mô là liên kết các cá nhân, nguồn lực trong từng tổ chức. Liên kết trung mô là liên kết các tổ chức tạo thành mạng lưới các TCXH. Liên kết vĩ mô là liên kết các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Ảnh minh họa. Thời báo Ngân hàng

1. Liên kết các cá nhân, nguồn lực trong từng tổ chức (liên kết vi mô)

Theo Lý thuyết hệ thống xã hội tổng quát của Talcott Parsons (1902 – 1979, nhà Xã hội học người Mỹ), một tổ chức để thích ứng với môi trường, để đạt được các mục tiêu xác định, hay để duy trì được những khuân mẫu về động lực, văn hóa, phương thức quản lý thì trước hết, cần phải có sự liên kết, phối hợp tốt giữa các lực lượng, các thành phần bộ phận của nó.

Qua phân tích các vai trò thực tế của các TCXH, ta có thể rút ra nguồn gốc, lý do của sự ra đời các TCXH là nhằm các mục tiêu sau: (1) Liên kết cá nhân và nhóm để thích ứng với môi trường xã hội; (2) Liên kết để đạt được các mục tiêu của TCXH; (3) Liên kết để duy trì khuôn mẫu (giá trị, lý tưởng chung) trong bản thân TCXH.

Liên kết để thích ứng với môi trường:

Thành viên của các TCXH đại diện cho nhiều thành phần, nhiều nhóm xã hội, liên kết với nhau theo tinh thần tự nguyện, tự giác. Các cá nhân trên cơ sở phát huy năng lực, sở trường đóng góp và tạo nên tiềm lực, sức mạnh cho tổ chức. Tuy nhiên, dù theo tôn chỉ mục đích gì, điều đầu tiên các TCXH phải hướng tới là phải làm cho tổ chức mình thích nghi, thích ứng được với môi trường xã hội, môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, môi trường chính trị bao quanh nó. Các mục tiêu hành động của TCXH chỉ có thể được thực hiện trước hết trong khuôn khổ pháp luật cho phép và được cộng đồng ghi nhận. Do vậy, các thành viên trong các TCXH liên kết với nhau trước hết là để đảm bảo và duy trì sự thích ứng của tổ chức mình với môi trường xung quanh.

Liên kết để cá nhân thích ứng với môi trường xã hội có thể được xem xét qua 3 chỉ báo:

- Mức độ tham gia (bề rộng, chiều sâu)

- Lý do tham gia 

- Phương thức tham gia

Liên kết cá nhân để đạt mục tiêu:

Tác động tới chính sách nhà nước, thúc đẩy quyền con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát huy các nguồn lực nhằm đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, thỏa mãn các nhu cầu xã hội v.v.. trở thành những mục tiêu cơ bản của các TCXH. Để thực hiện được điều này, các TCXH đều phải tiến hành tổ chức vận động, tập hợp, thu hút sự quan tâm, sự tham gia của xã hội, cộng đồng. Mạng lưới các TCXH ngày càng lớn mạnh chính là nhờ đặc điểm này.

Mục đích theo đuổi là yếu tố quan trọng quyết định đến kiểu loại tổ chức và cấp độ của TCXH. Các tổ chức chính trị - xã hội có lượng thành viên đông đảo, với thành phần thuộc tất cả các tầng lớp xã hội hướng tới các mục tiêu mang tầm quốc gia. Các hội nghề nghiệp thường là không gian cho những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một lĩnh vực ngành nghề cụ thể. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương có lượng thành viên nhỏ nhưng hoạt động mang tính định hướng cao do những nhu cầu thiết thân đặt ra. Các tổ chức cộng đồng (CBO) hay các nhóm không chính thức có lượng thành viên rất đa dạng, thuộc những thành phần xã hội khác nhau, tuỳ theo mục đích riêng biệt, hầu hết được thành lập ở cấp địa phương.

Như vậy, thành viên của các TCXH đại diện cho nhiều thành phần, nhiều tầng lớp trong xã hội. Với mục tiêu theo đuổi chung, đôi khi chỉ đơn giản là sở thích giống nhau, các cá nhân sẵn sàng liên kết, tạo nhóm, xây dựng một cộng đồng những người cùng ý tưởng, cùng chí hướng để theo đuổi mục đích đã đặt ra.

Liên kết để đạt được các mục tiêu có thể được xem xét qua 4 chỉ báo:

- Tác động tới chính sách công

- Duy trì trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các công ty tư nhân

-Trao quyền cho công dân

-  Đáp ứng sự quan tâm và nhu cầu của xã hội

Liên kết cá nhân để duy trì khuân mẫu (giá trị, lý tưởng chung):

Những nguyên tắc phi lợi nhuận, độc lập với nhà nước, tự chủ, tự chịu trách nhiệm luôn được các TCXH đề cao. Đó được coi là các đặc trưng để huy động, kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn xã hội vào hoạt động của các TCXH.  

Quá trình duy trì khuân mẫu trong bản thân các TCXH phụ thuộc rất lớn vào mức độ kết nối của các thành viên. Ý chí chung, tinh thần tập thể, khả năng phối hợp công việc, sự đồng lòng trong đối mặt với các tình trạng căng thẳng của tổ chức là những đòi hỏi nhằm duy trì khuân mẫu. Điều này chỉ có thể đạt được khi có sự liên kết, gắn bó của các thành viên trong tổ chức.

Hoạt động của các TCXH thường được căn cứ vào hệ thống các nguyên tắc bao gồm tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, cơ chế tổ chức, các quy trình thủ tục về gia nhập và rời bỏ hiệp hội, các tiêu chí thành viên, quyền lợi, nghĩa vụ và đóng góp tài chính của thành viên. Những nguyên tắc đó vừa là cơ sở để duy trì các khuân mẫu tổ chức, vừa là cơ sở để duy trì sự liên kết các thành viên.

Liên kết để duy trì khuôn mẫu trong bản thân TCXH có thể được xem xét thông qua 5 chỉ báo:

- Thực hành dân chủ

- Minh bạch tài chính

- Thúc đẩy tính khoan dung

- Thúc đẩy phi bạo lực

- Thúc đẩy bình đẳng giới
2. Liên kết các tổ chức tạo thành mạng lưới các TCXH (liên kết trung mô)

Các TCXH luôn có xu hướng liên kết, liên hiệp lại để hình thành tập hợp các tổ chức, hiệp hội, mạng lưới. Cơ sở của việc liên kết thường thông qua các đặc trưng về loại hình tổ chức như tính tự nguyện, tự chủ, phi chính phủ, phi lợi nhuận... Tuy nhiên, lý do phổ biến nhất liên kết các TCXH là cùng mục tiêu.

Các tổ chức liên kết với nhau thông qua việc theo đuổi các sứ mạng riêng, nhưng đều vì mục tiêu tìm kiếm sự công bằng, bình đẳng, tìm kiếm các nguồn lực cho sự phát triển của cá nhân và kiềm chế sự lấn át, lạm dụng quyền lực của bộ máy nhà nước và sự thương mại hóa của thị trường.

Hệ thống các TCXH được tổ chức theo nhiều cấp bậc, từ cấp liên hiệp ở trung ương, đến cấp hội ở địa phương, từ cấp mạng lưới quốc tế đến cấp đại diện ở từng quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ. Bên trong mạng lưới các TCXH là một tập hợp các tổ chức XH được xác định chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động cụ thể theo từng lĩnh vực ngành nghề, môi trường, phạm vi lĩnh vực tác động riêng. Trừ những nhóm quần chúng, phần lớn các TCXH có bộ máy nhân sự điều hành cơ hữu rõ ràng, có mạng lưới cán bộ kiêm nhiệm, cộng tác viên; có tài khoản, quy chế, nội quy hoạt động.

Như vậy, bản thân mạng lưới các TCXH lại là một hệ thống xã hội, tập hợp đông đảo và rộng lớn các thành phần xã hội, các nhóm xã hội theo đuổi những mục tiêu, nhiệm vụ, ý nguyện riêng – thực hiện các chức năng, thể hiện các vai trò xã hội độc lập.

Xét riêng về mô hình liên kết trung mô nhằm tạo thành mạng lưới các TCXH, có hai nguồn gốc để liên kết. Thứ nhất là liên kết để hình thành mạng lưới. Thứ hai là liên kết để phân bổ nguồn lực và điều hòa mối quan hệ giữa các TCXH. Mỗi vấn đề này có thể được xem xét qua hệ thống chỉ báo cụ thể sau đây:

(1) Liên kết để hình thành mạng lưới XHDS có thể được xem xét qua 2 chỉ báo:

- Liên kết dọc theo cấp độ trung ương – địa phương.

- Liên kết ngang theo lĩnh vực hoạt động.

(2) Liên kết để phân bổ nguồn lực và điều hòa mối quan hệ giữa các TCXH có thể được xem xét qua 2 chỉ báo:

- Phân bổ và chia sẻ nguồn lực giữa các TCXH.

- Điều hòa mối quan hệ giữa các TCXH.
3. Liên kết các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội (liên kết vĩ mô)

Xét về phạm vi, môi trường hoạt động, lực lượng của các TCXH nằm trong cả 3 nhóm chủ thể nhà nước, thị trường và gia đình. Do vậy, các TCXH không những đóng vai trò giúp ba nhóm chủ thể này liên kết với nhau, mà còn tạo ra mối liên kết giữa các cộng đồng với nhà nước, thị trường và gia đình.

+ Trong hệ thống bộ máy nhà nước, các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh v.v.. vừa nằm trong sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của bộ máy cơ sở Đảng và chính quyền các cấp, lại vừa theo đuổi mục tiêu tập hợp và bảo vệ quyền lợi cho các nhóm đối tượng liên quan (vai trò cơ bản của các TCXH). Như vậy, các TCXH đóng vai trò liên kết giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức quần chúng nhân dân.

+ Trong thị trường có các hội, hiệp hội, nghiệp đoàn đại diện cho các ngành nghề với các mục tiêu xúc tiến thương mại hay bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại. Bên cạnh đó, trong thị trường còn bao gồm các tổ chức, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi gian lận thương mại. Các dạng tổ chức đại diện cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có thể được coi là các TCXH. Như vậy, các TCXH đóng vai trò liên kết giữa cộng đồng và thị trường.

+ Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội. Tuy nhiên, gia đình lại được coi là cơ sở xây dựng lên các thiết chế dòng họ, làng xã với hệ thống hương ước, gia phong. Các thiết chế này tạo ra một không gian sinh hoạt đặc trưng của các TCXH ở tính định hướng cá nhân theo đuổi các giá trị, chuẩn mực riêng mà không phụ thuộc vào pháp luật của nhà nước hay quy luật kinh tế của thị trường. Như vậy, các TCXH cũng đóng vai trò liên kết gia đình với hệ thống xã hội chung.

Một điểm đặc biệt, ở Việt Nam, khác với kiểu chỉ quan hệ với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước và Thị trường theo chiều ngang như ở các nước phương Tây, cũng như không đơn thuần mang tính hành chính theo chiều dọc, các TCXH quan hệ theo cả hai chiều. Bởi thành phần của các TCXH nằm trong cả hai nhóm chủ thể Nhà nước, Thị trường. Từ đó cho thấy, vị trí đặc biệt của các TCXH trong cấu trúc xã hội Việt Nam, vừa với tư cách là một chủ thể xã hội có quan hệ ngang cấp với nhà nước và thị trường, vừa đóng vai trò liên kết giữa nhà nước và thị trường với nhau.  

Khi xem xét cụ thể từng mối liên kết xã hội ở cấp độ vĩ mô (liên kết các thành phần cơ bản của cấu trúc xã hội với nhau), ta có thể nhận rõ vai trò của các TCXH thông qua ba cặp liên kết, với các chỉ báo cơ bản sau đây: 

(1) Liên kết Cộng đồng với Nhà nước: thông qua 03 chỉ báo:

- Tham gia xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

- Tham gia xây dựng và thực thi ngân sách Nhà nước.

- Tham gia cung cấp một số dịch vụ công cơ bản.

(2) Liên kết Cộng đồng với Thị trường: thông qua 03 chỉ báo:

- Khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế.

- Bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, của người tiêu dùng.

- Tập hợp các pháp nhân kinh tế để thiết lập quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin; bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại.

(3) Liên kết Thị trường với Nhà nước: thông qua 02 chỉ báo:

- Xúc tiến thương mại quốc gia.

- Phản biện xã hội đối với các chính sách kinh tế của nhà nước.

Nhạc Phan Linh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản