Tin mới

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Thực tiễn đòi hỏi Đảng cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). Ảnh: TL

Từ quan điểm Hồ Chí Minh về công tác dân vận…

Dân vận là gì? Hồ Chí Minh giải thích: dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho (1).

Tại sao phải dân vận? Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước dân chủ, Hồ Chí Minh khẳng định, nhà nước mà chúng ta xây dựng là nhà nước dân chủ, nghĩa là một nhà nước của dân, do dân và vì dân: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân/ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (2). Người luôn căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3), “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu; khó trăm lần dân liệu cũng xong”(4). Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nước nhà cần có chung sức của nhân dân vì “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”(5). Nhưng để mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với nhân dân, để nhân dân hiểu và làm theo thì không phải một chuyện đơn giản. Nhân dân sẵn lòng ủng hộ Đảng, Nhà nước “một khi họ hiểu rõ chính sách ấy là rất đúng”(6). Do vậy Người lưu ý, chúng ta không thể chỉ dùng báo chí, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị, nghị quyết là đủ mà phải làm công tác dân vận. Người nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(7).

Ai làm công tác dân vận? Hồ Chí Minh khẳng định, công tác dân vận không phải là việc riêng của một người hay của một tổ chức, một cơ quan, đơn vị nào đó mà là trách nhiệm của tất cả cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kể cả hội viên của các tổ chức nhân dân(8).

Nhiệm vụ của người làm công tác dân vận? Hồ Chí Minh cho rằng, những người làm công tác dân vận có nhiệm vụ “giải thích rõ ràng, rất rõ ràng chính sách của Đoàn thể và Chính phủ cho mọi người dân đều hiểu thấu, để cho mọi người dân hăng hái ủng hộ triệt để và thi hành triệt để chính sách đó”(9), nghĩa là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ việc đó là lợi ích cho họ và là nhiệm vụ của họ để họ phải hăng hái làm cho kỳ được; bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành; trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

Phẩm chất của người làm công tác dân vận? Bất cứ một lĩnh vực nào cũng có tính đặc thù của nó, dân vận cũng vậy! Đây là hoạt động tác động trực tiếp với những con người cụ thể, với những tập thể, cộng đồng, giai tầng xã hội, vì sự phát triển của đất nước. Đó vừa là khoa học, đồng thời là nghệ thuật của công tác vận động, tập hợp quần chúng của Đảng và Nhà nước. Điều đó có nghĩa, dân vận là công việc đem đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân, để họ hiểu, tin tưởng và làm theo thì đòi hỏi phải “dân vận khéo”. Vì thế, Hồ Chí Minh cho rằng, những người làm dân vận phải hội đủ các phẩm chất sau: “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(10); trong công việc phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, phải làm việc chứ không nói suông, phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm; không được coi khinh, xem thường công tác dân vận; phải nhận thấy mình cũng có trách nhiệm trong công tác dân vận; phải “Tự mình hiểu rõ 100 phần 100 chính sách ấy/ Hiểu rõ dân 100 phần 100/ Có kế hoạch dân vận thật rõ ràng, thật thiết thực/ Tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì mọi người dân mới nghe/ Làm việc với tinh thần Thi đua ái quốc”(11).

… Đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận hiện nay

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, thương bệnh binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mỗi giai đoạn cách mạng, các cấp ủy đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận. Trong những năm vừa qua, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sâu sát công tác dân vận trong tình hình mới.

Sau Đại hội Đảng XII, hệ thống dân vận các cấp đã được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ tham mưu công tác dân vận ngày càng được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhận thức của hệ thống chính trị đối với vị trí, vai trò công tác dân vận được nâng lên. Chính quyền các cấp chú trọng hơn công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; triển khai chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện có kết quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Bên cạnh đó, ngành Dân vận sớm triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt vai trò tham mưu cho Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Nhờ vậy, công tác dân vận đã góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước và từng địa phương(12).

Với những kết quả trên, có thể khẳng định, công tác dân vận thực sự có ý nghĩa chiến lược với sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận từng bước đi sâu vào nhận thức, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác dân vận trong năm qua cũng còn có hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận cần phải chú ý đến một số giải pháp sau:

- Các đơn vị địa phương trong công tác dân vận của Đảng cần nắm chắc tình hình; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, nhất là nắm bắt diễn biến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân.

- Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận chính quyền, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận cao, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới do Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

- Tiếp tục thực hiện việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới; Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị; Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh; Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sátviệc thực hiện công tác dân vận.

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập của Ðảng, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, công tác dân vận và toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đổi mới, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tiến tới thực hiện quy chế “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; mỗi cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền phải thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, thiết nghĩ tự mỗi người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

-----------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.6, Tr.232.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.6, Tr.232.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.10, Tr.453.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.15, tr.279, 280.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.2, tr.283.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.278.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.233.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.278.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.233-234.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.279.

12. Đặng Hà, Tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2016, Cổng thông tin điện tử Quảng Bình, 6/1/2017.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản