TS. Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Trong đó, việc phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH), của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là một giải pháp rất quan trọng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra một nguyên nhân cụ thể dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm trong nội bộ Đảng, là: "Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể CT-XH, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao". Sự hạn chế đó biểu hiện ở một số mặt sau đây: (1). Không ít vụ việc tiêu cực được quần chúng nhân dân phát hiện, nhưng không được cấp ủy, tổ chức đảng ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, thậm chí còn có hiện tượng bao che; (2). Việc tổ chức để quần chúng tham gia góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, nhiều nơi còn mang tính hình thức, nhận xét, góp ý chung chung hoặc chỉ một chiều ca ngợi vì ngại va chạm; (3). Một bộ phận quần chúng nhân dân có biểu hiện không tin tưởng vào cách giải quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, nên dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi, sử dụng đất; (4). Tình trạng khiếu kiện nặc danh vẫn diễn ra nhiều, tuy không được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhưng vẫn gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội…
Những hạn chế, tiêu cực nêu trên đều do việc lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của mặt trận và các đoàn thể chưa tốt. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thì có hiện tượng thiếu khách quan hoặc bị các "nhóm lợi ích" thao túng trong xử lý vụ việc; không bảo vệ người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo đúng đắn; hoặc chưa có giải pháp mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, góp ý phê bình xuất phát từ những động cơ tiêu cực, bị kẻ xấu lợi dụng. Mặt trận và đoàn thể có thời điểm chưa làm tốt vai trò là chỗ dựa để quần chúng nhân dân thực hiện phê bình, góp ý và giám sát cán bộ, đảng viên; hoặc chưa tuyên truyền, giải thích, đấu tranh để những người khiếu kiện, viết đơn, thư tố cáo chưa đúng pháp luật; chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.
Để nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị phải làm tốt công tác tư tưởng để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tính cấp bách của nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đặc biệt, phải làm cho toàn Đảng, toàn dân thấy rõ tính quyết liệt của việc ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Trung ương đã xác định. Trong lúc này rất cần quán triệt đầy đủ, thực hiện triệt để lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: Hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình để quần chúng nhân dân tin tưởng và thực hiện việc phê bình, góp ý kiến xây dựng Đảng với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của mình.
Một yêu cầu quan trọng trong giải pháp này là muốn nhân dân tin vào Đảng và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự quyết tâm, tỏ rõ thái độ nghiêm túc, quyết liệt khắc phục cho được những suy thoái trong tổ chức, nội bộ đã được chỉ ra. Các tổ chức, cấp ủy phải thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá đúng thực tiễn, rút ra những bài học trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI để có chủ trương, biện pháp đúng đắn, khả thi trong triển khai thực hiện NQTƯ4 khóa XII. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải chỉ ra được những vấn đề, vụ việc cụ thể mà cá nhân, tập thể đã vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm cùng với phương pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa, không đánh giá chung chung. Nếu không làm được điều đó thì ngay trong cấp ủy, tổ chức đảng sẽ nảy sinh tình trạng: Với những sai phạm, khuyết điểm theo đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng thì cán bộ, đảng viên nào cũng thấy có mình ở trong đó, nhưng không ai nhận ra trách nhiệm của mình ở đâu, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, mà quy kết hoàn toàn là do tập thể.
Tạo cơ chế thực sự để nhân dân thực hiện quyền giám sát phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật để nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam và đoàn thể của mình giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ở từng cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân; tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII được ban hành tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII. Trong đó, tổ chức để nhân dân thực hiện giám sát và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ bằng các hình thức: Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp thực hiện nghiêm túc định kỳ và đột xuất tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp thông tin, ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về những nội dung liên quan đến suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý, thông tin kết quả thực hiện cho nhân dân biết. MTTQ Việt Nam phối hợp thật tốt, có hiệu quả với báo chí trong việc giám sát, đấu tranh ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện về suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Triển khai có hiệu quả Giải Báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trên cơ sở những nội dung đã thống nhất với Chính phủ về hoạt động giám sát giai đoạn 2016-2020...
Đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội bằng việc xây dựng luật về dân chủ trên cơ sở những kết quả đạt được sau khi tổng kết Pháp lệnh dân chủ cơ sở. Đây là giải pháp vừa giúp đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng "lợi ích nhóm", vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời thực hiện ngay việc "Xây dựng và thực hiện quy định việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp".
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Bộ Chính trị sớm ban hành cơ chế thực hiện "Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của MTTQ Việt Nam" để khắc phục tình trạng các tổ chức đảng và lãnh đạo cấp ủy Đảng mới chỉ thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận, còn vai trò thành viên thì chưa rõ.
Thực hiện tốt vai trò giám sát của nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng nhất định sẽ nâng cao sự vững mạnh của cấp ủy, tổ chức đảng, củng cố sự liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
TS. Lê Bá Trình - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam