Tin mới

Thuyết Tam tòng, Tứ đức và ảnh hưởng của nó đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) - Tại Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới. Trải qua ba mươi năm quá trình đổi mới của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó đổi mới kinh tế là nền tảng. Trong công cuộc đổi mới Đảng ta luôn xác định, con người là yếu tố quan trọng hàng đầu, trong đó, người phụ nữ là lực lượng đông đảo nắm vai trò to lớn trong gia đình và xã hội. Người phụ nữ Việt Nam ngày nay hướng tới vẻ đẹp toàn diện, trí tuệ, giỏi việc nước đảm việc nhà, tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

1. Thuyết Tam tòng, Tứ đức trong Nho giáo

Nho giáo ra đời thời Xuân Thu - Chiến Quốc, thời kỳ mà tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trước tình hình đó, các nhà tư tưởng của Nho giáo đã lý giải các vấn đề xã hội và họ muốn tìm ra phương pháp đưa xã hội từ loạn lạc tới thịnh trị. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, thực chất Nho giáo là đạo trị nước.

Nội dung giáo dục đạo đức cho con người của Nho giáo tập trung ở các phạm trù cơ bản như Tam cương, Ngũ thường, Chính danh. Đối với người phụ nữ, nội dung giáo dục đạo đức của Nho giáo thể hiện thông qua thuyết Tam tòng, Tứ đức.

Nho giáo được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Khi vào Việt Nam, nó được cải biến đi cho phù hợp với tính chất ôn hòa vốn có của người Việt. Trong quá trình tồn tại, giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng Nho giáo làm công cụ để thiết lập ổn định trật tự xã hội và duy trì sự thống trị của giai cấp cầm quyền. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, Nho giáo đã có chỗ đứng nhất định trong đời sống tư tưởng của người Việt. Trong các nội dung đạo đức của Nho giáo thì thuyết Tam tòng, Tứ đức là những quy phạm giáo dục đạo đức cơ bản đối với người phụ nữ. Tư tưởng này đã có ảnh hưởng rất sâu sắc đến vai trò, vị trí, cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Thuyết Tam tòng, Tứ đức trên chặng đường dài của lịch sử dân tộc đã đóng góp những giá trị nhất định làm nên vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

2. Ảnh hưởng của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Trước hết, thuyết Tam tòng, Tứ đức có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, nề nếp gia đình để ổn định trật tự xã hội

Hiện nay, việc phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta đang tồn tại hai vấn đề tích cực và hạn chế. Một trong những hạn chế của nó đó là các giá trị đạo đức đã và đang có sự thay đổi tiêu cực như Nho giáo đã ví là con người ứng xử với nhau không “chính danh”. Chính vì vậy, thuyết Tam tòng, Tứ đức như là chuẩn mực kéo người phụ nữ hiện đại hành động đứng với chức năng và vai trò của họ.

Thuyết Tam tòng, Tứ đức giúp cho giá trị của người phụ nữ được nâng cao. Nó không phân biệt đẳng cấp, địa vị, giàu nghèo, độ tuổi, vùng miền, học vấn... Những người phụ nữ nông thôn, miền núi, không có nhiều điều kiện học tập vẫn có khả năng rèn luyện thành người đảm đang, giỏi giang, hết lòng vì chồng con. Nêu cao tinh thần và phương pháp tự học, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức như cơm ăn nước uống hàng ngày. Thuyết Tam tòng, Tứ đức góp phần tích cực trong việc giáo dục các phẩm chất đạo đức cá nhân tốt đẹp cho phụ nữ Việt Nam ngày nay. Góp phần làm nên những phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam đúng với 8 chữ vàng mà Hồ Chủ tịch đã ưu ái đề tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Thứ hai, thuyết Tam tòng, Tứ đức góp phần giáo dục người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp hình thức và nội dung đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội

Thuyết Tam tòng, Tứ đức góp phần giáo dục người phụ nữ toàn diện theo các đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Xã hội càng hiện đại thì người phụ nữ càng phải biết học và hoàn thiện mình theo giá trị của Tứ đức để đẹp cả về hình thức và nội dung.

Chữ công, theo quan niệm của Nho giáo “nữ nội, nam ngoại” nền trong thời phong kiến, môi trường làm việc của người phụ nữ là ở trong gia đình, giỏi nấu ăn, thêu thùa, may vá để phục vụ chồng con còn việc xã hội là của nam giới. Người con gái ở nhà được cha mẹ dạy đức công nhằm mục đích đi lấy chồng để biết làm lụng phục vụ gia đình nhà chồng.

Trong chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò làm con, làm vợ, làm mẹ. Trước hành động xâm lược dã man của đế quốc Mỹ ở miền Nam, tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ miền Bắc. Đây là phong trào cách mạng của quần chúng phụ nữ, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua, phát huy sức mạnh to lớn của hàng chục triệu phụ nữ trên mọi lĩnh vực hoạt động, đoàn kết cùng nhân dân và phụ nữ miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lịch sử mãi mãi khắc ghi những chiến công vẻ vang, những hành động anh hùng quả cảm, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của những người phụ nữ Việt Nam như Võ Thị Sáu, 10 cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc. Đề cao vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến tranh, Hồ Chí Minh đã nói: “Nhân dịp 8/3 tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chúc các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ”.

Ngày nay, nội dung của đức công không bị bó hẹp trong phạm vi gia đình mà ngày càng mở rộng hơn trong lĩnh vực xã hội (bao hàm trong nước và quốc tế). Trong thời đại mới, quan niệm về nội dung, tính chất công việc của người phụ nữ được nhìn nhận ở hai phương diện: đảm đang công việc gia đình, tổ chức đời sống vật chất và tinh thần một cách hợp lý. Và bằng năng lực của mình, họ tham gia vào công việc xã hội để tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao tri thức cá nhân và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Dung theo quan niệm của Nho giáo được hiểu là vẻ đẹp hình thức, thể hiện qua dáng vẻ tự nhiên kết hợp với trang phục, trang điểm tạo nên sự đoan trang nói chung. Vẻ đẹp hình thức luôn gắn với vẻ đẹp tâm hồn, tính cách, ứng xử. Nho giáo luôn chú trọng việc xây dựng một vẻ đẹp hoàn thiện đối với người phụ nữ. Quan niệm của Nho giáo về đức dung đã góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Những giá trị tích cực của dung vì vậy vẫn còn ảnh hưởng trong xã hội ngày nay. Xã hội mới có nhiều biến đổi trên nhiều lĩnh vực, quan niệm về cái đẹp có thêm nhiều tiêu chí mới, nhưng chuẩn mực về cái đẹp thùy mị, duyên dáng, nữ tính vẫn có giá trị đối với con người hiện đại.

Phụ nữ ngày nay không chỉ biết làm đẹp cho bản thân mà còn biết làm đẹp cho ngôi nhà của mình, cho chồng con. Để góp phần vào việc xây dựng cảnh quan văn hóa gia đình, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bài trí, sắp xếp các vật dụng trong nhà một cách khoa học, thẩm mỹ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các thành viên. Đây là nội dung mới của đức dung hiện đại, nó được bắt nguồn từ văn hóa truyền thống xưa.

Ngôn được chú trọng về ngôn từ nhã nhặn, kín đáo, âm thanh của lời nói nhỏ nhẹ, dễ nghe. Lời nói đẹp còn phải gắn liền với cử chỉ phù hợp. Nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ đúng phép tắc, thể hiện sự đoan trang của một người phụ nữ.

Ngày nay, do yêu cầu của sự phát triển đất nước, tăng trưởng kinh tế gắn liền với dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội. Tính chất công việc mà nữ giới đảm nhận trong thời kỳ này rất phức tạp, vì thế không thể lúc nào, ở đâu, họ cũng khép nép, thưa, bẩm như người phụ nữ xưa. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, ngôn từ trong giao tiếp đang dần được trí tuệ hóa, khoa học hóa. Cách thức chuyển tải thông tin cũng không thuần túy chỉ có lời nói trực tiếp kèm theo cử chỉ, điệu bộ như xưa, nó được đa dạng hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một yêu cầu nhưng đồng thời cũng là ưu thế của thời đại công nghiệp. Mặt khác, nó cũng chính là thách thức đối với việc gìn giữ giá trị của tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Hạnh là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá phẩm chất của con người là đạo đức. Đạo đức trở thành chuẩn mực để đánh giá con người trên mọi lĩnh vực. Chính vì lẽ đó, khi giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng tứ đức của Nho giáo làm công cụ giáo hóa đối với người phụ nữ đã đặt đức hạnh vào vị trí quan trọng bậc nhất trong bốn đức. Hạnh là nội dung bên trong và được biểu hiện ra hình thức bên ngoài là công, ngôn, dung. Giá trị của người phụ nữ cao hay thấp là do đức hạnh quyết định chủ yếu. So vời thời phong kiến, nội dung phẩm hạnh của người phụ nữ hiện đại còn được khẳng định ở trách nhiệm với các quan hệ khác trong xã hội như trong quan hệ với làng xóm, cơ quan... Làm được điều đó, những con người trong xã hội hiện đại đã và đang phát huy nét đẹp trong tứ đức của Nho giáo.

Trước những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, bất kỳ lĩnh vực nào, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ cũng không thể vắng bóng. Tứ đức luôn là một trong những thước đo giá trị của người phụ nữ. Tuy nhiên, nội dung của nó, nếu biết kết hợp và vận dụng linh hoạt trong cuộc sống hiện đại, tứ đức xưa sẽ mãi là những lời dạy bảo có giá trị đối với phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại đầy cơ hội và thử thách.

3. Phát huy giá trị của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Trước hết, cần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người phụ nữ Việt Nam hiện nay

C.Mác đã từng khẳng định kinh tế là yếu tố cơ bản, là nền tảng để quyết định tất cả. Hoặc cha ông ta cũng từng khẳng định: “Có thực mới vực được đạo”, “Có bột mới gột nên hồ” muốn nói sự quyết định của điều kiện kinh tế - xã hội đối với sự phát triển của đạo đức, của ý thức con người. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đẩy mạnh đào tạo nghề và việc làm cho phụ nữ Việt Nam hiện nay là một giải pháp vô cùng quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện tốt sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Thứ hai là đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Về phía xã hội, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị và hội nhập kinh tế quốc tế... Đảng xác định: Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp; theo đó, mục tiêu giải phóng phụ nữ hiện nay là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chị em, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện tốt nam nữ bình đẳng...; Phát huy vai trò, tiềm ẩn to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với bản thân người phụ nữ, trong công cuộc nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của người phụ nữ thì hành động của chính bản thân người phụ nữ có vai trò quan trọng. Bản thân người phụ nữ phải tự biết nâng cao chính vị trí và vai trò của mình như Hồ Chí Minh đã nói: “Giành quyền bình đẳng, chống sự phân biệt đối xử với phụ nữ, không phải ai làm hộ cho phụ nữ mà chính họ phải vươn lên tự giải phóng, đứng lên đấu tranh giành cho quyền lợi về mình”. Với lời nhắn nhủ của Người, phụ nữ phải thấy rằng mục đích của cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ là đưa vị trí vai trò của phụ nữ lên cao và bản thân họ là người thực hiện chính cuộc cách mạng giải phóng cho bản thân mình.

Thứ ba là nâng cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ chức xã hội nhằm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, phát huy những ảnh hưởng tích cực của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với phụ nữ Việt Nam hiện nay

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930) có ghi: Nam nữ bình quyền. Đảng ta đã sớm nhận thức rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ giải phóng phụ nữ, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ; phụ nữ phải có các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho mình để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập. Đây là một tổ chức chính trị - xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ. Hội có chức năng vận động, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng và tham gia quản lý Nhà nước.

Theo đánh giá chung của Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Các chương trình của Hội hướng tới là: đẩy mạnh và hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ ở các vùng nông thôn; bảo vệ môi trưòng; giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; đấu tranh đòi bình đẳng giới, xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ của các cấp ủy địa phương, bộ ngành... Với phương châm hướng về cơ sở tập trung cho các vùng trọng điểm, vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn, các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo bảo vệ phụ nữ, phù hợp với nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ. Sự phát triển của phụ nữ cả nước phụ thuộc rất lớn vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các cấp Trung ương và địa phương - là nơi tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, hoàn thiện về cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật, thực hiện bình đẳng giới nhằm phát huy tính tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của thuyết Tam tòng, Tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã xác định thực hiện vấn đề nam nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu. Vì vậy, việc bồi dưỡng, phát huy sức mạnh và chăm lo sự phát triển mọi mặt của phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên, luôn được thể hiện nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ như về lao động, việc làm, sở hữu đất đai, gia đình, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em, giáo dục, y tế, phúc lợi công cộng, phòng chống các tệ nạn xã hội... Đổi mới kinh tế đã tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế của họ trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế, đảm bảo hạnh phúc trong cuộc sống.

Tóm lại, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Trong thời đại mới, bản thân mỗi người phụ nữ đã được

“giải phóng” nhiều hơn. Việc phát huy những giá trị tích cực của truyền thống đạo đức nói chung và thuyết Tam tòng, Tứ đức nói riêng sẽ góp phần giúp phụ nữ Việt Nam tiến xa hơn cùng với sự nghiệp xây dựng đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, 6, 12.

2. Đỗ Thị Bình, Lê Ngọc Văn và Nguyễn Linh Khiếu (2002), Gia đình Việt Nam và người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Bình (1999), “Cách xem xét, đánh giá con người thông qua các mối quan hệ xã hội cơ bản của Nho giáo - một giá trị cần kế thừa và phát triển”, Tạp chí Triết học.

4. Bộ Chính trị (2007), Nghị quyết số 11/NQ-TW, ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Nội.

 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản