Tin mới

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vào thực tiễn công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay

(Mặt trận) - Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào là những vấn đề lý luận - thực tiễn cần được nhận thức thấu đáo và thực hiện có hiệu quả.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Giá trị bền vững của ‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’

Đại biểu dự Hội nghị Tổng kết quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017, trọng tâm phối hợp năm 2018, tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh

Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số, đoàn kết các dân tộc là vấn đề có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển về mọi mặt và thụ hưởng các quyền lợi khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Miền núi là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, được hình thành và phát triển gắn với lịch sử phát triển của đất nước, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong tính thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là công việc của nhiều chủ thể, từ Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong Văn kiện của Đảng, có thể khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, trong thành tựu bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số nói riêng đã được ghi nhận trong hầu hết các văn kiện qua các thời kỳ cách mạng của Đảng ta. Trong Văn kiện Đại hội X đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội… làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin…”1. Tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5); Các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Hiến pháp được thể chế bằng chế định về Hội đồng Dân tộc (Điều 75). Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Điều 8, Điều 9) quy định về sự tham gia bình đẳng của các dân tộc thiểu số vào việc bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân... Kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân những kỳ gần đây cho thấy việc bảo đảm quyền tham dự chính trị của đại diện cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ngày 9/6/2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố Nghị quyết về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo đó, có 86/496 đại biểu trúng cử, tương ứng 17,30% tổng số đại biểu trúng cử là người dân tộc thiểu số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27% (so với tỷ lệ dân số các dân tộc thiểu số chiếm 14,3% trong tổng dân số cả nước). Như vậy, đại biểu là người dân tộc thiểu số luôn chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số các đại biểu nói chung xét trên tổng dân số.

Đồng bào các dân tộc Việt Nam đều đã hình thành và phát triển ý thức quốc gia - dân tộc, đều xác định “nước Việt Nam là nước chung” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu (tháng 4/1946)3. Bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số là vấn đề lớn cần được nhận thức, xử lý đầy đủ, thấu đáo trong thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay.  Mọi nội dung, mục tiêu của chính sách dân tộc cần được xác định rõ hơn và phải lấy tiêu chí phát triển “Con người” cộng đồng dân tộc thiểu số làm mục tiêu phát triển, như: về biến đổi trong mức sống, đời sống vật chất và tinh thần, sự hưởng thụ các phúc lợi xã hội được tạo ra trên địa bàn để xây dựng và đánh giá chính sách. Có như vậy, chính sách dân tộc mới thật sự đi đúng vấn đề, đúng hướng và sự đầu tư của Nhà nước mới đưa lại những hiệu quả thiết thực.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vào thực hiện chính sách dân tộc cho hợp lòng dân trong tình hình hiện nay

Chính sách hợp lòng dân là những chính sách làm điều có lợi cho nhân dân, tránh làm điều hại tới dân, phải làm minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như công khai kết quả xử lý cho dân biết, từ đó tôn trọng tiếng nói từ phía người dân. Chính sách hợp lòng dân phải xuất phát từ cuộc sống của người dân để dân được hưởng lợi ích, dân đánh giá, giám sát. Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng đã chỉ rõ, các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Tháng 8/1952, Bộ Chính trị có Nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”; ngày 22/6/1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước khẳng định, đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì sự phát triển không đồng đều trong lịch sử, nên giữa miền xuôi và miền núi, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số tồn tại những sự chênh lệnh về trình độ kinh tế - văn hóa. Riêng ở miền núi, giữa vùng thấp và vùng cao, mức tiến bộ và trình độ sinh hoạt càng có sự chênh lệnh... Đảng và Nhà nước dân chủ nhân dân cần phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, giúp đỡ các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ để tiến lên chủ nghĩa xã hội”4. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, gắn bó vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo nên sức mạnh vật chất to lớn, giúp dân tộc ta luôn luôn đứng vững trước mọi thử thách để vững bước đi lên.

Thực tiễn của công tác vận động đồng bào dân tộc cho thấy, không bao giờ cho phép chúng ta coi nhẹ việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Sự đoàn kết ấy phải được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mỗi cộng đồng, mỗi địa phương, nó phải trở thành tâm huyết và ý chí; phải là suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Duyên hải miền Trung”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà”6. Tất cả mọi người không phân biệt dân tộc đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Sự bình đẳng giữa các dân tộc ở Việt Nam là cơ sở cho sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xóa bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ…”7. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các dân tộc phải thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, hết sức tránh những tư tưởng tự tôn hoặc tự ti dân tộc. Người viết: “Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh”8.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bằng nhiều hình thức giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng… để các chương trình, dự án đảm bảo thực hiện hiệu quả các nội dung đã đề ra, tránh tình trạng lợi dụng sự đầu tư của Nhà nước để tham nhũng, lãng phí, đầu tư không hiệu quả. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và đạt được nhiều kết quả quan trọng: 98% xã có đường ô tô đến trung tâm; 98,5% xã có trạm y tế; 94% xã có điện lưới quốc gia; 90% xã được phủ sóng, phát thanh truyền hình; 92% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2016 còn khoảng 23,1%. Đồng bào ốm đau được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh; con em đồng bào đến tuổi được đi học, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền, gạo để ăn học ở các trường nội trú, bán trú… vùng dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường tổ chức các cuộc khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân tộc ở các tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135, Chương trình 30a tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín... Trong năm 2017, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức một số cuộc khảo sát tại một số địa phương để đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 20/CP của Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù; khảo sát việc thực hiện Nghị định 82/CP của Chính phủ về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục đào tạo và trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp của Đảng, Nhà nước, đến nay trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc, như: Trường thanh niên dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và phát triển, đáp ứng bước đầu nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Theo kết quả điều tra mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc mới được công bố, tính đến ngày 1/8/2015: số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 7.465.062 người, đạt 79,8%; số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 7.416.732 người, đạt 79,2%; tỷ lệ người có việc làm từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo, đạt 6,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học, đi học đúng cấp đạt 70,2%. Tổng số trường học của các xã vùng dân tộc thiểu số là 17.722 trường. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014-2015, cả nước đã có 304 trường phổ thông dân tộc nội trú với gần 64.697 học sinh thuộc 45/53 dân tộc thiểu số theo học, trong đó có 215 trường cấp huyện, 89 trường cấp tỉnh. Năm học 2014 - 2015 số học sinh tiểu học là con em dân tộc là 1.316.048 em; trung học cơ sở là 816.995 em; trung học phổ thông có 296.868 em. Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông, đến nay đã có 4 trung tâm đại học khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hệ thống trường đào tạo nghề, trường cao đẳng được củng cố, phát triển. Hiện cả nước có trên 13 ngàn người dân tộc thiểu số có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78 nghàn người có trình độ trung học chuyên nghiệp,... đã thực hiện cơ bản sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động từng bước được nâng lên; tiềm lực và trình độ khoa học - công nghệ đã có bước phát triển đáng kể. Hệ thống các trường dự bị đại học và các khoa dự bị đại học dân tộc đang được phát triển cả về quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Với chính sách cử tuyển đã có nhiều dân tộc thiểu số lần đầu tiên có học sinh được cử tuyển đi học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học như các dân tộc: Hà Nhì, Cơ Lao, Pà thẻn, Kháng, Sinh Mun, Bố Y,... chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh các dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ngày càng tăng, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng hơn 3 ngàn học sinh các dân tộc thiểu số được cử đi học theo chế độ tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời nhằm thực hiện chính sách "bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc", xoá dần khoảng cách chênh lệch giữa "miền ngược và miền xuôi", đòi hỏi việc thực hiện chính sách ở các vùng dân tộc thiểu số phải tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa và cần chú ý vào những vấn đề sau:

1. Phải rà soát việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua. Đối với đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong vùng dân tộc thiểu số phải căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng dân tộc, từng vùng, từng địa phương với những điều kiện phong tục tập quán, tình hình phát triển kinh tế - xã hội... Giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do, tái du canh du cư, bên cạnh chính sách chung phải có chính sách đặc thù, cần kiên định xây dựng các điểm dân cư tập trung có trên 40 hộ ở các tỉnh Tây Bắc và biên giới phía Bắc, khắc phục cơ bản tình hình dân cư phân tán vài ba hộ trên một quả núi như ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ quy hoạch, xây dựng hoàn thiện các Trung tâm xã và Trung tâm cụm xã để làm nhiệm vụ là động lực, là trung tâm phát triển. Sớm có văn bản quy phạm pháp luật quy định giới hạn tối đa, tối thiểu về dân số và diện tích đơn vị làng, bản dân tộc thiểu số ở miền núi sớm đưa tất cả các hộ dân ra khỏi các vùng dễ bị thiên tai đe dọa.

2. Đầu tư, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất hàng hóa, hội nhập vào kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đổi mới việc quản lý đất đai và rừng trong vùng dân tộc thiểu số. Ban hành chính sách phù hợp để các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam bộ chủ động đảm bảo đất ở, đất sản xuất và đất sinh hoạt của cộng đồng.

3. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, cản trở phát triển sản xuất…

4. Tạo điều kiện để đồng bào, cán bộ các dân tộc ngày càng tiếp cận thuận lợi, hiệu quả hơn với chính sách giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện mục tiêu tạo nguồn và đào tạo. Nâng cao chất lượng chính sách dân tộc đối với xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, tạo nên nguồn lực, hiệu quả đào tạo về số lượng và chất lượng trong xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số, tăng cường nguồn nhân lực cho sự phát triển các vùng dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay.

Đổi mới nội dung và phương thức vận động đồng bào dân tộc thiểu số

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Từ khi thành lập đến nay đã trải qua quá trình phát triển dưới nhiều tên gọi khác nhau, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, vận dụng sáng tạo mọi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành các phong trào thi đua ái quốc trong các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XI và khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Do vậy, đoàn kết các dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh ân cần thăm hỏi bà con nhân dân xã Tả Van, huyện Sapa, Lào Cai.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc. Phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và về văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi dân tộc ở nước ta đều có những sắc thái văn hoá độc đáo, nói lên bản sắc dân tộc. Cần tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của từng dân tộc, phải “nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi” để đề ra chủ trương, nhiệm vụ công tác đúng đắn, sát hợp, có tính khả thi. Tìm hiểu về tổ chức xã hội truyền thống trong từng dân tộc để kế thừa và phát huy những nhân tố cần thiết và có tác dụng tích cực, khéo léo sử dụng, phát huy vai trò của tổ chức xã hội truyền thống trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là một yêu cầu và biện pháp công tác quan trọng.

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phải cụ thể, thiết thực, chính xác để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin, dễ tiếp thu và thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Nội dung tuyên truyền, vận động phải chân thực, không tô vẽ. Người đã dạy: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang, đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”, “Nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt. Đồng bào dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”. Muốn làm tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số thì cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và nói được tiếng của đồng bào. Người đã dạy rằng: “Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có khi hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình cơ sở và thường xuyên chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc. Cán bộ các cấp phải có kế hoạch cụ thể để đi khảo sát, nghiên cứu, nắm tình hình tại cơ sở, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó, nắm bắt kịp thời tình hình đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và có những giải pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Vận động đồng bào các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Chăm lo lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc, tức là phải quan tâm việc cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, hướng dẫn, tạo điều kiện về mọi mặt để đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc phải đi đôi với việc phát huy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào, phải tuyên truyền, giải thích để đồng bào thấy rõ việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ để đồng bào tự giác thực hiện.

Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động theo hướng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, giải đáp được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận, đoàn thể khi thực thi nhiệm vụ, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây là những bài học vô cùng quý giá trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay.

Hầu A Lềnh

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2006, tr. 43, 44.

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 166.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, t. 11, tr. 135.

5. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 164, 125.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 326.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 587.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 136.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản