Tin mới

GS Hoàng Chí Bảo: Quyền lực không được kiểm soát sẽ mấp mé bờ vực tha hóa

"Tại sao khi Đảng cầm quyền, Đảng bố trí cán bộ, đảng viên của mình vào các cương vị lãnh đạo có chức có quyền thì không ít người đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái, không vượt qua được những cạm bẫy, bị hư hỏng đến thế?”.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Từ sau Đại hội XII, Đảng ta xử lý kỷ luật vừa nghiêm minh, có lý có tình đối với nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao đương chức lẫn nghỉ hưu. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã và đang được làm rõ, đưa ra xét xử trước pháp luật.

GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, những sự kiện đã làm trong thời gian qua phản ánh một bước tiến thực sự của dân chủ trong việc thực hiện đường lối chính sách, trong đó có chính sách cán bộ mà cụ thể là khâu xử lý cán bộ không có vùng cấm, không gượng nhẹ, bao che, đảm bảo khách quan, trung thực. Từ những việc làm như thế có thể nói chúng ta đã lấy lại một phần rất căn bản niềm tin của nhân dân.

Kỷ luật cán bộ dù đau xót nhưng lại rất cần thiết và đây là bài học không chỉ riêng đối với người mắc sai lầm khuyết điểm mà còn là bài học cảnh tỉnh chung đối với tất cả chúng ta, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

PV: Khi biết kết luận của Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng như tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chắc hẳn ông có nhiều suy nghĩ?

GS Hoàng Chí Bảo: Không phải chỉ riêng tôi mà toàn Đảng, toàn dân ta đều rất chú ý đến thông tin này. Tâm trạng chung phổ biến mà chúng ta đều biết là sự ủng hộ của tuyệt đại đa số đối với những kết luận rất kịp thời, sáng suốt của Trung ương trong việc kỷ luật cán bộ cao cấp ở Hội nghị Trung ương 6, cụ thể là ông Nguyễn Xuân Anh.

Đây là việc làm cần thiết, đúng lúc, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, đáp ứng đúng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân là phải đặt vấn đề kỷ luật cán bộ một cách nghiêm túc, nghiêm khắc, đúng với những lỗi lầm sai phạm mà người đó mắc phải, và cũng tạo ra sự chấn chỉnh kịp thời trong Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ nay trở đi phải rút ra bài học kinh nghiệm thấm thía khi ở cương vị lãnh đạo.

PV: Việc cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao vi phạm không phải bây giờ mới xảy ra. Theo ông, đâu là căn nguyên?

GS Hoàng Chí Bảo: Trước ông Nguyễn Xuân Anh cũng đã có một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao bị kỷ luật như ông Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Võ Kim Cự….

Theo tôi, tất cả bắt đầu từ những tồn đọng, yếu kém, nhược điểm kéo dài trong công tác tổ chức cán bộ. Biểu hiện cụ thể ở việc đánh giá cán bộ không đúng nên bố trí, sử dụng cán bộ không đúng.

Ngoài ra còn có sự lạc hậu về chính sách cán bộ, cơ chế đánh giá, kiểm soát cán bộ; sàng lọc, phân loại cán bộ. Những yếu kém này bộc lộ rất rõ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế sang kinh tế thị trường, kể cả những tồn đọng từ trước thời kỳ đổi mới.

Tại sao khi Đảng cầm quyền, Đảng bố trí cán bộ, đảng viên của mình vào các cương vị lãnh đạo có chức có quyền thì không ít người đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái, không vượt qua được những cạm bẫy, bị hư hỏng đến thế. Bởi vì trong chính sách, chúng ta bố trí cán bộ vào những vị trí lãnh đạo thì được hiểu đương nhiên như là người có quyền hành, quyền lực, cùng với những đặc quyền, đặc lợi.

Vô hình chung, từ chính sách này sinh ra lối sống chạy theo con đường chức quyền, con đường có bổng lộc công danh chứ ít người để tâm phấn đấu về chuyên môn. Như vậy là không lành mạnh, trái lẽ tự nhiên và cản trở sự phát triển. Muốn tạo ra sự phát triển lành mạnh, phải xoá bỏ đặc quyền đặc lợi, phải ràng buộc quyền lực và lợi ích gắn chặt với nghĩa vụ và trách nhiệm.

Một điểm nữa là khi thực hiện chính sách lại có nhiều chuyện đáng phải bàn, đó là hiện tượng con ông cháu cha. Nếu họ có đủ đức, đủ tài, đủ tiêu chuẩn, có truyền thống gia đình, có điều kiện phát triển thì đó là chuyện bình thường chứ không phải vì con ông cháu cha mà gượng nhẹ các tiêu chuẩn khác. Và nhiều khi chưa chín muồi, chưa qua thử thách, rèn luyện cũng bố trí họ vào những cương vị trọng yếu mà bản thân họ không thể kham nổi, thậm chí làm hỏng đi.

Xung quanh câu chuyện lạc hậu của chính sách, cơ chế và vấn đề dùng người bắt đầu từ đánh giá cán bộ không đúng, bố trí cán bộ không đúng và trong quá trình sử dụng cán bộ lại không chú trọng vào khâu kiểm soát quyền lực, giám sát thường xuyên cho nên những sai lầm, yếu kém, thậm chí hư hỏng chậm phát hiện. Đến lúc phát hiện ra thì cũng nể nang, hoặc xử lý nội bộ thì dẫn tới cái sai chồng chất cái sai.

Ở đây còn có một nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là bệnh nể nang, hình thành cả lợi ích nhóm; đặc biệt là cán bộ không chú trọng rèn luyện mình thường xuyên, nhất là tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, thậm chí khi được đặt vào cương vị quá sớm, quá nhanh, quá thuận lợi, không có những thử thách, khó khăn dẫn tới chủ quan, thậm chí huyễn hoặc chính bản thân mình và coi thường dư luận, nhất là không đủ dũng khí trước những cám dỗ của tiền bạc, danh lợi.

 

PV: Như ông vừa nói, để xảy ra việc nhiều cán bộ vi phạm thời gian qua có nguyên nhân từ kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ chưa thật tốt. Theo ông, cần làm gì để khắc phục những lỗ hổng này?

GS Hoàng Chí Bảo: Để khắc phục những lỗ hổng này, theo tôi phải áp dụng đồng bộ, đồng loạt các biện pháp. Trong đó, cần phải đặt vấn đề kiểm soát quyền lực đúng với vị trí, và mức cần thiết của nó. Quyền lực không được kiểm soát thì bắt đầu đứng mấp mé trước bờ vực thẳm của sự tha hóa, hư hỏng. Vì vậy, đã sinh ra quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực bằng tất cả sức mạnh của tổ chức, cả hệ thống và dư luận xã hội, cùng sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặt cán bộ vào cương vị rồi thì cũng đồng thời đặt cán bộ trước áp lực của việc kiểm soát quyền lực để họ thường trực trong suốt quá trình làm lãnh đạo, không rơi vào tình trạng hư hỏng.

Vấn đề này cũng cần phải được thể chế hóa, để không xảy ra tình trạng đã rồi, hay tình trạng quá muộn màng phải trả giá đau đớn và cuối cùng thì chính nhân dân và xã hội phải hứng chịu tổn thất.

“"Trẻ hóa cán bộ không chỉ nhìn ở vấn đề tuổi mà còn có cả sức trẻ trong tư duy"” - GS Hoàng Chí Bảo

Cùng với kiểm soát thì phải rất chú trọng khâu giám sát, tức là con mắt nhìn của xã hội, của nhân dân và của dư luận xã hội, thông qua báo chí chân chính đưa tin chính xác, công khai, minh bạch; tạo mọi điều kiện cho nhân dân có tiếng nói đóng góp trong việc đánh giá cán bộ, tổ chức bộ máy.

Đảng ta có quy định 19 điều cấm, đảng viên không được làm, có điều lệ Đảng mà tất cả đảng viên đều phải chấp hành nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ. Đảng phải có những quy định cụ thể về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay. Phải trở lại giáo dục kỹ cán bộ, đảng viên theo tinh thần “tư cách của người đảng viên” mà Đảng ta đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Trong đó đối tượng đầu tiên cần quan tâm giáo dục chính là cán bộ lãnh đạo quản lý. Những người đang đương chức đương quyền phải là tấm gương sáng cho đồng đội, tập thể và nhân dân noi theo.

Bên cạnh đó, xã hội cần phải có một bộ luật về đạo đức để mỗi người lấy chuẩn mực đó soi vào mình, biết xấu hổ, biết dằn vặt, biết hối hận, biết xin lỗi và biết quyết tâm sửa lỗi; phải chú trọng giáo dục lòng tự trọng, trọng danh dự, lương tâm, trách nhiệm, giáo dục nỗi biết nhục khi tham nhũng, biết xấu hổ khi làm việc không xứng đáng với cương vị của mình.

 

PV: Có ý kiến cho rằng đi đến cùng sự việc từ kết luận kiểm tra thi hành kỷ luật trong Đảng cần mở ra việc xem xét thêm trách nhiệm pháp lý thì mới làm tăng thêm tính hiệu lực, hiệu quả trong quyết định của Đảng. Quan điểm của ông như thế nào?

GS Hoàng Chí Bảo: Ông cha ta trong các triều đại phong kiến xa xưa, điển hình là Triều Lê với bộ luật Hồng Đức đã có những quy định rất cụ thể như không được làm quan ngay trên quê hương bản quán của mình; tiến cử những người hiền tài vào bộ máy thông qua kiểm soát rất nghiêm ngặt kể cả thi cử của triều đình. Trong đó, nếu tiến cử sai thì phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Bài học ấy của ông cha trong quá khứ rất đáng nhắc lại trong bối cảnh hiện nay và chúng ta cần phải học.

Trước những vụ việc bê bối vì cán bộ mắc sai lầm khuyết điểm nặng đến mức phải kỷ luật thì phải xem xét cả trách nhiệm pháp lý của người giới thiệu, của tổ chức, cơ quan giới thiệu.

Lênin đã từng nói: thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng đến từng người một. Chức vụ, quyền hành càng lớn thì trách nhiệm càng lớn. Giới thiệu cán bộ vào các cương vị, cấp độ khác nhau mà sai thì cá nhân và tổ chức giới thiệu cũng phải bị xử lý trách nhiệm.

Bác Hồ cũng đã dạy chúng ta: cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng cùng mắc lỗi như nhau, đảng viên, cán bộ trong Đảng phải xử lý nặng gấp 3 lần để làm gương. Tiếc là có thời gian chúng ta xử lý nội bộ với nhau, cán bộ, đảng viên thì bao che, nhân dân ngoài Đảng cùng bị mắc lỗi lại bị xử lý rất nặng. Còn bây giờ, từ những sự kiện kỷ luật cán bộ cao cấp ở hội nghị Trung ương 5, 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng đã tạo ra niềm phấn khởi, niềm tin mới cho dân chúng, họ tin rằng Đảng ta đã thực sự hành động để thực hiện cho được quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị của mình.

“ Xã hội cần phải có một bộ luật về đạo đức để mỗi người lấy chuẩn mực đó soi vào mình.”

- GS Hoàng Chí Bảo

PV: Trẻ hóa đội ngũ là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng nhằm tăng cường sức mạnh cho Đảng và Nhà nước. Và thực tế thời gian qua chúng ta cũng đã thực hiện chủ trương quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo các cấp ở Trung ương và địa phương. Theo ông, những “hạt giống tốt” cần được rèn luyện ra sao để thực sự phát huy được năng lực, phẩm chất của họ?

GS Hoàng Chí Bảo: Trẻ hóa cán bộ là một đòi hỏi tất yếu do yêu cầu phát triển. Nhưng ở đây có 2 điều quan trọng phải nhấn mạnh: thứ nhất, trẻ hóa không chỉ nhìn ở vấn đề tuổi mà còn có cả sức trẻ trong tư duy, phải là người năng động đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ hai, thực hiện chủ trương trẻ hóa cán bộ ở tất cả các cấp phải kèm theo một số điều kiện, quy định và cơ chế để chủ trương đó diễn ra lành mạnh chứ không phải là một hiện tượng tiêu cực.

Người làm lãnh đạo không chỉ cần có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, có đạo đức mà còn phải có bản lĩnh. Tất cả những yếu tố này đều thông qua học tập và tự rèn luyện, cộng với đào tạo và rèn luyện của Đảng, Nhà nước thông qua hoạt động thực tiễn. Cán bộ trẻ phải là những người được đào tạo rất cơ bản, nghiêm chỉnh, họ phải đạt được thực học, để có thực lực rồi có thực tài, chứ không có chuyện học giả bằng thật, bằng thật học giả.

Bên cạnh đó phải đưa họ vào cuộc, đặt họ vào môi trường và hoàn cảnh để thi thố tài năng, bộc lộ năng lực và giải quyết tình huống phát triển. Để những “hạt giống đỏ” không bị thui chột giữa chừng thì phải gắn chặt quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ; sự rèn luyện của cá nhân phải được quy chế hóa buộc cán bộ trẻ phải học và làm việc như thế nào, phải được kiểm soát đánh giá ra sao, phạm khuyết điểm, sai lầm thì phải bị xử lý nghiêm túc và nghiêm khắc. Nếu hạt giống đó không đáp ứng được yêu cầu thì phải thay thế. Hiện tượng vào – ra, lên – xuống phải coi là hiện tượng bình thường để mỗi người không rơi vào chủ quan đã vào cương vị thì nắm giữ suốt đời.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản