Tin mới

“Lò nóng lên rồi nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi?"

Tổng Bí thư đã tuyên bố: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy...” nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi, có dám làm đến cùng không?

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Quy chế hoạt động của BCĐ Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả“

Theo Quy định 90-QĐ/TW, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc, là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm. Tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Kim Anh)

“Người chiến sĩ muốn chiến đấu thì phải được trang bị vũ khí và đây chính là vũ khí để tổ chức Đảng, Nhà nước, nhân dân, báo chí, những tổ chức giám sát dùng để tấn công vào tư tưởng tham vọng quyền lực...” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương  Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội đã ví von như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo TNVN về Quy định số 90 -QĐ/TW của Bộ Chính trị.

PV: Thưa Trung tướng, ông nhận định thế nào về Quy định số 90 -QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” do Bộ Chính trị vừa ban hành?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Việc Bộ Chính trị quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao là điều cần thiết và một lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sạch, vì nước, vì dân của Đảng. Quy định 90 về bản chất không có gì mới so với những quy định công tác cán bộ và đánh giá cán bộ trước đây, với những nội dung như: Đức - tài - tâm, vì dân phục vụ. Tuy bản chất không thay đổi nhưng về cấp độ, tính cụ thể, tính quyết liệt thì trong Quy định 90 khá rõ, khá sắc sảo.

Quy định này cụ thể hóa quy định về chất lượng cán bộ, phẩm chất, đạo đức, năng lực và cái tâm của người cán bộ phục vụ nhân dân. Bộ Chính trị kiên quyết đưa cán bộ về vị trí, chức năng theo đúng quy định của Đảng; và như lời Bác Hồ đã căn dặn cách đây mấy chục năm, cán bộ không phải quan của dân mà là công bộc của dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Cho nên, Quy định 90 đã nói rõ đức-tài-tâm, ở cấp trung ương thì đức là gì, tâm là gì; mỗi cấp đều có hàm lượng nội dung của đức-tài-tâm, làm cơ sở để soi chiếu. Để bố trí cán bộ vào vị trí đó phải như thế nào? Ví dụ, một ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị phải như thế nào để thể hiện đúng chất cán bộ của nhân dân? Quy định này rất rõ ràng, cán bộ được Đảng giao nhiệm vụ thì phải nhận thức để làm đúng. Đối với tổ chức Đảng, chính quyền, nội vụ, thanh tra… phải căn cứ vào đó thực hành giám sát, làm sao những người được giao nhiệm vụ, quyền lực phải thực hiện đúng chức trách của mình, vì nước, vì dân. Tiếp nữa là công tác cán bộ, không chỉ Đảng, Nhà nước mà nhân dân khi nắm được quy định này thì có thể tham gia giám sát cán bộ...

PV: Có ý kiến cho rằng, quy định lần này có điểm mới, đó là “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”; “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Phải chăng đây chính là “cái lồng” để giám sát quyền lực, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Quy định 90 nhấn mạnh, cán bộ không được tham vọng quyền lực là để ngăn chặn tham vọng quyền lực, nếu vì tham vọng quyền lực, tham vọng cá nhân chui vào vị trí đó để trục lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm bạn bè... là cực kỳ nguy hiểm. Trong tình hình này Đảng phải làm quyết liệt hơn. Muốn thế, Đảng phải có quy định cụ thể để người cán bộ được giao nhiệm vụ biết được, phải răn đe để họ luôn giữ vững được tiêu chuẩn của cán bộ theo quy định. Nhà nước tăng cường giám sát, tổ chức Đảng và nhân dân, báo chí cùng tăng cường giám sát đối với cán bộ.

Trong một thời gian dài, không có sự giám sát chặt chẽ cán bộ nên đã gây hư hỏng hệ thống, cấp nào cũng có và cán bộ cao cấp cũng có, mà vừa rồi Đảng đã nêu ra một loạt vụ. Đây là bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Riêng vụ Trịnh Xuân Thanh đã có một loạt cán bộ cao cấp bị kỷ luật... Sự hư hỏng của cá nhân và hư hỏng cả tổ chức quản lý con người đó mới thực sự nguy hiểm.

Vừa qua, Đảng chấn chỉnh và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng được củng cố lại, nghĩa là cả hệ thống tổ chức quản lý được củng cố lại mới có lực giám sát tốt và lắng nghe tiếng nói của nhân dân thông qua báo chí. Đó là 2 kênh quan trọng, luôn luôn phát hiện sai - đúng trong thực hiện chức năng cán bộ.

Khi có Quy định 90, ngoài việc tăng cường giám sát thì Đảng thông qua các tổ chức quản lý, nhân dân, báo chí để giám sát cán bộ và cả cơ quan quản lý cán bộ. Một người hỏng thì không lo lắm nhưng tổ chức quản lý con người đó hỏng, tổ chức giám sát cũng hư hỏng, hoặc nể nang bè cánh sẽ cực kỳ nguy hiểm.

PV: Để những quy định áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả thì chúng ta cần phải làm gì để phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, người  dân tham gia giám sát quyền lực? 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Quy định này chính là căn cứ, tổ chức giám sát đó phải có công cụ, giống như người chiến sĩ muốn chiến đấu thì phải được trang bị vũ khí và đây chính là vũ khí để tổ chức Đảng, Nhà nước, nhân dân, báo chí, các tổ chức giám sát dùng để tấn công vào tư tưởng tham vọng quyền lực. Lâu nay chỉ nói chung chung, cũng không có công cụ gì, giờ có quy định này thì chắc chắn chúng ta thành công trong việc giám sát. Một xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân thì chúng ta không thể để tồn tại những cán bộ hư hỏng. Nếu cán bộ trong sạch, tổ chức trong sạch thì làm sao các thế lực khác nói xấu, xuyên tạc được.

Tổ chức Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý, nhân dân và báo chí phải biết sử dụng thông thạo vũ khí đó, nhạy cảm, bất cứ chỗ nào thấy có hiện tượng là cần biết phải làm gì, kêu gọi nhân dân, báo chí vào cuộc. Tôi tin tưởng nhưng với điều kiện những con người được giao vũ khí đó phải biết bắn vào kẻ thù của nhân dân, không bắn trượt, bắn chỉ thiên mà phải đúng đối tượng. Đảng đã phát động cuộc đấu tranh này nếu tất cả nhân dân, báo chí cùng đi vào hành động thì chắc chắn sẽ giành thắng lợi.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng bộ máy công quyền mạnh với hệ thống lãnh đạo đủ năng lực, đặt nền móng vững chắc là yếu tố quyết định vận mệnh của đất nước, quyết định sự sống còn, uy tín, hiệu lực của Đảng lãnh đạo nhân dân trong thời kỳ này. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Muốn có tổ chức tốt thì phải có con người tốt. Bác Hồ nói: Muốn có XHCN thì phải có con người XHCN, muốn bộ máy tốt thì phải có cán bộ giỏi, có tâm phục vụ nhân dân.

Nhưng cũng có thực tế, cán bộ khi mới được bổ nhiệm thì tốt nhưng quá trình sau vì tham vọng quyền lực, vì lợi ích cá nhân và tổ chức quản lý lại không giám sát nên hai điều đó cộng hưởng, dẫn đến hư hỏng. Theo tôi, công tác này phải được công khai minh bạch để nhân dân giám sát, báo chí giám sát... thì không có việc gì là không làm được. Trước có những vụ sai phạm rõ ràng, nhân dân, báo chí đã nêu, không phải không biết nhưng cố tình bưng bít, né tránh, có thể vì sợ mất uy tín tổ chức hoặc thậm chí cùng phe nhóm với nhau, lợi ích nhóm, là tham vọng quyền lực của cả hệ thống cá nhân cùng liên kết với nhau để tham nhũng, vơ vét của dân rồi chia chác.

Tổng Bí thư đã tuyên bố: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy...”. Nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi không, có dám làm đến cùng không? Đảng phải hành động, các tổ chức Đảng phải hành động, phát động nhân dân cùng hành động và thông qua kênh báo chí để Đảng tiếp cận được tất cả nguồn thông tin. Còn nếu cứ để một bộ máy có cán bộ hư hỏng, không vì nhân dân thì không thể đưa đất nước phát triển được.

Mong rằng có quy định này, Đảng cần làm quyết liệt, mạnh mẽ, triệt để hơn để đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin của nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản