Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.
Nhằm phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, của báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thống nhất Kế hoạch phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc: “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Tại lễ phát động giải, ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố thể lệ Giải trong đó yêu cầu tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” là những tác phẩm báo chí có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời các nội dung sau:
Phát hiện đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tich cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác giám sát cán bộ đảng viên, công chức ở khu dân cư; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII.
Ông Nguyễn Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN phát biểu tại hội nghị.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Phản ảnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch;
Phản ánh sâu sắc vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân và báo chí, công luận trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí.
Biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Các loại hình báo chí được tham dự Giải là: báo in, báo điện tử, báo ảnh, báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình).
Tác phẩm báo chí dự Giải bao gồm các thể loại: bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, phóng sự, phóng sự ngắn (PT-TH), phim tài liệu, bản tin, chuyên đề, chuyên mục, điều tra, bút ký báo chí, bình luận, chuyên luận, ảnh báo chí.
“Tác phẩm dự thi Giải báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục, định hướng dư luận cao” ông Nguyễn Bé khẳng định.
Theo đó có một số vấn đề cần lưu ý:
Tác phẩm báo in: gửi nguyên bản gốc hoặc photocopy, ghi rõ tên báo và thời gian đăng tải.
Tác phẩm báo điện tử: in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải (kèm đường links tác phẩm).
Tác phẩm báo phát thanh, truyền hình: phải gửi băng, đĩa ghi tiếng, ghi hình (CD, VCD, DVD) có lời viết và lời bình in trên giấy A4 kèm theo.
Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
Tác phẩm dự giải không trả lại tác giả. Ban tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.
Tác phẩm dự Giải phải được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 30/11/2017.
Những tác phẩm đã tham dự các cuộc thi khác, ở Trung ương và địa phương vẫn được quyền dự Giải, nhưng tác giả phải ghi rõ mức giải đã đoạt, đơn vị tổ chức, thời gian tổ chức.
Tác phẩm tham dự phải được thể hiện bằng tiếng Việt.
Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm.
Theo ông Nguyễn Bé, tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí, kiều bào ta ở nước ngoài có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên được đăng, phát trong thời gian quy định của giải trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có thể gửi dự Giải.
Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải, phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Nếu là nhóm tác giả thì không quá 7 người.
Các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên và các tổ chức thành viên tham dự Giải.
Thành viên Ban Giám khảo và Ban Tổ chức không tham dự Giải.
Địa chỉ nhận tác phẩm: Thường trực Hội đồng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” - Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.38246530 hoặc 097.262.8386 (Đồng chí Trần Bá Dung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Giải báo chí)
Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com.
Ngoài bì thư hoặc email gửi cần ghi rõ: Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Tác phẩm gửi dự thi cần ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, số điện thoại của tác giả.
Giải thưởng này sẽ được tổ chức và trao thưởng (hằng năm) vào dịp Tổng kết năm của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cơ cấu giải thưởng gồm: A, B, C và khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó: giải A mỗi giải 20 triệu đồng; giải B mỗi giải 15 triệu; giải C mỗi giải 10 triệu đồng; giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị: Hội Nhà báo các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tấn, báo chí phổ biến sâu rộng tới các nhà báo hội viên, các tầng lớp Nhân dân nắm được Thể lệ này và tham dự giải, bảo đảm sự thành công của Giải.
Theo Dạ Yến - Quốc Trung, ảnh: Thành Trung