Những thành tựu của đất nước trong năm 2018, khiến nhân dân cả nước hết sức vui mừng
Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ 6, Quốc Hội khóa XIV): “Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%)1. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2%. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%). Thị trường trong nước được chú trọng phát triển; thương mại điện tử tăng bình quân 30%/năm”.
Trong năm 2018, “Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn; quy mô nền kinh tế tăng mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên”.
Những thành tựu đạt được trong năm 2018 không chỉ về kinh tế - xã hội, mà còn được thể hiện trên nhiều lĩnh vực và mang tính cơ bản. Có được kết quả to lớn đó, là do Đảng và Nhà nước đã áp dụng nhiều chủ trương mang tính đồng bộ và toàn diện, trong đó nổi bật lên những chủ trương, chính sách biện pháp mang tính đổi mới mạnh mẽ, sinh động hơn trước.
Điều gây ấn tượng nhất, được sự đồng tình rộng rãi trong nhân dân cả nước là nguyên tắc “không có vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực thi. Nhiều vụ tham nhũng lớn, mà người vi phạm là những người giữ chức vụ cao trong Đảng, chính quyền bị nhận chìm trong nhiều năm, nay đã được đưa ra ánh sáng. Nhân dân cảm nhận được rằng, “xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính” không chỉ là lời kêu gọi, mà đã trở thành quyết tâm của Đảng và Nhà nước.
Điều thứ hai là, đòi hỏi chính quyền phải “gần dân hơn” được nhấn mạnh và được thực thi bằng nhiều phương pháp sinh động. Các cuộc đối thoại công khai, rộng rãi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, của các ủy viên Bộ Chính trị, các lãnh đạo cao nhất của địa phương đã góp phần giải tỏa được nhiều vướng mắc của người dân ở cơ sở. Ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã cử nhiều đoàn kiểm tra đến các tỉnh để kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và đấu tranh chống tệ quan liêu, độc đoán, xa dân. Thủ tướng Chính phủ gia tăng cách làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương, đã đem lại luồng sinh khí mới. Những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng cụ thể đã được khai thác và có các giải pháp tối ưu, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương. Những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của địa phương được “chỉ mặt, đặt tên” để khắc phục. Hoạt động của Chính phủ trở nên sôi động hơn trước rất nhiều. Hiện tượng ngồi bàn giấy để đề ra chính sách, pháp luật bị phê phán. Tệ quan liêu được khắc phục dần.
Điều thứ ba là, việc “mở rộng dân chủ” đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp mới. Ý kiến phản biện của nhân dân, của các nhà khoa học trong tham gia xây dựng pháp luật, trong lựa chọn các kế hoạch, chương trình phát triển đất nước có lợi nhất đã được lắng nghe và chấp nhận nhiều hơn. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội không hạn chế đối với một số bộ, ngành đã được thông báo trước, mà còn được tiến hành đối với mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Điều này đòi hỏi các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành phải nắm chắc công việc thuộc lĩnh vực phụ trách mới có thể trả lời được các câu hỏi do đại biểu Quốc hội nêu ra. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại các cuộc họp của cơ quan dân cử đối với một số chức danh, trở thành đòn bẩy thúc đẩy mạnh việc nâng cao tinh thần mẫn cán và năng lực của cán bộ, viên chức nhà nước. Đại biểu thuộc chức danh lấy phiếu tín nhiệm bị nhiều phiếu tín nhiệm thấp không chỉ là lời nhắc nhở mà chính là sự cảnh báo nghiêm khắc mà không một viên chức nào muốn có.
Điểm nổi bật thứ tư là, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được đề cao hơn trước. Tính đại diện của Mặt trận đã được mở rộng. Nhiều kiến nghị, nguyện vọng của dân đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời phản ảnh với các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước. Việc bổ sung, sửa đổi các khiếm khuyết về luật pháp, những yếu kém về mặt lãnh đạo, quản lý, do vậy, sớm được phát hiện và có kế hoạch khắc phục.
Thành tựu mang tính cơ bản, toàn diện của năm 2018 do nhiều nhân tố đem lại, trong đó có những nhân tố được tạo nên từ những năm trước và các chủ trương: “(1) Không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng; (2) Xây dựng chính quyền gần dân; (3) Mở rộng dân chủ; (4) Đưa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp tương xứng với vai trò, tác dụng của tổ chức đại diện rộng rãi nhất của nhân dân, là bốn chủ trương làm tăng đáng kể lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bước vào năm mới 2019, nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có nhiều hơn các chủ trương, biện pháp đổi mới để giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc
Đặt mục tiêu “không thể tham nhũng” thành trọng tâm của đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Những biện pháp căn cơ nhất, mang tính phòng ngừa chủ động nhất là kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các chế định pháp luật lỗi thời mà các nhóm lợi ích dễ dàng thao túng, đặc biệt là pháp luật và chính sách về quản lý đất đai2. Sai phạm trong quản lý đất đai là sai phạm phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy nhất; đặt việc kê khai và công khai tài sản là trách nhiệm không thể thoái thác của viên chức; xã hội hóa việc kiểm tra tính trung thực của việc kê khai tài sản; áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ những người tích cực chống tham nhũng; không áp dụng chế định hết thời hiệu truy thu tài sản công bị tham nhũng; ban hành quy định giảm nhẹ, kể cả việc tha miễn trách nhiệm hình sự, không công khai danh tính đối với những người tự thú và tự nguyện trả lại tài sản tham nhũng nếu có đề nghị của họ.
Trong các Bộ luật thời phong kiến của Việt Nam, cũng đã có nhiều điều luật ngăn chặn các hành vi tham nhũng của quan chức mà ngày nay vẫn có thể vận dụng được. Các nước trên thế giới đã có rất nhiều hình thức, biện pháp ngăn chặn tham nhũng rất có hiệu quả, mà Việt Nam có thể tham khảo. Cần phát huy sự sáng tạo của dân trong ngăn chặn tham nhũng.
Xây dựng chính quyền thật sự gần dân
Đặt việc tiếp dân là chế độ làm việc thường xuyên của viên chức nhà nước. Không phải một, hai lần trong một năm, một tháng, hoặc nghe xong nhưng không có kế hoạch giải quyết, để sự việc chìm dần trong im lặng. Là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, không thể chấp nhận việc có những viên chức cả năm không một lần tiếp dân (viên chức không được hẹn tiếp dân ở bàn nhậu)3. Viên chức hành pháp, tư pháp phải trả lời đúng hạn các chất vấn, kiến nghị của đại biểu cơ quan dân cử, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Viên chức thuộc cả ba ngành: lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tiếp dân khi người dân có yêu cầu, mà không lệ thuộc vào lịch tiếp công dân của cơ quan đề ra. Áp dụng kỷ luật thích đáng đối với những nơi đã để khiếu nại, tố cáo của dân tồn đọng trong nhiều năm mà không giải quyết dứt điểm. Tăng cường các cuộc điều tra xã hội học về sự hài lòng của dân, của các tổ chức xã hội, kinh tế đối với sự quản lý của Nhà nước. Đã đến lúc, Nhà nước cần tạo điều kiện để nhân dân đến trực tiếp theo dõi các kỳ họp của các cơ quan dân cử; việc này mở đường cho việc kiến tạo một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xã hội hóa rộng rãi hoạt động quản lý của Nhà nước
Chủ trương xã hội hóa hoạt động quản lý đem lại nhiều lợi ích to lớn. Giảm bớt gánh nặng bao cấp ngân sách cho các tổ chức được gọi là “tổ chức đặc thù”, tạo nguồn thu cho các tổ chức xã hội và người hoạt động xã hội. Xã hội hóa hoạt động quản lý nhà nước là, biện pháp hữu hiệu trong việc tinh giản biên chế và tiết kiệm ngân sách. Có một thực tế là những viên chức thoái hóa không muốn chia sẻ ngân sách cho các tổ chức xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần có quy định buộc các bộ, ngành cần lập danh mục những hoạt động công ích giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Các cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ đặt hàng, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình sản phẩm. Các bộ, ngành phải lập danh mục các công việc cụ thể giao cho các tổ chức xã hội đảm nhiệm theo nguyên tắc đấu thầu công khai, minh bạch. Giao cho Bộ Tài chính kiểm tra việc thực thi chủ trương này.
Tổ chức phản biện công khai các chính sách quan trọng của quốc gia
Đã có những chủ trương, kế hoạch gây phản ứng không có lợi trong nhân dân vì nhân dân thiếu thông tin. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về các kế hoạch chủ trương có liên quan đến lợi ích của quốc gia, để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, kể cả tổ chức việc trưng cầu dân ý tạo ra sự đồng thuận trong dân. Ý kiến thuận chiều hoặc ngược chiều đều được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Qua các cuộc tranh luận công khai được truyền tải rộng rãi sẽ nâng cao được kiến thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, mà không sợ các luận điệu xuyên tạc.
Nâng cao vai trò vị trí của các Tòa án hành chính
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, hành vi vi phạm của viên chức gây ra nhiều hậu họa lớn hơn vi phạm của cá nhân công dân. Viên chức cấp càng cao phạm tội sẽ gây ra hậu quả lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Những vụ đại án được phanh phui và đưa ra xét xử trong năm 2018, đã khẳng định sự thật này. Đảng đã có sự thừa nhận rằng, có “không ít”, hoặc “một bộ phận không nhỏ” đảng viên, viên chức thoái hóa. Nhưng dư luận cho rằng, vì có tệ nạn ô dù nên đã khiến không ít viên chức coi thường, thậm chí ngang nhiên thách thức công lý. Vẫn còn những đảng viên, viên chức vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước ở nơi này nhưng lại được điều chuyển đi nơi khác và giao giữ cương vị không kém, thậm chí cao hơn cương vị cũ. Không thể xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh khi không ràng buộc mọi viên chức với trách nhiệm và sẽ bị kỷ luật, truy tố nếu họ làm trái pháp luật. Chức năng chính và lý do tồn tại của các Tòa án hành chính là công cụ đấu tranh phòng, chống tội phạm của quan chức. Hệ thống các Tòa án hành chính ở nước ta chưa được tạo đủ điều kiện để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mô hình tòa án này. Vì vậy, Đảng cần có kế hoạch củng cố hệ thống và hoạt động của các Tòa án hành chính và đưa nội dung này thành một trọng điểm của kế hoạch cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Năm biện pháp trên đây thật ra không hoàn toàn mới. Những biện pháp này đã từng được đề cập đến, nhưng do chưa được coi trọng và trở thành hành động, nên chưa tạo được những chuyển biến cơ bản. Làm cho mọi nghị quyết của Đảng thực sự thâm nhập vào cuộc sống, kiên quyết đấu tranh bệnh quan liêu xa dân trong lãnh đạo quản lý là những vấn đề quan trọng đưa đến những thành công vượt mong đợi.
Năm 2018, Việt Nam đã tạo được dáng đứng, thế đứng mới. Không phải là không có căn cứ khi lấy thành tích bóng đá làm ví dụ. Việc chiếm ngôi Á quân bóng đá châu Á và Vô địch bóng đá các nước Đông Nam Á không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Nó phản ánh sự sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức, quản lý, lãnh đạo, nên chỉ trong thời gian ngắn, chỉ qua một năm, mà sự tiến bộ của nền bóng đá Việt Nam được nhiều nước ngưỡng mộ. Thành tích của Việt Nam trên các lĩnh vực khác cũng được nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế chia sẻ và chúc mừng. Vị thế, tầm ảnh hưởng, ngôi thứ xếp hạng của Việt Nam so với các nước được các tổ chức quốc tế được nâng cao hơn trước.
Bước vào năm Kỷ Hợi, Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách mới. Nhưng với những kinh nghiệm đã rút ra được trong năm 2018, Việt Nam có đủ tiền đề và cơ sở vật chất, kỹ thuật để tạo ra dáng đứng cao hơn, thế đứng vững chãi hơn, để bứt phá nhanh hơn trong việc giành được các mục tiêu, mà trước đây không lâu ít ai nghĩ rằng, Việt Nam có thể làm được.
Luật sư Lê Đức Tiết
Nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Tại cuộc họp Chính phủ cuối năm 27/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố tăng trưởng GDP cả năm 2018 của toàn quốc là 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
2. Theo thống kê của Bộ Tư pháp hiện có khá nhiều văn bản dưới luật mâu thuẫn với Luật. Luật Đấu thầu số 43/2013 QH khóa 13, đến nay bộc lộ nhiều sơ hở, tạo thuận lợi cho các nhóm lợi ích dễ dàng tham nhũng. Nghị định 96/2014 NĐCP về xử phạt hành chính thuộc lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn đã làm nảy sinh những hiện tượng tùy tiện.
3. Hiện tượng đã được nêu lên tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tháng 11/2018.