Tin mới

Những “cột mốc sống” ở vùng biên

(Mặt trận) - Vùng giáp biên Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, như tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động mua bán người; mua bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu qua biên giới và nhiều tệ nạn ở hai bên biên giới. Ở đây, ngoài cột mốc cứng xác định ranh giới quốc gia còn có những già làng, trưởng bản, người có uy tín, họ đang ngày đêm góp công, góp sức bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình, an ninh biên giới.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Quang cảnh Hội nghị.

Nhiều tấm gương tiêu biểu

Ngày 28/9, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị biểu dương “Người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào, giai đoạn 2009-2018. Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP.

Hội nghị lần này nhằm biểu dương 60 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Họ là những “cột mốc sống” giữa vùng biên viễn, không chỉ góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia mà còn là những “cây đại thụ”, nơi quy tụ tình đoàn kết, hữu nghị, giữ gìn bình yên vùng biên giới.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Việt Nam là một quốc gia có đường biên giới trên đất liền dài 4.924,025 km, tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây. Theo Hiệp định về ngã ba biên giới năm 2007 ký giữa nước CHXHCN Việt Nam, CHDCND Lào và CHND Trung Hoa, giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc là mốc số 0, có 3 mặt gắn quốc huy của 3 nước, đặt trên đỉnh núi Khoan La San.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Dân cư sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn thiếu thốn, lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, tình trạng di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật vẫn còn diễn ra. Việc hiểu biết và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cửa khẩu, biên giới đất liền của một số địa phương, đơn vị còn hạn chế. Hiện tượng vi phạm các quy định về xuất, nhập, quá cảnh; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ… vẫn diễn biến phức tạp. 

“Từ những đặc điểm về vị trí địa lý, về lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo và quản lý của mình, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong đó, MTTQ Việt Nam và BĐBP là nòng cốt trong việc vận động, tập hợp và hướng dẫn lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu tiêu biểu đến từ các vùng biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là phát huy hiệu quả, vai trò của người có uy tín trong việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Từ kết quả của phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hiệu quả thiết thực

Trên cụm tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc nổi lên vai trò của ông Vi Văn Ríck (Bí thư Chi bộ thôn Tắp Tích, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Ông đã tích cực phối hợp cùng với chính quyền xã, Đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân chấp hành pháp luật, các quy định về biên giới. Trong vòng 9 năm qua, ông đã tổ chức được 25 buổi tuyên truyền với 530 lượt người nghe, vận động được nhiều gia đình trong thôn không vận chuyển, đốt pháo nổ, hiện tượng tảo hôn, ăn cỗ đám nhiều ngày, chữa bệnh bằng thầy mo, thầy cúng… Bản thân ông trực tiếp tham gia 14 lượt, vận động 110 người cùng tham gia phòng chống cháy rừng, thiên tai, lụt bão.

Nơi điểm đầu Tổ quốc - tỉnh Hà Giang, ông Lý Chá Phìn (Trưởng thôn Lũng Thầu, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), 19 năm liên tục được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn (từ 1999 đến nay). Từ 2009 đến nay, ông đã phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn, xã tổ chức được 30 hội nghị tuyên truyền pháp luật với trên 800 lượt người tham gia.

Tỉnh Lào Cai có ông Giàng Chúng, Trưởng thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, với cương vị là Trưởng thôn, bản thân luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực tuyên truyền chấp hành pháp luật, lựa chọn các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ trước, khó sau. Từ những việc làm cụ thể trong gia đình đến các công việc liên quan tới tập thể thôn bản, liên quan tới hương ước và pháp luật; từ quyền lợi đến nghĩa vụ của người dân đối với cộng đồng, đối với quê hương để người dân hiểu và chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ biên giới quê hương.

Cụm tuyến biên giới Việt Nam - Lào có các vị như: ông Lò Văn Thọ (người uy tín xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Tỉnh Quảng Bình có ông Trần Văn Phúc, người uy tín bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Ông thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ trong bản, cán bộ Mặt trận xã và Đồn Biên phòng Làng Mô vận động bà con tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia". Qua đó hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong đồng bào dân tộc Vân Kiều. Do đó, từ chỗ du canh, du cư với phương thức canh tác lạc hậu, đến nay bà con dân tộc Vân Kiều đã biết khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước và các loại cây nông sản, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện.

Lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và BĐBP biểu dương, trao quà cho đại biểu người uy tín tiêu biểu.

Tỉnh Quảng Trị có ông Hồ Ray (Pả Ria), Người uy tín thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa, luôn gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền vận động gia đình, người thân và nhân dân trong thôn chấp hành pháp luật. Vận động bà con hai bản thực hiện tốt việc kết nghĩa Bản - Bản hai bên biên giới (bản Ra Man - Việt Nam với bản Ổi, Ka Tios, huyện Mường Noofoong-Lào) cụ thể như đưa dân bản của bạn qua chữa bệnh tại Việt Nam, hướng dẫn cách thức làm ăn, hỗ trợ giống cây, giống con; giúp bạn về lương thực và vận dụng, huy động nhân dân giúp bạn làm lại nhà ở (bản Ka Típ - Lào bị cháy nhà năm 2009)…

Người tiêu biểu, người có uy tín xuất hiện khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, xuất phát từ sâu thẳm mỗi người là tình đoàn kết, yêu quê hương, đất nước. Họ không ngần ngại đi đầu trong mọi phong trào, vận động bà con lối xóm hướng theo con đường tốt để vừa xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp, vừa giữ gìn an ninh biên giới quốc gia.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Nhật Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Vùng biên giới luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, để ổn định tình hình, đảm bảo bình yên nơi biên giới, chúng ta vừa phải tuyên truyền, vận động vừa kịp thời ngăn chặn, đấu tranh sẽ để lại những hậu quả khó lường”.

Ông Bùi Xuân Chiều, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Sa, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: “Trên cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, tôi sẽ thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về đường biên, mốc giới, chủ quyền quốc gia. Nắm chắc tình hình thôn bản, kịp thời thông báo cho Đồn Biên phòng những vấn đề nóng trong bản để kịp thời có hướng xử lý”.

“Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc. Phát huy những thành tích đã đạt được thời gian qua, trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP mong muốn và đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí về dự Hội nghị hôm nay cùng tất cả những người có uy tín, tiêu biểu, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ... trong cả nước cùng với MTTQ Việt Nam, lực lượng BĐBP và các cấp, các ngành, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Đoàn kết các tầng lớp nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản