Tin mới

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 15/8, tại Hà Nội, Đảng đoàn, Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm "Vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới - Thực trạng và giải pháp".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tham dự và chủ trì Tọa đàm có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Khóa X; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các địa phương; các nhà khoa học, các chuyên gia.

Mang lại cuộc sống tốt hơn cho mỗi gia đình, cộng đồng dân cư

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau khi Nghị quyết 26 của BCH Trung ương ban hành, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, liên tục và đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Từ Nghị quyết 26, MTTQ Việt Nam đã xác định đây là trách nhiệm và vào cuộc với tinh thần: Triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM chính là chăm lo tốt hơn cho đời sống của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Để cụ thể hoá nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lồng ghép 19 nội dung, tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thông qua các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

“Mặt trận đã tập trung tuyên truyền, vận động để làm rõ hơn về nhận thức: Xây dựng NTM không chỉ là Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình, mà người dân là chủ thể, là trách nhiệm của mỗi người, của các ngành, các cấp; NTM mang lại cuộc sống, diện mạo tốt hơn cho chính mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Xây dựng NTM là thực hiện toàn diện các mặt của đời sống xã hội, là việc làm thường xuyên, ai cũng có thể góp phần mình, có những việc không phải cứ có tiền mới làm được”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, hiện nay cả nước có 3.420 xã (38,32%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 32 liên hiệp HTX nông nghiệp và 12.388 HTX nông nghiệp;  4.823 sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện; 818 chuỗi nông sản an toàn. Có trên 500 loại mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn; 61.158 Tổ an ninh nhân dân, 36.361 Tổ hòa giải, 92.623 Tổ tự quản.

“Đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt, nhiều khu dân cư kiểu mẫu, xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu trở thành NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tiễn đang đặt ra một số vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm, đó là tính bền vững, thực chất, mức độ được hưởng thụ và sự hài lòng thực sự của người dân đối với kết quả xây dựng NTM; một số hạn chế đã nêu trong Nghị quyết 26 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết căn cơ, toàn diện như: Hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; chất lượng giám sát, phản biện xã hội còn khiêm tốn. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất còn chậm; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh nhiều mặt hàng còn thấp. Hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá. Một số nơi, nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, môi trường ô nhiễm; năng lực thích ứng, ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tuy có cải thiện nhưng cơ bản vẫn còn phải quan tâm hơn nữa, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; vấn đề chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Người dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng NTM

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp cho MTTQ Việt Nam các cấp có thêm giải pháp đổi mới, đột phá trong tuyên truyền, vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Bắc Giang... cùng cho rằng, kinh nghiệm xây dựng NTM là phải huy động trí tuệ, sức dân. Muốn tập hợp, huy động nhân dân thì Mặt trận, các tổ chức đoàn thể là người vận động tốt nhất. 

“Xây dựng NTM là phải bảo đảm 3 yêu tố: nâng cao thu nhập, chỉnh trang hạ tầng, môi trường sạch. Không ai khác, người dân chính là chủ thể quan trọng nhất để xây dựng NTM. Phải để người dân tự giác, tự quản thành quả xây dựng NTM”, ông Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.

Mang đến kinh nghiệm từ thực tế trên địa bàn miền núi phía Bắc, ông Phí Văn Chí, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhận định: Trong xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi có địa hình phức tạp, trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán của người dân khác nhau, vì vậy, vai trò của MTTQ và Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở đóng vai trò quan trọng. Bởi, chính họ là những người ở gần dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của người dân nơi đó.

“Làm tốt công tác tuyên truyền đúng với tâm tư nguyện vọng của người dân sẽ tạo cho họ sự khát khao xây dựng thành công nông thôn mới”, ông Chí chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị cần quan tâm làm rõ những vấn đề mới nảy sinh ở nông thôn như người nông dân “chán” ruộng, bỏ ra thành phố kiếm việc làm, thực trạng được mùa rớt giá; thực trạng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền ở nông thôn làm người dân bức xúc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, cần nhìn thẳng vào sự thật để tổng kết khách quan, xác định rõ tình huống mâu thuẫn để đưa ra những giải pháp cho thời kỳ mới thực sự mang tính đột phá.

“Cần vận dụng và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những người cán bộ Mặt trận cơ sở phải thấm nhuần tư tưởng của Bác: "Cái gì lợi cho dân phải quyết làm cho bằng được, cái gì hại đến dân dù chỉ một cái hại nhỏ cũng phải quyết tránh cho bằng được", Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế, đổi mới chính sách để tạo động lực phát triển cho nông dân, trong đó phải coi nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng, phát triển, đổi mới, hiện đại hóa và hội nhập đất nước.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng  định, trong 8 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, có vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong việc phát huy nguồn lực của nhân dân.

Theo ông Nam, trong giai đoạn 2010 - 2017 huy động được khoảng 1.672.250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 28,6%, vốn tín dụng chiếm 56,7%, vốn doanh nghiệp chiếm 4,9%, người dân và cộng đồng đóng góp chiếm 15,82%.

Từ những thực tiễn nảy sinh ở nông thôn trong xây dựng NTM, ông Nam đề nghị Mặt trận cần phát huy vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền. Bên cạnh đó, quan tâm đến vấn đề môi trường nông thôn, vận động đảm bảo an ninh trật tự, tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân qua việc phát triển kinh tế nông thôn để có những hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong tham gia xây dựng NTM, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, MTTQ Việt Nam đã tham gia tích cực và có đóng góp quan trọng vào thành công của chương trình xây dựng NTM, đặc biệt việc xây dựng NTM được Mặt trận cụ thể hóa thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.  

Ông Cao Đức Phát cho rằng, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp nhân dân bám sát hơn mục tiêu của chương trình, qua đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mặt trận các cấp cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phát huy tính hiệu quả trong xây dựng NTM với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thông qua hiệp thương, đối thoại, kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM.

Để phát huy vai trò của Mặt trận các cấp trong xây dựng NTM, ông Cao Đức Phát cho rằng cần xác định rõ nhiệm vụ, nội dung công tác của từng tổ chức ở từng thôn xóm, mỗi cán bộ Mặt trận cần vận động nhân dân làm những việc cụ thể; các tổ chức thành viên tích cực gương mẫu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM ở chính hộ gia đình, thôn xóm mình, tạo được sức lan tỏa tới từng hộ gia đình và thay đổi cuộc sống của từng hộ gia đình và người dân.

Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến cũng cho rằng, trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền rất quan trọng, phải làm cho người dân hiểu thấu vai trò, giá trị của xây dựng NTM chính là để cho người dân có cuộc sống chất lượng hơn.  Xây dựng NTM chính là để phát triển nông thôn bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cả về chật chất và tinh thần. Muốn thế, cán bộ Mặt trận, đoàn thể phải được bồi dưỡng, tập huấn để có kỹ năng tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân chung tay xây dựng NTM, cần tăng cường đối thoại giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung nhấn mạnh, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xuyên suốt qua toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Sau 10 năm thực hiện, tổng kết Nghị quyết 26 của các cấp, ngành vừa qua khẳng định đây là một trong các nghị quyết thành công, đem lại hiệu quả thiết thực nhất, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta.

Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua các hoạt động: tuyên truyền, giám sát, tham gia góp ý chính sách, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới của đất nước trong thời gian qua.

Khẳng định đây là hướng đi đúng, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong giai đoạn mới trong đó đặc biệt quan tâm đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; lắng nghe và đề cao vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn, nông nghiệp; chú trọng phối hợp triển khai mô hình liên kết sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị; gắn kết xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa nông thôn…

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết tiếp thu những ý kiến tham luận, đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26, đồng thời sẽ báo cáo Bộ Chính trị để ban hành một nghị quyết mới, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn của nhân dân trong thời gian tới.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp cần quyết liệt trong vận động và giám sát để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

"Mục tiêu cuối cùng của NTM là hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển; môi trường nông thôn được cải thiện; sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được khá hơn; đời sống văn hoá được nâng cao, an ninh trật tự được đảm bảo; dân chủ ở cơ sở được phát huy; có nhiều mô hình hay, cách làm tốt, nhiều khu dân cư kiểu mẫu, xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu nâng cao trở thành nông thôn mới kiểu mẫu", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

 

Hương Diệp - Ảnh: Kỳ Anh

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản