Tin mới

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao

(Mặt trận) - Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần làm phong  phú, đa dạng nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên thực tế hiện nay, những nét đặc trưng riêng trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào Dao ở một số địa phương bị mai một, vì vậy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao.

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

 Một trong những nét đặc trưng riêng trong văn hóa của đồng bào Dao. Ảnh minh họa

Từ những hiến định của Hiến pháp và quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận có vai trò quan trọng chủ trì phối hợp với các thành viên trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung trong đó có dân tộc Dao, cộng đồng đã tạo dựng nên một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, hòa chung vào nền văn hóa Việt Nam đa hương sắc.

Đồng bào dân tộc Dao là dân tộc có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Dao ở Việt Nam có trên 751.067 người, cư trú chủ yếu ở vùng rẻo cao của các tỉnh miền núi phía Bắc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… Cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ việc canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, các hoạt động kinh tế truyền thống, kiến trúc làng bản, nhà ở, ẩm thực, trang phục truyền thống đến ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… đều thể hiện những sắc thái về văn hóa riêng biệt của dân tộc Dao. Ngôn ngữ Người Dao ở Việt Nam thuộc hai phương ngữ chính là phương ngữ Miền vả như Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Tiền, phương ngữ Mùn vả có Dao Quần Trắng, Dao Làn Tẻn… ở hai phương ngữ này đều sử dụng chữ Nôm Dao; song hiện nay việc bảo tồn tiếng nói và việc học chữ Dao của thanh thiếu niên đang diễn ra khó khăn và pha tạp ngôn ngữ các tộc người khác, nhất là tiếng phổ thông diễn ra rất phổ biến. Các bản sắc văn hóa khác như tổ chức xã hội truyền thống: Động, Trại, Láng... đều bị phá vỡ, những luật lệ làng bản xưa kia không được thực hiện, từ đó dẫn đến các kiến trúc nhà ở của người Dao ở khu vực gần thành thị như Hàm Yên (Tuyên Quang), Việt Quang, Việt Vinh của huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã bị biến đổi về kiến trúc, loại hình. Đặc biệt, việc mặc trang phục truyền thống không còn diễn ra thường ngày (như người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì). Về lễ hội, tín ngưỡng ở một số địa phương, đồng bào Dao đã tiếp nhận và bị ảnh hưởng văn hóa của các tộc người có nền văn hóa chủ đạo trong khu vực (như văn hóa Tày ở vùng Đông Bắc, văn hóa Thái ở vùng Tây Bắc). Đây chính là hai vùng có đông đảo cộng đồng người Dao sinh sống. Vào các dịp đầu năm cũng như những ngày lễ, tuy một số xã chỉ có người Dao, và người Hmông sinh sống, nhưng chính quyền lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng của người Tày đã ảnh hưởng và không khuyến khích được việc bảo tồn các lễ hội của dân tộc Dao.

Đối với tín ngưỡng, người Dao ở nước ta đều theo tông phái thờ cúng Bàn Vương, ở mỗi ngành Dao có tổ chức thờ cúng thủy tổ theo một phương thức khác nhau. Hiện nay, ở mảng tín ngưỡng dân tộc Dao đang được cộng đồng bảo tồn nhờ vào tầng lớp trí thức Dao. Họ chính là các thày đồ, thày cúng giỏi về chữ nôm Dao và hiểu sâu về thế giới tâm linh của người Dao song việc mai một chữ viết và tín ngưỡng đã có những dấu hiệu bước đầu xuất hiện, đó là việc các thế hệ thày đồ, thầy cúng già hóa đi, là việc sử dụng, vay mượn ngôn ngữ của dân tộc khác đang diễn ra ở một bộ phận cộng đồng người Dao, đặc biệt là lớp trẻ có xu hướng ngày càng ít học, hạn chế viết tiếng Dao, thay vào đó là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Kinh hay các dân tộc khác trên địa bàn (tiếng H’mông, tiếng Tày, Nùng, Thái…). Nhiều giá trị văn hoá, văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Dao theo thời gian bị mai một, bởi văn hóa của các dân tộc khác hoặc bị thất truyền. Trong khi đó, ở một số địa phương  đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí của người dân thấp, tập quán sản xuất, đời sống và các hủ tục (trong ma chay, cưới xin, chữa bệnh...) đã làm cho lớp trẻ dân tộc Dao không còn hào hứng với văn hoá truyền thống của chính dân tộc mình. Sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành văn hóa đã làm cho văn hóa truyền thống của dân tộc Dao bị mai một, có xu hướng lãng quên, chưa phát huy được giá trị trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Dao.

Trong thời gian qua thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày 12/6/2001, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Dao nói riêng đã thu được một số kết quả tạo sự liên kết về tổ chức và sự phối hợp hoạt động giữa các thành viên với nhau và giữa các thành viên với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Đã xuất hiện một số mô hình phối hợp về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Dao về tiếng nói, dạy chữ Nôm Dao, văn học, nghệ thuật, khôi phục nghề truyền thống, các phong tục, lễ hội tiến bộ, các làn điệu dân ca, dân vũ… nhất là việc phát huy vai trò của người tiêu biểu có uy tín, các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, cán bộ Mặt trận dân tộc Dao trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc Dao. Một số thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia tích cực, kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao.

Tuy nhiên, bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc Dao so với yêu cầu cấp thiết hiện nay vẫn còn là một khoảng cách. Việc tổ chức huy động nguồn lực theo tinh thần xã hội hoá công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao còn nhiều hạn chế và nhiều địa phương cơ sở vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước. Việc phối hợp, phát huy vai trò các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa của dân tộc Dao chưa đồng bộ, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp, công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao chưa rộng rãi và kịp thời.

Để phát huy vai trò của các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Dao, cần tăng cường việc phối hợp giữa các thành viên với vai trò chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đẩy mạnh xã hội hoá việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Dao, tập trung vào một số nội dung giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, các chức sắc tôn giáo, doanh nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… có thông tin về thực trạng vùng dân tộc Dao và công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao.

2. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc Dao, kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào… Coi trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc Dao, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư “ dịp 18/11 hàng năm và các lễ, hội của đồng bào Dao.

3. Phát huy vai trò của cộng đồng người Dao tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Cùng với sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, đồng bào Dao tự ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vận động đồng bào Dao kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với tiếp thu những giá trị tiến bộ trong văn hóa của các dân tộc khác. Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, song phải gắn kết với mở rộng giao lưu với các dân tộc khác. 

4. Tổ chức sưu tầm kiểm kê các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Dao (như: hát Pá dung, Nôm Dao, Lễ hội Bàn Vương), xây dựng đề án, kế hoạch về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao. Định hướng và vận động cộng đồng dân tộc Dao gắn việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch.

5. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao; tăng cường giám sát việc quản lý, điều phối cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa đã xây dựng, kiến nghị, tham gia sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa của dân tộc Dao.

6. Tạo điều kiện cho các tổ chức tự quản giải quyết các công việc của cộng đồng, chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, người có uy tín, nghệ nhân, Trưởng thôn và Trưởng ban Công tác Mặt trận là người dân tộc Dao trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của  dân tộc mình gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện quy ước và xây dựng đời sống văn hóa mới ở cộng đồng dân cư.

Vũ Dương Châu

Trưởng Ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

2. Các dân tộc thiểu số Việt Nam - Nhiều tác giả;

3. Một số báo cáo chuyên đề của các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn…

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản