Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, có bản sắc phong phú, đa dạng: có dân tộc đông đến cả chục triệu người, nhưng cũng có dân tộc chỉ vài trăm dân; có dân tộc là cư dân tại chỗ, song cũng có dân tộc là do sự di chuyển từ các khu vực, địa phương, quốc gia khác đến; một số dân tộc ở nước ta có đồng tộc được sinh sống từ nước ngoài (thường là dọc biên giới Việt Nam Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam- Campuchia), bởi vậy có sự nhạy cảm về ý thức dân tộc và ý thức quốc gia, đặc biệt trong những năm gần đây, mối quan hệ đồng tộc, thân tộc ngày càng gia tăng dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, có tác động cả tích cực và tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn đinh chính trị, an ninh quốc phòng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc1 phần nào ảnh hưởng đến công tác quản lý dân tộc. Trong đó, khi đồng bào dân tộc (thường cư trú ở những vùng biên giới) với điều kiện sống hết sức khó khăn về đường xá đi lại, thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác ít, ở các điểm xuất phát khác nhau về trình độ phát triển, về dân trí và vấn đề dân tộc luôn gắn với vấn đề tôn giáo, lại thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để mê hoặc xuyên tạc, chống phá. Các hiện tượng xung đột giữa các đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên (4/2004), Mường Nhé (5/2011) là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng ta.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và tôn giáo, đã hướng hoạt động của các cấp ủy đảng tại các vùng có đồng bào dân tộc luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và bản thân từng cấp ủy đã bám sát và thực hiện nhiệm vụ được giao, có nhiều chuyển biến tích cực.
Thứ nhất, các cấp ủy đảng sâu sát, đặt trọng tâm công tác dân tộc, tôn giáo vào việc thực hiện bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ về lợi ích giữa các dân tộc. Đồng bào các dân tộc luôn nhận được sự động viên, chia sẻ, chăm lo cả về vật chất và tinh thần từ các cấp ủy đảng, được tôn trọng, tương trợ lúc khó khăn do giáp hạt, sâu bệnh, mất mùa, thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Qua sự chỉ đạo, vận động trực tiếp của các cấp ủy mà nhiều người dân, hộ gia đình là người dân tộc cùng tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, ví như: trồng chè, bưởi, mận đào, trồng macca, nuôi dê, mở rộng các làng nghề thủ công như: nấu rượu, dệt thổ cẩm, đan lát; bước đầu hình thành nền kinh tế sản xuất hàng hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, thông tin liên lạc được đầu tư nâng cấp, làm mới, bước đầu thu hẹp dần khoảng cách địa lý với miền xuôi; gần 100% số xã có trường tiểu học, có trạm y tế, 95,5% số người nghèo được cấp bảo hiểm y tế.
Thứ hai, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp tiếp tục được khẳng định, là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào dân tộc. Dân chủ và phát huy dân chủ trong sinh hoạt của các cấp ủy đảng vùng dân tộc, miền núi được triển khai sâu rộng đi liền với đề cao trách nhiệm đảng viên cấp ủy, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong các tổ chức. Mỗi đảng viên cấp ủy luôn gương mẫu về mọi mặt, là tấm gương về đạo đức, có lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, tất cả vì lợi ích, cuộc sống đồng bào. Nhờ đó, không chỉ đã hạn chế những biểu hiện đố kỵ, cá nhân, thiếu tôn trọng nhau trong sinh hoạt, mà còn là cơ sở để đấu tranh ngăn chặn các hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, góp phần xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc luôn vững mạnh.
Thứ ba, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được các cấp ủy triển khai xuống đến từng người dân, hộ dân để họ hiểu là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng đất nước giàu mạnh; Đảng và Chính phủ chấp nhận sự khác biệt của đồng bào các dân tộc, không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ định kiến, mặc cảm giữa các dân tộc. Nhiều tôn giáo và tín ngưỡng thờ cúng vốn một thời mai một, thì nay đã được khôi phục thực sự, là cơ sở để người dân tin tưởng hơn vào chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.
Thứ tư, công tác dân tộc, tôn giáo, trước hết và chủ yếu là công tác của Đảng, nhưng công tác này phải thông qua nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy ở từng vùng đồng bào thì chủ trương, đường lối của Đảng mới có thể đi vào cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc. Trên thực tế, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta chiếm con số khá lớn với trên 24 triệu người, chiếm 27 % dân số cả nước, đặt ra yêu cầu khách quan là các cấp ủy đảng phải đa dạng các hình thức vận động thì công tác dân tộc, tôn giáo mới hiệu quả. Đi đến từng hộ dân để tuyên truyền vận động, nói cho dân tin, làm cho dân hiểu, ăn ngủ cùng dân là cách làm hay đang được các cấp ủy đảng tiếp tục nhân rộng.
Thực tiễn công tác dân tộc, tôn giáo của các cấp ủy thời gian vừa qua cho thấy, thông qua việc vận động và cùng với người dân tích cực tham gia, cổ vũ và nhân rộng các tấm gương đồng bào vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, các tấm gương “người tốt, việc tốt” gắn với các phong trào cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, xóa đói, giảm nghèo, đấu tranh chống nạn nghiện rượu, hút thuốc phiện, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giữ gìn tiếng nói chữ viết dân tộc, phong tục tập quán, bản sắc từng dân tộc thiểu số đã góp phần làm cho dân gắn bó, tin tưởng cán bộ, tin yêu và chính quyền đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Mặc dù vậy, trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy (khóa IX) về công tác dân tộc và tôn giáo vẫn còn một số hạn chế, đó là:
Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của cấp ủy đảng trong công tác dân tộc, tôn giáo; chưa thấy hết trách nhiệm và nghĩa vụ là làm cho quan hệ giữa các dân tộc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cuộc sống đồng bào được cải thiện. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng tại một số vùng, địa phương chưa sâu sát với cuộc sống sinh hoạt của người dân, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đảng viên là cấp ủy và giữa cấp ủy với đảng viên; còn bao biện, làm thay một số công việc của chính quyền; quan liêu, mệnh lệnh, xa dời thực tiễn vẫn diễn ra. Một bộ phận cán bộ cấp ủy vẫn để diễn ra tình trạng nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều - làm ít. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, đổi thay trong nhận thức, tâm tư, nguyện vọng của người dân vùng dân tộc.
Công tác kiện toàn cấp ủy đảng các cấp chưa kịp thời, việc bố trí nguồn lực cán bộ, đảng viên tại từng địa bàn dân cư còn lúng túng, nhiều nơi “trắng” đảng viên. Công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được đặt ở vị trí trọng tâm; chưa xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần triển khai thực hiện trong cả nhiệm kỳ hoặc trong từng thời gian cụ thể trong công việc của một số cấp ủy.
Dân chủ và phát huy dân chủ, phê và tự phê bình trong sinh hoạt của các cấp ủy đảng tại một số vùng dân tộc, miền núi còn hạn chế, bất cập vì nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí, đồng đội vì sợ mất lòng.
Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều nơi còn hình thức, chiếu lệ. Việc triển khai một số chính sách còn chậm trễ, chưa đáp ứng kịp thời nguyện vọng, lợi ích của nhân dân.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cấp ủy thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, còn tư lợi vun vén lợi ích cá nhân, vi phạm những nguyên tắc sinh hoạt đảng, làm suy giảm lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng trong công tác dân tộc, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là nhằm củng cố vững chắc niềm tin của người dân tộc với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với người dân tộc, vì mục tiêu thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, vì vậy nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện là:
Một là, mỗi đảng viên cấp ủy phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình với công việc được phân công và sự vững mạnh toàn diện của tổ chức đảng nơi mình sinh hoạt, phụ trách. Như vậy, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy đảng cần được bắt đầu từ việc phân công, phân nhiệm nhiệm vụ cụ thể từng cán bộ cấp ủy, gắn chặt với vai trò người đứng đầu cấp ủy, đảm bảo nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một cán bộ cấp ủy phụ trách và chịu trách nhiệm chính, các đồng chí cấp ủy, đảng viên phối hợp chịu trách nhiệm hoàn thành kế hoạch được phân công.
Gắn trách nhiệm được phân công với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từng mảng công việc cho từng cán bộ cấp ủy đảng trên tinh thần nắm chắc về dân số, tình hình kinh tế - xã hội, tâm tư, nguyện vọng của từng người dân, từng hộ dân là người dân tộc.
Hai là, cán bộ cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào dân tộc chỉ có được khi và chỉ khi người đứng đầu các cấp ủy đảng phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu về chuyên môn và phẩm chất, năng lực đáp ứng được các yêu cầu: 1) Là người thực sự gương mẫu trong việc chấp hành các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cá nhân và gia đình họ phải thực sự đi đầu trong tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế hộ, chuyển đổi hiệu quả sản xuất nông nghiệp; 2) Là tấm gương về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm với công việc; định kỳ xuống cơ sở, nắm được tâm tư, nguyện vọng từng hộ đồng bào để có biện pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc cho người dân; 3) Tôn trọng, động viên, phát triển và sử dụng sức mạnh, trí tuệ tập thể, của mỗi đảng viên, mỗi người dân vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy; 4) Dân chủ, công khai, minh bạch trong sinh hoạt và phải chịu trách nhiệm về sinh hoạt của các chi bộ, đảng bộ không thực hiện đúng các chức trách nhiệm vụ được giao, có đảng viên vi phạm kỷ luật, quan hệ giữa các dân tộc trong vùng, đời sống của đồng bào bị sa sút.
Ba là, công tác dân tộc, tôn giáo trước hết là công việc của Đảng. Đảng lãnh đạo công tác dân tộc, tôn giáo thông qua đội ngũ đảng viên, các cấp ủy đảng. Đồng bào dân tộc tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, cũng là thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, thông qua các cán bộ cấp ủy. Uy tín của Đảng, trước hết được thể hiện qua vai trò, uy tín, tính tiền phong, gương mẫu của từng đảng viên, từng cấp ủy viên, vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đảng viên cấp ủy cần thực hiện là:
+ Gắn chức tránh, nhiệm vụ từng cấp ủy viên với mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có tâm huyết, trình độ làm thước đo đánh giá chất lượng của các cấp ủy đảng, chứ không thể dừng lại ở những qui định, chỉ đạo chung chung.
+ Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, kết hợp với kiểm tra, giám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy, của tổ chức đảng, cũng như kiểm tra giám sát việc chấp hành Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được phép làm đối với các đảng viên, các cấp ủy viên.
+ Đảng viên phải luôn phê bình và tự phê bình sẽ tạo nên sức mạnh hoạt động của Đảng, bởi lẽ trong hoạt động, ai cũng sẽ mắc phải hạn chế, sai sót; phê và tự phê bình để cho tiến bộ hơn. Hồ Chí Minh viết: “Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng lắng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”2. “Nói đi đôi với làm” trên cơ sở nói đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nói sai, xuyên tạc; làm là dành nhiều thời gian, trí tuệ cho công việc, được bắt đầu từ khâu chuẩn bị nội dung trong sinh hoạt Đảng thường kỳ, định kỳ, tránh sơ sài, nội dung sinh hoạt đơn điệu, tẻ nhạt, hình thức.
+ Mục tiêu trong sinh hoạt Đảng, cấp ủy cần quan tâm và có biện pháp cụ thể để đảng viên, cán bộ được tiếp cận với chủ trương, chính sách, tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức cho đảng viên về trách nhiệm đối với người dân, nói đi đôi với làm và đặc biệt là coi kết quả công việc trên cương vị công tác được giao.
Bốn là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là “then chốt” sẽ không chỉ là bài học kinh nghiệm trong đường lối lãnh đạo của Đảng, mà còn là phương châm hành động cụ thể ở từng cấp ủy vùng đồng bào dân tộc miền núi, chắc chắn chỉ có hiệu quả thực sự khi gắn với việc khắc phục vấn đề “Kinh hóa” trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp ủy, cũng như trong thực thi các chính sách dân tộc, tôn giáo3. Bởi vì, những khúc mắc trong cuộc sống đồng bào nhiều khi không phải là con lợn, con gà, củ khoai, củ sắn, hoặc giữa người dân tộc với người dân tộc, mà lại chính là việc có quá nhiều cán bộ là người Kinh, chứ không phải là người dân tộc trong hoạt động của hệ thống chính trị tại cơ sở. Điều này cũng có nghĩa là, cùng với việc khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo, thì hạn chế, khắc phục vấn đề “ Kinh hóa” cũng chính là thực hiện nguyên tắc“các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển”.
Từ thực tiễn hoạt động của các cấp ủy vùng dân tộc cho thấy, khi những đồng chí bí thư, cấp ủy chi bộ, các trưởng bản là người dân tộc thường là người gần dân, hiểu biết rõ nhất tâm tư, nguyện vọng của dân, nên khi tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thường dễ được người dân tiếp thu và làm theo. Tất nhiên, cán bộ là người dân tộc có những hạn chế nhất định về nhận thức, văn hóa, về tuyên truyền vận động người dân. Vấn đề là ở chỗ, “không thể mãi làm thay, làm hộ đồng bào dân tộc”, càng không thể mãi diễn ra tình trạng “cầm tay chỉ việc”, mà cần để đồng bào tự học tập, vươn lên khẳng định được mình.
Chỉ có qua thực tiễn công việc và cần có thời gian mới biết cán bộ, cấp ủy viên nào là người nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, thực sự có uy tín, được tập thể tin cậy, người dân ủng hộ, trở thành hạt nhân xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư nơi bà con dân tộc sinh sống, thực sự là cầu nối giữa tổ chức Đảng với người dân trong cộng đồng dân cư. Đây là tiêu chí để lựa chọn cán bộ cấp ủy.
Công tác dân tộc, tôn giáo là công việc của Đảng vốn vô cùng hệ trọng và phức tạp, chắc chắn phải đặt trọng tâm vào công tác cán bộ. Làm tốt công việc này không chỉ đòi hỏi người cán bộ, đảng viên tâm huyết, nhiệt tình, mà còn phải làm tốt, hiệu quả, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng. Vì vậy, cùng với việc ưu tiên lựa chọn người từ cơ sở am tường ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, am hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, có quá trình công tác thực tiễn thì việc đánh giá, sắp xếp, qui hoạch, tuyển chọn cán bộ đảm bảo có tính kế thừa, có cả tuổi trẻ xen lẫn người có kinh nghiệm, lành nghề, thạo việc và chuyên nghiệp; lấy kết quả công việc, luôn đặt lợi ích người dân làm tiêu chí quan trọng nhất khi bổ nhiệm cán bộ.
Nguyễn Trần Thành
TS, Viện Chủ nghĩa khoa học xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Xem: PGS,TS Nguyễn Văn Minh: Một số vấn đề dân tộc và đề xuất định hướng chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay/ Kỷ yếu Hội thảo: Văn kiện Đại hội XII của Đảng - một số vấn đề lý luận thực tiễn, Hà Nội tháng 7/2016, tr. 390.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr290.
3. Nguyễn An Ninh: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những vấn đề đang đặt ra và giải pháp. Bài viết trong cuốn sách: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: PGS, TS Hoàng Minh Đô - TS Lê Văn Lợi: 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và tôn giáo, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội 2014