Một trong những nét đặc trưng riêng trong văn hóa của đồng bào Dao. Ảnh minh họa
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc; Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”; công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng.
Một số kết quả thực hiện công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã từng bước được triển khai thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú, Mặt trận các địa phương đã tăng cường gặp gỡ, đối thoại, trao đổi cung cấp thông tin giữa cán bộ Mặt trận với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tổ chức các lớp tập huấn về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số”; tổng hợp, ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VIII) là cá nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số theo định kỳ; tổ chức gặp mặt biểu dương người có uy tín tiêu biểu, các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số…; công tác vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo" có những chuyển biến tiến bộ, quan tâm đến việc khảo sát, xây dựng các mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo trong vùng DTTS, như: tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS, đồng thời chọn xã Gung Ré (huyện Di Linh) để chỉ đạo điểm công tác dân tộc; tỉnh Đồng Nai triển khai dự án hỗ trợ đồng bào DTTS: Chơro, Châu Mạ và STiêng nuôi dê vượt nghèo; tỉnh Bình Thuận xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các xã đồng bào dân tộc Chăm,…
Đặc biệt, công tác tham gia xây dựng và giám sát việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc được tăng cường, góp phần tạo điều kiện phát triển ở vùng đồng bào DTTS, cụ thể: Tỉnh Ninh Thuận tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách về giao đất sản xuất, giao rừng khoán quản đối với đồng bào DTTS; tỉnh Bình Định giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS và việc thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2014-2016; tỉnh Quảng Trị tổ chức giám sát chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS; tỉnh Cao Bằng phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, xóa nhà dột nát, các chương trình cho vay vốn lãi xuất ưu đãi của Nhà nước cho đồng bào DTTS; tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Ninh Thuận giám sát tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS; tỉnh Bắc Giang tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, các biện pháp phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào DTTS; tỉnh Bạc Liêu giám sát việc thực hiện Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2013-2015 và tỉnh Tây Ninh giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giáo dục y tế - dân số, chính sách cán bộ người dân tộc, người uy tín và phụ nữ dân tộc,…
Công tác tham gia thực hiện công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ở vùng đồng bào DTTS đạt được những kết quả quan trọng; công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện chính sách và phát huy vai trò người uy tín tiêu biểu vùng đồng bào DTTS từng bước được quan tâm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận và cán bộ là người DTTS trong hệ thống chính trị; công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp với các cơ quan chức năng về công tác dân tộc được quan tâm chỉ đạo, để thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc thời gian qua còn có một số hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc ở một số địa phương chưa có sự phối hợp cụ thể giữa các cơ quan tuyên truyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, chưa phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở vùng DTTS trong công tác tuyên truyền miệng; việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động trong vùng đồng bào DTTS, thiếu sự phối hợp thường xuyên giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với các tổ chức thành viên trong việc xây dựng và tuyên truyền các mô hình điểm, các điển hình tiên tiến; chưa phát huy tốt và đầu tư hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, trong việc giám sát thực hiện các dự án ở vùng dân tộc thiểu số; trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát trong vùng đồng bào DTTS còn hạn chế và thiếu cơ chế xử lý kết quả sau giám sát; một số địa phương chưa xây dựng chương trình phối hợp công tác cụ thể về công tác dân tộc với các cơ quan chức năng làm công tác đối ngoại nhân dân, với bộ đội biên phòng ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới; chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS và cán bộ làm công tác dân tộc còn thấp; chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy vai trò của người có uy tín tiêu biểu trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Những giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc
Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt các quan điểm, nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc, Kết luận số 01/KL-ĐCT, ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc”; đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội; các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động; tuyên truyền vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp tiến bộ của các dân tộc thiểu số nhất là việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, công trình kiến trúc, nghề truyền thống, các phong tục, lễ hội tiến bộ,... Tuyên truyền, vận động thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, phối hợp để phát huy vai trò, liên kết trong công tác tuyên truyền giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên và các cơ quan truyền thông; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền, kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào… Đặc biệt, coi trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu và đội ngũ Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng DTTS.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng những mô hình, điển hình trong thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quan tâm xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực về chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, xây dựng trang trại, đồi rừng… giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS…
Thứ tư, chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành, tập trung là các chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường và văn hóa ở vùng đồng bào DTTS; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban Thanh tra nhân dân, tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng ở các khu dân cư vùng đồng bào DTTS đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc.
Thứ năm, phối hợp tham gia thực hiện hiệu quả công tác phản biện xã hội thông qua việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, giữ gìn phát triển văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc; chương trình, kế hoạch về xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào các DTTS, đặc biệt đối với những dân tộc có tỷ lệ phát triển dân số thấp.
Thứ sáu, xây dựng chương trình phối hợp về công tác dân tộc với các cơ quan chức năng làm công tác đối ngoại nhân dân và bộ đội biên phòng; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS về chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, tham gia tuyên truyền về hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để thu hút thêm nguồn lực góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ người nghèo, hoạt động nhân đạo từ thiện ở vùng đồng bào DTTS; quan tâm xây dựng các mô hình kết nghĩa, tự quản, phối hợp giải quyết tốt quan hệ giữa các DTTS trong nước với đồng tộc, thân tộc ở nước ngoài; tham gia xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thứ bảy, tiếp tục phối hợp với Ủy Ban Dân tộc, Bộ Công an và các cơ quan chức năng về công tác dân tộc để thực hiện tốt Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Kết luận số 68-KL/TW, ngày 10/9/2013 của Ban Bí thư về “xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người Hoa” và Chương trình hành động số 03-CTr/MTTW-ĐĐ của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Về phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng người Hoa”.
Thứ tám, tập hợp, vận động người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chấp hành các đoàn thể các cấp. Giới thiệu những người thật tiêu biểu tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; mời các cá nhân có uy tín tiêu biểu là chuyên gia tham gia các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các cuộc hội thảo khoa học, các hội nghị, các cuộc họp mặt, tham gia triển khai các phong trào thi đua để cá nhân tiêu biểu có cơ hội trao đổi thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về các vấn đề quan trọng của địa phương.
Thứ chín, kiện toàn tổ chức, tăng cường số lượng, chất lượng và chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS và cán bộ làm công tác dân tộc của Mặt trận các cấp từ Trung ương đến địa phương để làm tốt công tác tham mưu cho Mặt trận trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Thứ mười, coi trọng phối hợp với các tổ chức thành viên phát triển đoàn viên, hội viên, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn hoạt động, bồi dưỡng phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ người DTTS, bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ chính sách phù hợp cho Ban Công tác Mặt trận và Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vũ Dương Châu
Trưởng Ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam