Qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội. Mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Ðường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, góp phần to lớn tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện sâu rộng, đã làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.
Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào Mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Ðộng viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Trước yêu cầu đổi mới, chỉ có mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa mới có đoàn kết thật sự và bền vững. Tiếp tục phát huy vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp nhân dân cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ðẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân cùng với Ðảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, tham gia tích cực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao chất lượng cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường thực hiện có hiệu quả Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới.
Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên cần thực hiện tốt hơn Chương trình phối hợp thống nhất hành động trên các lĩnh vực công tác sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức thực hiện tốt hơn Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với Đảng và Nhà nước; định hướng dư luận trong nhân dân, không để phát sinh những điểm nóng, phức tạp do nguyên nhân từ việc nhân dân không được cung cấp và định hướng thông tin chính xác; mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, phản động, kẻ xấu gây mất đoàn kết trong nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta phải thấu suốt và quán triệt sâu sắc những bài học về đoàn kết và dân chủ đã được khẳng định trong thực tiễn. Ở nơi nào, lúc nào phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm kỷ cương, phép nước trong quản lý, điều hành của Nhà nước và thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, đảm bảo hài hòa các lợi ích và công bằng xã hội thì ở đó, lúc đó sự đồng thuận xã hội được nâng cao và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường.
Hai là, phát huy tinh thần sáng tạo và vai trò tự quản của nhân dân ở cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hỗ trợ nhân dân ở những nơi gặp khó khăn, thiệt hại do thiên tai bão, lũ lụt gây ra. Tổ chức các hoạt động cứu trợ, đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Vận động toàn dân tham gia thực hiện Chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện và tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt là thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn có những hạn chế. Vấn đề cốt lõi là cần tập trung xây dựng và thực hiện các chính sách phù hợp với từng giai tầng xã hội, nhất là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển. Quá trình thực hiện, cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, quan tâm đến vùng, miền còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Ba là, phát huy dân chủ, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện có chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện Quy định số 124 - QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về: “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tổ chức tốt việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân; giám sát việc chính quyền tiếp công dân, đối thoại với nhân dân và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở; đánh giá sự hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công. Phát huy vai trò của Mặt trận trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi trình độ dân chủ trong xã hội càng cao. Mặt khác, dân chủ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đo lường sự phát triển của xã hội, bởi lẽ bảo đảm và phát huy dân chủ là bảo đảm tôn trọng và thực hiện quyền con người, quyền và lợi ích của người dân trên tư cách người chủ của xã hội. Dân chủ phải đi liền với bảo đảm trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Một nền dân chủ lành mạnh phải là nền dân chủ tuân thủ pháp luật, không tách rời khỏi pháp luật.
Bốn là, tiếp tục tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, tổ chức bộ máy biên chế cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực, kỹ năng công tác vận động nhân dân của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên trên các lĩnh vực của công tác Mặt trận trong tình hình hiện nay có chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, hoạt động giao lưu nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức nhân dân của các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng với tinh thần đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, tiến bộ và phát triển. Đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về công tác Mặt trận, góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về chiến lược công tác dân vận và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn Ðảng, toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Nguyễn Văn Hùng
TS, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương