Ảnh minh họa.
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Mặt trận các cấp ở 52 tỉnh vùng có đồng bào dân tộc thiểu số đã lập danh sách được khoảng 30 nghìn người có uy tín trong các dân tộc thiểu số; tích cực, chủ động phối hợp với Công an cùng cấp thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy làm nòng cốt trong công tác vận động cộng đồng thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các phong trào, cuộc vận động khác ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Người có uy tín đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư. Người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận và lực lượng công an trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá cách mạng nước ta; thực hiện tốt các hương ước, qui ước của thôn, bản, vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tham gia công tác quản lý, giáo dục đối tượng phạm tội tại cộng đồng, vận động các đối tượng lầm lỗi trở về làm ăn sinh sống, góp phần xây dựng quê hương, bản làng an toàn về an ninh trật tự. Cùng với việc đi đầu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, người có uy tín còn nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn... từ đó từng bước xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và cộng đồng.
Từ khi thực hiện Chương trình phối hợp đến nay, thông qua vai trò của người có uy tín, Mặt trận và công an các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với nhiều đối tượng phạm tội, nhiều vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Điển hình, như: Người uy tín ở tỉnh Đắc Lắc đã cung cấp cho lực lượng công an 4.973 tin báo, tố giác tội phạm; vận động nhân dân giao nộp 389 vũ khí quân dụng, súng tự chế, vật liệu nổ, hung khí các loại; tham gia tuyên truyền và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho gần 100 đối tượng nghiệm ma túy; tham gia giúp đỡ, quản lý, giáo dục hơn 1.000 thanh niên chậm tiến, đối tượng sau cải tạo trở về địa phương… Tỉnh Kiên Giang, thông qua vai trò của người có uy tín, Mặt trận và công an tỉnh đã phối hợp nắm và khai thác được trên 450 nguồn tin quan trọng có liên quan đến an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc, phối hợp giải quyết ổn định trên 55 vụ tranh chấp khiếu kiện phức tạp có liên quan đến đồng bào dân tộc; giáo dục, cảm hóa, ngăn chặn 80 người dân tộc muốn bỏ đạo truyền thống đi theo đạo khác, 46 người có ý định sang Campuchia trái phép; vận động 2 tăng sinh trốn sang Campuchia trở về địa phương,… Vận động nhiều chức sắc, chức việc có uy tín tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác từ thiện xã hội, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc, quản lý giáo dục tăng sinh tu học; Mặt trận và lực lượng công an các cấp đã xây dựng, bồi dưỡng được nhiều người có uy tín, ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực ở nhiều địa phương và thực sự gương mẫu, tiêu biểu: Ông Hoàng Ngọc Hoa, dân tộc Hoa ở Quảng Ninh đã vận động hơn 200 lượt người tham gia tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới, vận động 150 người từ bỏ ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, vận động nhân dân giao nộp 5 súng săn, 150 kg pháo nổ. Ông Giàng Xáy Sinh, dân tộc Mông ở Yên Bái, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh và ngăn chặn hoạt động thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” của một số đối tượng phản động. Ông Bùi Đức Tiền, dân tộc Mường ở Lạng Sơn đã vận động đồng bào theo đạo Tin Lành thực hiện và chấp hành chính sách tôn giáo của Nhà nước. Hòa thượng Trần Nhiếp trụ trì chùa Đường Xuồng Mới (Gò Quao, Kiên Giang), đã châm cứu và trị bệnh miễn phí cho trên 100.000 bệnh nhân, tổ chức nấu cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo, xây dựng mới và sữa chữa trên 1.000 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo và thông qua các nguồn tin của nhân dân báo cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư các dân tộc thiểu số đã góp phần đem lại ánh sáng văn hoá của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn, vận động bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, kết hợp hài hoà giữa tính tự quản bằng luật tục với tính phổ biến bằng pháp luật, ứng biến được trước mọi biến động của cuộc sống. Thông qua việc xây dựng những quy ước, hương ước trong từng dân tộc, từng nhóm dân tộc, từng cộng đồng dân cư... giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, như: định canh, định cư, sinh đẻ kế hoạch, xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp cách mạng là rất cần thiết.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận các cấp ở các vùng dân tộc cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương những có uy tín.
Một là, thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước, quốc tế cho người có uy tín; phổ biến cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến xây dựng khối đại đoàn kết, về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo...
Hai là, tập hợp, vận động và phát huy người có uy tín trong dân tộc thiểu số tham gia vào Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp, Ban Chấp hành đoàn thể các cấp; giới thiệu những người thật tiêu biểu tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Ba là, hằng năm, Mặt trận và lực lượng công an các cấp chủ động phối hợp xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền cho người có uy tín để phổ biến đến cộng đồng dân cư; phối hợp với công an, bộ đội biên phòng tập huấn cho người có uy tín kiến thức về quốc phòng, an ninh, về phòng chống tội phạm, buôn lậu, ma tuý; về âm mưu thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Mặt trận chủ động phát huy uy tín, vai trò của người có uy tín trong các hoạt động xã hội, qua đó, nâng cao uy tín của người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Năm là, định kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng những người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số ở địa phương; tổ chức các đoàn đại biểu người tiêu biểu có uy tín thăm Thủ đô Hà Nội, gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức học tập các mô hình tiên tiến ở các địa phương.
Nguyễn Mạnh Quang
Thường trực Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam