Tin mới

Thực hiện tốt trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

(Mặt trận) - Tự hào với vùng đất giàu truyền thống yêu nước, tỉnh Thái Nguyên đã có những đóng góp đặc biệt trong lịch sử cách mạng của dân tộc, thể hiện rõ nét nhất là trong hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ biên giới, hàng vạn người con của quê hương đã lên đường nhập ngũ, trong đó có gần 11.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và có tới gần 10.000 người con đã bỏ lại một phần xương máu của mình tại chiến trường cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dâng hương và đặt vòng hoa tại Khu Di tích Lịch sử 27/7 thuộc xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện chính sách ưu đãi trên 130.000 người có công với cách mạng (chiếm 10,86% dân số), trong đó có 1.158 người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; 575 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 10.821 liệt sĩ; 9.931 thương binh, bệnh binh; 13.178 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học...

Phát huy truyền thống cách mạng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện sự tri ân sâu sắc với những người có công với đất nước. Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn trong cộng đồng xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”,“Xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”; nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… được đẩy mạnh; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ xây mới trên 570 nhà tình nghĩa có trị giá lên tới gần 24 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đặc biệt, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa cơ bản về nhà ở cho 34/34 hộ nghèo có thành viên là đảng viên trên 50 tuổi Đảng.

Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được quan tâm thực hiện. Hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo việc tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), với diện tích từ 0,8ha, rộng ra 4,75ha, được chia làm 2 giai đoạn, gia đoạn 1 gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm; Lầu chuông, Lầu khánh, Giả sơn, Nhà đón tiếp, Cổng tam quan và Đường TNXP mở rộng từ 7m lên 22,5m, dự kiến hoàn thành vào ngày 24/12/2018, đúng vào ngày giỗ của 60 liệt sĩ TNXP. Nơi đây thực sự trở thành một “địa chỉ đỏ” xứng đáng với những cống hiến và sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ TNXP, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Hằng năm cứ vào các dịp lễ, Tết, ngày 27/7, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách (Riêng dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất đã có gần 70.000 suất quà với trên 22 tỷ đồng). Các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 99,97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với ý chí và nghị lực rất đáng khâm phục, đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Dịp 27/7 năm nay, nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ đã và đang được các cấp, các ngành và cả cộng đồng tham gia hưởng ứng, ủng hộ. Điểm nhấn là việc tổ chức thăm, tặng quà người có công, những thương, bệnh binh người Thái Nguyên đang điều dưỡng tại các trung tâm ngoài tỉnh; tổ chức dâng hương tại Khu Di tích Lịch sử 27/7 - Nơi công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh, Liệt sĩ; dâng gương tại nghĩa trang các Anh hùng liệt sĩ Bắc Thái - Thái Nguyên tại tỉnh Quảng Trị và tại các đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được đẩy mạnh bằng việc huy động các nguồn lực, sự quan tâm của toàn xã hội nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công trong dịp cao điểm này. 

Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong 71 năm qua; vấn đề đặt ra trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng và công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền những kết quả, thành tích nổi bật trong công tác người có công, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực vượt qua khó khăn của thương binh, bệnh binh tàn nhưng không phế. Đặc biệt, quan tâm tới các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phấn đấu không để gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giảm nghèo bền vững. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực đóng góp giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, làm giàu chính đáng và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống đời thường... Đó là trách nhiệm, niềm tự hào và sự tri ân sâu sắc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

PGS.TS Trần Quốc Tỏ 

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản