Tin mới

Về xây dựng Nhà nước pháp quyền về tôn giáo

(Mặt trận) - Việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong những thập kỷ gần đây đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công cuộc đổi mới chính trị ở nước ta. Riêng trong lĩnh vực đời sống tôn giáo, văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiên cứu dưới đây bước đầu muốn chỉ ra một vấn đề có tính phương pháp luận, đó là, thế nào là một Nhà nước pháp quyền về tôn giáo? Cùng đó, đưa ra một cách lý giải theo hướng mô hình hóa một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo và xem đó như một nhiệm vụ trọng yếu của quá trình tiếp tục hoàn thiện, đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo ở nước ta.

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

Chư tôn đức hòa thượng dự khánh thành Đại tượng Phật A Di Đà

Thế nào là một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo?

Nhà nước pháp quyền về tôn giáo

Nhà nước pháp quyền về tôn giáo là một sản phẩm của lịch sử, ra đời trong các cuộc cách mạng tư sản Âu - Mỹ thế kỷ XVIII. Trong đó, cùng với quá trình thể chế các quyền con người, quyền tự do tôn giáo bắt đầu được ghi nhận bằng luật pháp. Dần dần, đã hình thành những nguyên lý của chủ nghĩa thế tục, tạo nên một mô hình mới của các nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ với các tôn giáo. Từ đó hình thành các nhà nước thế tục, nghĩa là những nhà nước phi tôn giáo.

Nhà nước thế tục là những nhà nước thực thi hai nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa thế tục, đó là việc thể chế hóa các quyền tự do tôn giáo, tư tưởng, lương tâm, đồng thời thực hiện nguyên lý phân tách, nghĩa là thực hiện trong pháp lý và thực tiễn việc phân ly quyền lực nhà nước với các tổ chức tôn giáo.

Lộ trình này được bắt đầu từ hệ thống luật pháp ở Hoa Kỳ sau khi tuyên bố độc lập, với điều khoản tu chính án 10 trong Hiến pháp đầu tiên. Nước Pháp và châu Âu cũng có những đóng góp quan trọng về điều này. Tiêu biểu nhất là sự ra đời Bộ luật Phân ly (1905).

Bước tiến triển của nguyên lý thế tục này ngày càng được khẳng định trong thế kỷ XX, với văn bản nền móng là Tuyên ngôn Nhân quyền (UDHR) tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1948, trong đó có điều khoản kinh điển về tự do tôn giáo (Điều 18): Mọi người đều có quyền tự do lương tâm, tư tưởng và tôn giáo, quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, và tự do, hoặc một mình hoặc trong cộng đồng với người khác và ở nơi công cộng hay tư nhân, để biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình giảng dạy, thực hành, thờ cúng và thực hiện1.

Cho đến nay, trong việc giải quyết mối quan hệ nhà nước với Giáo hội, cái cốt lõi cho “chính sách tôn giáo” nói chung, loài người biết đến hai mô hình nhà nước lớn:

Mô hình nhà nước tôn giáo hay còn gọi là mô hình Thần quyền tuyệt đối. Loại nhà nước này hiện không nhiều, trong đó nhà nước vẫn dựa trên quyền lực tôn giáo, giáo luật, lấy luật đạo trị luật đời. Mô hình này chủ yếu tồn tại trong thế giới Hồi giáo. Tất nhiên, không phải mọi quốc gia theo mô hình nhà nước tôn giáo đều thực thi như nhau nguyên tắc tôn giáo nói trên. Hiện đã xuất hiện những mô hình nhà nước tôn giáo nhưng cũng đã chấp nhận ở mức độ nhất định chủ nghĩa thế tục, cũng như việc công nhận quyền tự do của các tôn giáo khác.

Mô hình nhà nước thế tục, nghĩa là mô hình của các nhà nước dựa trên hai nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa thế tục: thực hiện quyền tự do bình đẳng tôn giáo và nguyên tắc phân ly (“phân tách”) giữa quyền lực chính trị của nhà nước và các tổ chức tôn giáo.

Hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới đều theo mô hình này, vì nó đáp ứng một cách tổng thể nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo, ổn định và phát triển bền vững.

Tính phổ quát của mô hình nhà nước thế tục là ở chỗ, nó đáp ứng cơ bản nhu cầu một nhà nước pháp quyền về tôn giáo đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo ở Việt Nam

“Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”2. Dù rằng, một cách hiểu thật đầy đủ về một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn phải hướng tới, nhưng chắc chắn những yếu tính của nhà nước pháp quyền ở nước ta được xác định. Trong lĩnh vực tôn giáo, cũng như trong ngôn ngữ chính trị học ở nước ta, cũng chưa bao giờ có được “một định nghĩa” nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo. Lôgíc nghiên cứu của chúng tôi, căn cứ những kinh nghiệm các mô hình nhà nước thế tục, kết hợp với thực tiễn chính sách tôn giáo ở nước ta, xin đưa ra “một định nghĩa” sau đây: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo ở Việt Nam là một mô hình dựa trên ba chân đế: 1) Lựa chọn, xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục; 2) Hướng tới một chính sách công về tôn giáo; 3) Tìm kiếm một mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo thích hợp.

Chân đế thứ nhất: Lựa chọn, xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục

Sau hơn 200 năm xây dựng nhà nước thế tục, thế giới hiện nay đã có những trải nghiệm phong phú về những giá trị có ý nghĩa toàn cầu của nguyên lý thế tục, nhưng đồng thời cũng thấy được những hạn chế của nó cần điều chỉnh. Trước đây, khi mới xác lập mô hình nhà nước thế tục, nhất là khi thực hiện nguyên lý phân tách, cùng với quá trình của tính hiện đại, nhiều nước đã đẩy tôn giáo vào đời sống cá nhân, hạn chế vai trò của nó trong đời sống xã hội. Người ta gọi đó là quá trình “thoát khỏi tôn giáo”, tính hiện đại sẽ thu hẹp ảnh hưởng của tôn giáo như cái đích của nhà nước thế tục. Ngày nay, sự điều chỉnh là ở chỗ, các nhà nước thế tục không những không tuyệt đối hóa “tôn giáo chỉ là đời sống cá nhân”, mà còn tạo điều kiện để các tôn giáo có thể đóng góp tích cực vào đời sống xã hội và văn hóa.

Ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặc dù Chính phủ ta đã ban bố những sắc lệnh đầu tiên về vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề “nhà nước thế tục” chưa thể được đặt ra.

Có thể nói, với Sắc lệnh số 234-SL, ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, thực sự đã đặt cơ sở nền móng cho việc lựa chọn và xây dựng mô hình nhà nước thế tục ở Việt Nam3. Qua thực tiễn đời sống tôn giáo những thập kỷ tiếp theo, thậm chí ngay cả trong những năm Đổi mới cho thấy rằng, Sắc lệnh 234-SL đã có sự lựa chọn đúng đắn một mô hình nhà nước thích hợp. Mô hình ưu tiên cho sự đa dạng, tôn trọng các tôn giáo, còn lại tỏ ra rất thích hợp khi luật pháp tôn giáo ở nước ta những năm gần đây đã chuyển từ việc chỉ công nhận 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo) đến chỗ hiện nay đã công nhận tới 14 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo4…

Tất nhiên, việc hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục còn đặt ra nhiều vấn đề khác, trong đó then chốt nhất vẫn là công tác hoàn thiện luật pháp tôn giáo ở nước ta. Cần nói thêm rằng, việc lựa chọn, xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục còn có ý nghĩa như một điều kiện tiên quyết để xây dựng “các chân đế” tiếp theo.

Chân đế thứ hai: Hướng tới một chính sách công về tôn giáo

 Nếu như xây dựng nhà nước thế tục tạo nên thể chế nhà nước có khả năng giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo theo hướng nhà nước pháp quyền, thì việc xây dựng một chính sách công về tôn giáo lại có ý nghĩa thực tiễn cụ thể.

Một thực tế là từ năm 1945 đến nay, tính cách “chính sách tôn giáo” ở nước ta vẫn in dấu một “chính sách nội chính”, chưa thể có một chính sách công đích thực về tôn giáo.

Chính sách tôn giáo các nước hiện nay được hiểu là một bộ phận của chính sách xã hội nói chung, cụ thể nó thuộc loại chính sách công. Nghĩa là, chính sách tôn giáo phải đảm bảo những yếu tố phổ biến của một chính sách công như tính hợp pháp, tính công khai và phổ quát, là quyết sách của nhà nước về những điều cần phải làm trong lĩnh vực tôn giáo.

Tuy vậy, cũng cần thấy rằng cách hiểu và sự thực thi “chính sách tôn giáo” là rất khác nhau. Với những nước vốn đã thực hiện thể chế nhà nước thế tục có truyền thống, trong môi trường xã hội dân sự, thì “chính sách tôn giáo” đã hòa tan trong nhiều chính sách xã hội và luật định. Ngược lại, với những nước (trong đó có Việt Nam) khi xã hội dân sự đang hình thành thì chính sách này tồn tại với những hình thức “độc lập” và “riêng biệt”, phản ánh một công việc quan trọng của nhà nước với những phương pháp quản lý, sự thực thi chính sách có những nét riêng. Tuy vậy, hướng chung là phải coi nó như một chính sách công và hòa nhập với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nói thêm rằng, đối với một số quốc gia, chính sách tôn giáo phải trải qua một quá trình dài để chuyển từ một “chính sách xã hội đặc biệt” (nội chính) thành một chính sách công.

Chân đế thứ ba: Tìm kiếm một mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo thích hợp

Việc quan niệm và thực thi chính sách quản lý nhà nước về tôn giáo cũng là một tiêu chí phản ánh sự khác biệt giữa mô hình nhà nước thế tục ở Âu - Mỹ và các nhà nước thế tục, nửa thế tục hay cận thế tục ở châu Á.

Đại thể, với các nước Âu - Mỹ, việc quản lý nhà nước về tôn giáo cơ bản theo nguyên tắc, các tổ chức tôn giáo đã trở thành những thành tố của xã hội dân sự và chịu tác động của hệ thống luật pháp như mọi thành phần xã hội khác. Ở nhiều nước khu vực này, không hề có “luật về tôn giáo” vì tất cả đã được quy phạm trong hệ thống luật dân sự. Cũng vì thế việc quản lý nhà nước về tôn giáo chỉ còn là công việc của những cơ quan hành chính tùy thuộc vào Bộ Nội vụ hoặc Bộ Văn hóa.

Trong khi đó, ở nhiều nước châu Á (nhất là ở Việt Nam và Trung Quốc), việc quản lý nhà nước về tôn giáo lại theo một mô hình khác, trong đó nhà nước vẫn thiết lập một bộ máy quản lý công tác tôn giáo. Với những nước này, bên cạnh việc xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền về tôn giáo, đặc biệt là thúc đẩy luật pháp tôn giáo, thì việc lựa chọn một mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn là một đòi hỏi cấp bách.

Ở nước ta, bên cạnh chân đế “nhà nước thế tục” và chân đế “một chính sách công về tôn giáo” là việc tiếp tục tìm kiếm một mô hình quản lý nhà nước về công tác tôn giáo thích hợp; trước mắt là những vấn đề cụ thể sau đây:

Thứ nhất, nguyên tắc “công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” (Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, tháng 10/1990) tỏ ra hợp lý, hữu hiệu. Tuy vậy, hiện cho thấy sự đòi hỏi phải thể chế hóa, xác định rõ trách nhiệm của các thành viên thuộc hệ thống chính trị tham gia vào công tác này là yêu cầu cấp bách.

Thứ hai, Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan chức năng chủ yếu của Nhà nước trong công tác quản lý tôn giáo, có hệ thống trong cả nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục tìm kiếm một mô hình quản lý thích hợp hơn, thúc đẩy mối quan hệ của nó với các thành tố của hệ thống chính trị, cũng như việc xác định chức năng, nhiệm vụ, phương thức làm việc…

Thứ ba, dù lựa chọn bất kỳ mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo như thế nào, chúng ta cũng cần đáp ứng những nguyên tắc cơ bản như, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, “tính cách dân tộc” của công tác tôn giáo cũng như yêu cầu ngày càng cao của việc hội nhập với những luật pháp, công ước quốc tế về tôn giáo.

Hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục ở nước ta

Việc chúng ta lựa chọn mô hình nhà nước thế tục ưu tiên cho sự đa dạng, hài hòa tôn giáo5 là đúng đắn vì nó phù hợp với thực tiễn tôn giáo và chính trị nước ta. Những năm đổi mới vừa qua, mô hình này tỏ ra thích hợp khi con số “những tôn giáo được công nhận” tăng lên một cách hợp lý, góp phần tạo nên bầu không khí cởi mở trong các tôn giáo, tăng cường sự “thân thiện” với Nhà nước và xã hội.

Hiện nay, trong suy nghĩ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo công tác quản lý tôn giáo, cán bộ, đảng viên một số ban ngành cho rằng, việc công nhận ngày càng nhiều các tổ chức tôn giáo sẽ “lợi bất cập hại” (họ cho rằng, khi Nhà nước đã “thiết chế hóa” và “hợp pháp hóa” các tổ chức tôn giáo thì đã tăng thêm sức mạnh cho các “đoàn thể áp lực”). Vì vậy, cần có những giải thích, hạn chế và xóa bỏ suy nghĩ này vì rằng, một mặt, mô hình nhà nước thế tục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn (năm 1955) đương nhiên phải có lôgíc pháp lý như vậy. Mặt khác, trên thực tế, sự chống đối của các thế lực thù địch là ở chỗ khác chứ không phải từ sự tăng thêm của các tôn giáo được công nhận.

Một nhà nước thế tục có giá trị hiện thực ngày càng phải tạo cho mình những cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quản lý thích hợp. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác, trước hết là việc Nhà nước phải chủ động, đầu tư đúng đắn hơn cho việc hoàn thiện luật pháp tôn giáo.

Để thấy được sự tiến bộ của nhà nước pháp quyền và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam, xin tham khảo Bảng 1 dưới đây:

Luật pháp tôn giáo - khâu then chốt của một chính sách công về tôn giáo

Tiếp cận và hội nhập cao hơn với các công ước quốc tế về tôn giáo:

- Thể chế hóa quyền tự do tôn giáo (hiện nay, vấn đề nóng là tự do tôn giáo cho các nhóm dân tộc thiểu số; quyền cải đạo; tự do tôn giáo của các nhóm nhỏ, thiểu số… Hoặc vấn đề truyền giáo, giáo dục tôn giáo trong các trường công,… Ngoài ra, quyền tự do tôn giáo “trong những bối cảnh quy chế đặc biệt” (như đối với tù nhân, người di dân chưa có quyền công dân, những tộc người còn chịu quy chế luật tục,…).

- Luật pháp tôn giáo thế giới vẫn phải quan tâm đến nhiệm vụ quen thuộc là, tiếp tục thể chế hóa mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo và nhà nước: chẳng hạn, quyền tự quyết; quyền của các tổ chức, hội đoàn và tư cách pháp nhân; mối quan hệ tài chính giữa tôn giáo và nhà nước; giáo dục; tôn giáo và cuộc sống xã hội.

Những vấn đề cấp bách của việc “hoàn thiện luật pháp tôn giáo” (6 vấn đề cấp bách nhất):

- Quyền tự trị và tự quyết của các tổ chức tôn giáo (Việt Nam chưa từng bàn đến).

- Giải quyết mâu thuẫn giữa quyền thể nhân và quyền pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Đây là vấn đề mấu chốt.

- Đất đai và tài sản tôn giáo.

- Mối quan hệ về tài chính giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo (đặc biệt vấn đề thuế tôn giáo).

- Thể chế hóa các quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo.

- Sửa đổi, bổ sung các văn bản luật pháp và hướng tới những văn bản khác (sửa chữa, bổ sung Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo (2004); nhu cầu về một luật pháp nhân tôn giáo hay Luật Tôn giáo?).

Một số kiến nghị cụ thể khác

Khoảng 12 năm qua (2006 - 2018), vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Việt Nam được triển khai sâu rộng trong khuôn khổ quốc gia và hợp tác quốc tế. Như đã nói ở trên, công tác tôn giáo đã có những bước tiến quan trọng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đặc biệt cuối năm 2016, khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua và chính thức được thực thi vào đầu năm 2018, để thúc đẩy lộ trình này, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị giải pháp cụ thể dưới đây:

1. Tuyên truyền giáo dục về 3 nhận thức mới trong “vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”.

Khắc phục những nhận định, lối suy nghĩ chưa phù hợp với một nhà nước pháp quyền về tôn giáo (đồng thời, là việc khẳng định những nguyên tắc pháp lý, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về vấn đề này).

Một kế hoạch toàn diện cho việc tuyên truyền, giáo dục (kể cả với các tôn giáo về vấn đề nhà nước thế tục ở Việt Nam; tính hợp lý và hiệu năng của nó).

Luật pháp tôn giáo - một công cụ hữu hiệu và lâu dài để giải quyết vấn đề tôn giáo trong xã hội hiện đại.

2. Việt Nam phải tiến hành công tác điều tra Nhân khẩu học tôn giáo. Đây là một trong những cơ sở xã hội học và pháp lý để hoàn thiện, bổ sung chính sách tôn giáo. Nhà nước ta chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện.

3. Phải mở ngành Luật pháp tôn giáo (một lĩnh vực mà bản thân ngành luật chưa quan tâm).

4. Dịch, giới thiệu các bộ luật tôn giáo tiêu biểu trên thế giới.

5. Các điểm nhấn trong quan hệ Nhà nước với tôn giáo, tôn giáo với xã hội.

Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp 2013 (Điều 24), cần điều chỉnh các Bộ luật liên quan đến tôn giáo theo hướng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước mắt cần có câu trả lời từ phía chính sách của Đảng và Nhà nước về ba lĩnh vực của “Tôn giáo xã hội”, đó là: Quyền của các tôn giáo trong 3 lĩnh vực: giáo dục, y tế và từ thiện (dự tính thêm lĩnh vực truyền thông). Cũng cần tính đến “nguyên tắc cá nhân, riêng tư” của sự lựa chọn tôn giáo trong quan hệ dân sự “bất cứ sự nhắc đến tín ngưỡng nào đó của công dân trong các giấy tờ chính thức đều phải hủy bỏ vô điều kiện” (Lênin, Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, 1905).

Quan tâm hơn đến quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, nhất là trong thực tiễn thực sự bình đẳng tôn giáo.

Tạo một cái nhìn mới về quyền tự trị và tự quyết của các tôn giáo. Bên cạnh việc giữ vững an ninh, chính trị, xã hội và quyền lực chính trị của Nhà nước.

Tăng cường tính chuyên nghiệp của việc soạn thảo các văn bản luật pháp tôn giáo.

Lập Hội đồng tư vấn Tôn giáo cấp quốc gia về tôn giáo (gồm giới chính trị, quản lý, các nhà chuyên môn khoa học, đại diện các tôn giáo).

 Bảng 1: So sánh mô hình quản lý tôn giáo của Trung Quốc và Việt Nam6

Đỗ Quang Hưng

Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 Chú thích:

1.       Hiện nay có  nhiều bản dịch. Chúng tôi dựa vào bản dịch của Viện Thông tin Khoa học Xã hội, trong cuốn Quyền con người trong thế giới hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, 1995, tr. 628 . Ý nghĩa phổ quát của văn kiện này là gắn quyền tự do tôn giáo với tự do lương tâm, ý thức cũng như xác lập quyền tự do tôn giáo ở cả 3 không gian (cá nhân, gia đình và cộng đồng), chiều kích cá nhân hay cả cộng đồng với cả 3 quyền theo đạo (hoặc không tôn giáo), hành đạo và quản đạo (quản lý nhà nước về tôn giáo).

2.       Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 101.

3.       Có thể xem thêm bài Hồ Chí Minh - người đặt nền móng luật pháp tôn giáo ở nước ta, trong đó tính chất của một nhà nước thế tục được thể hiện ở chỗ: khẳng định quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng (tự do thờ cúng); công nhận các tổ chức tôn giáo, quyền tự quyết của các tổ chức tôn giáo… cũng như những điều khoản thể hiện nguyên tắc phân li.

4.       Chúng tôi cũng đã từng nhận định rằng, với Chỉ thị 01/2005 của Chính phủ, Nhà nước đã “trả món nợ pháp lý” với các tổ chức tôn giáo, mở ra một giai đoạn phát triển mới của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo.

5.       Có 4 mô hình nhà nước thế tục hiện thực: (1) Nhà nước tôn giáo - dân tộc (nhà nước thế tục có 1 tôn giáo chủ lưu); (2) Nhà nước tôn giáo - dân sự (như ở Mỹ, nhà nước đề cao 1 "tôn giáo" tương thân); (3) Nhà nước thế tục đa nguyên (nhà nước công nhận 1 số tôn giáo chính, đồng thời tôn trọng tôn giáo khác); (4) Nhà nước thế tục trung lập (nhà nước không công nhận bất cứ tôn giáo nào, mà mọi tôn giáo đều phải thực hiện nguyên lý thế tục trước nhà nước).

6.       Tham luận của GS. Lưu Bành (Trung Quốc) và GS. Đỗ Quang Hưng tại Hội thảo quốc tế Tôn giáo và Pháp quyền ở Việt Nam và Đông Nam Á năm 2012 tại Hà Nội và Bắc Kinh, 2010 - 2012.

 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản