Tin mới

Giáo dục con cái trong gia đình Công giáo

(Mặt trận) - Để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình tốt đẹp, chúng tôi mạnh dạn chia sẻ cùng quý vị những suy nghĩ về vấn đề giáo dục con cái theo ánh sáng của đức tin Công giáo.

Hội nghị lần thứ 31 Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam

Chung tay mang Tết đầm ấm cho nạn nhân chất độc da cam

Tiếp nối truyền thống hào hùng, vẻ vang trong nhiệm kỳ mới

Thành công của một người có nền tảng rất lớn từ phương pháp giáo dục trong gia đình. Ảnh: Anh Nhiên

1. Quan điểm của Giáo hội về giáo dục con cái trong gia đình Công giáo

Giáo dục là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì thế có ý kiến cho rằng, muốn biết tương lai của một xã hội thì hãy nhìn vào thực trạng giáo dục hiện có của xã hội ấy. Thông thường khi nói đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến nhà trường, các mối quan hệ thầy - trò. Nhưng quá trình giáo dục của một con người không chỉ ở trên ghế nhà trường, trong các mối quan hệ thầy - trò mà còn xảy ra chính ngay trong gia đình người đó nữa. Bởi vậy người thầy đầu tiên của một người không phải là người thầy ở nhà trường mà là chính cha mẹ mình. Đức cố Giáo hoàng Piô XI, trong thông điệp Casti Connubii, đã nói: “Thiên Chúa, đấng khôn ngoan vô cùng, đã quan phòng việc sinh sản cho gia đình như thế, cho toàn thể nhân loại, thì đối với cha mẹ là những người mà Ngài đã ban cho quyền và khả năng để sinh sản, không lẽ Ngài lại không ban thêm cho bổn phận và quyền giáo dục con cái”. Thánh công đồng Vaticanô II cũng phán quyết: “Vì là những người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục những người con trong gia đình, và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng”.

Qua việc giáo dục, gia đình đào tạo con người đạt tới phẩm giá viên mãn, theo tất cả mọi chiều hướng xã hội. Tức là gia đình là môi trường giáo dục, huấn luyện con người để có tất cả những phẩm giá, đức tính phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Hơn nữa, đối với gia đình Công giáo thì những điều giáo dục gia đình hướng tới còn phải theo giáo huấn của Giáo hội. Quả vậy, thánh công đồng đã nói: “Trong gia đình các Kitô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua bí tích Hôn nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thanh tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người xung quanh”.

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cung cấp một nền giáo dục tôn giáo và một sự đào tạo luân lý cho con cái mình, một quyền Nhà nước không thể hủy bỏ mà phải tôn trọng. Bởi vì quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ liên kết với việc lưu truyền sự sống (lưu truyền sự sống và nuôi dạy con cái là hai trục chính của Hôn nhân), và nó cũng thể hiện mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái.

Như vậy, giáo dục con cái là hồng ân và cũng là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người cha, người mẹ trong gia đình Công giáo. Do đó cần có một nội dung và phương pháp giáo dục con cái hợp lý trong mỗi gia đình Công giáo.

2. Nội dung giáo dục con cái trong gia đình Công giáo

Nội dung của giáo dục con cái trong gia đình Công giáo trước hết là giáo dục để hướng đứa trẻ đến yêu mến, phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân. Cha mẹ phải nói cho đứa con về Thiên Chúa, dạy cho chúng thấu cảm về tình thương của Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, giàu lòng thương xót chứ không phải là một Thiên Chúa hay nổi nóng, hay xử phạt. Điều đáng buồn là có những bậc cha mẹ không biết dạy con cái cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa, rồi thì nếu con cái không nghe lời thì dọa nạt Chúa sẽ nổi giận, Chúa sẽ xử phạt. Từ đó mà vô tình gieo vào đầu con cái hình ảnh một vị Chúa tàn nhẫn, gian ác.

Bên cạnh giáo dục cho con cái biết kính sợ Thiên Chúa, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho chúng biết yêu thương tha nhân. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình. Bởi thế, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái yêu thương, trước hết, các thành viên trong gia đình mình, đặc biệt cần dạy cho trẻ biết thảo kính cha mẹ vì đó là một trong những điều răn của Chúa.

Yêu thương tha nhân không chỉ gói gọn tình thương đó đối với các thành viên trong gia đình mà còn phải hướng tới tình làng nghĩa xóm, tình dân tộc: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thật đáng sợ bởi vì trong xã hội ngày nay người ta sống thờ ơ, lạnh nhạt với nhau. Tính cộng đồng, tình tương thân tương ái bị suy giảm. Con người không còn biết chạnh lòng, thương xót trước những gian truân vất vả của tha nhân nữa. Bởi vậy giáo dục cho con cái biết yêu thương là điều hết sức cần thiết trong môi trường xã hội ngày nay.  

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản