Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang
Những năm qua, được sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; Hà Giang luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện các chính sách cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân; diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng các xã, thị trấn biên giới của tỉnh đã dần được chuyển biến, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, khối đại đoàn kết được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, có tổng diện tích tự nhiên là 7.945,79 km2, gồm 10 huyện, 1 thành phố và 195 xã, phường, thị trấn; có 277,556 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Dân số cả tỉnh là 739.993 người, gồm 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang có 1.966 người có uy tín, thuộc 18 dân tộc. Người có uy tín ở các khu dân cư là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp trong công tác vận động quần chúng.
Thực tế hoạt động của người có uy tín tại tỉnh Hà Giang trong thời gian qua cho thấy, những người có uy tín luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân trên mọi lĩnh vực, là nhân tố tích cực, chủ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Người có uy tín đã có rất nhiều cố gắng, tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân. Nhiều người có uy tín thật sự tiêu biểu trong nói đi đôi với làm, được nhân dân đồng tình ủng hộ, học hỏi, làm theo.
Để phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trên các lĩnh vực của địa phương, đến nay, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên đã vận động và phát huy được trên 1.000 người có uy tín tiêu biểu tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; giới thiệu nhiều người uy tín, tiêu biểu tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tập hợp đầy đủ đại biểu đại diện cho 19 dân tộc của tỉnh tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện sinh động; thông qua các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân các cấp, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc được nắm bắt, phản ánh kịp thời.
Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Công an, Bộ đội Biên phòng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền đối với người có uy tín; tăng cường cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Năm năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang đã tổ chức mở được 24 lớp với 2.168 lượt người có uy tín tham dự. Ở cơ sở, Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền mời người có uy tín tham gia triển khai các phong trào, các cuộc vận động, như: Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp trực tiếp hòa giải những tranh chấp, khiếu kiện giữa các hộ gia đình trong thôn, xã.
Người có uy tín ở các khu dân cư là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp trong công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng và duy trì phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát hiện, tố giác tội phạm, trực tiếp tham gia giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở. Cụ thể, đã có 115 người tham gia giải quyết 98 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, cung cấp 76 nguồn tin có giá trị, có 580 người tham gia các Tổ tự quản về an ninh Tổ quốc.
Tỉnh Hà Giang tổ chức các hội nghị biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức đi thăm Thủ đô Hà Nội, báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương; tham quan, học tập các mô hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh đã tổ chức gặp mặt 68 người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số của 34 xã, thị trấn biên giới của tỉnh.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang xây dựng và vận động ngày một tăng, có ảnh hưởng lớn trong công tác tuyên truyền vận động; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, chống truyền đạo trái pháp luật,…
Một số bài học kinh nghiệm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc
Để Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt việc bồi dưỡng, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã tổng kết, đúc rút được một số kinh nghiệm sau:
1. Công tác vận động phát huy vai trò người có uy tín phải được tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc thống nhất các tiêu chuẩn của người có uy tín; Mặt trận phải tích cực tìm hiểu, gặp gỡ, vận động người có uy tín để phát huy, tranh thủ tối đa khả năng, năng lực và uy tín của họ.
2. Cần xác định rõ nội dung, phương pháp vận động đối với từng cá nhân sao cho phát huy năng lực sở trường của người có uy tín trong công tác vận động quần chúng; cần phát huy được vai trò, vị trí ảnh hưởng của người uy tín trong từng vùng, từng dân tộc, từng dòng họ để có phương pháp tranh thủ, sử dụng phù hợp.
3. Công tác vận động người có uy tín phải được kết hợp giữa vận động cá biệt và vận động rộng rãi. Đối với những người có uy tín mà hoạt động kém hiệu quả, cần phải kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, những khúc mắc trong cuộc sống và không được xa lánh họ, mà phải thường xuyên gặp gỡ, tác động để chuyển hóa tư tưởng.
4. Các cấp, các ngành nói chung, lực lượng công an nói riêng cần tiếp tục tổ chức quán triệt các nội dung, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng, họ chính là cái gốc, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cuộc sống và tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
5. Quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đỗ Thị Thanh Thủy
Báo Người Công giáo Việt Nam